Những F0 đời đầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cú điện thoại bất ngờ đến với tôi vào một ngày cuối năm. “Chú rảnh không?”. Giọng nói rõ quen, nhưng số máy lạ hoắc. Tôi thoáng ngập ngừng: “Dạ, anh gặp ai ạ?”. “Anh đây. Chắc chú quên anh rồi”. Lần này thì không thể nhầm được. “Anh Hữu…”. Cảm xúc trong tôi như bật tung.
Những F0 đời đầu

Ký ức một thời “canh chứng, ngồi sàn” lại ùa về.

Cái sàn chứng khoán mới mở. Bốn tay trốn nhiệm sở, hòa mình vào vô vàn các nhà đầu tư mới toanh. Chẳng hẹn mà gặp, bộ tứ trà đàm hình thành. Anh Hữu là trưởng phòng ở một viện nghiên cứu, hơn 40. Ba thằng còn lại, lính trơn, kém anh trên dưới nửa giáp. Tôi, dân văn hóa quần chúng, Phú - dược sỹ, còn Minh là chuyên viên một tổ chức kinh tế. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, mấy anh em nhanh chóng thân nhau. Chúng tôi tự phong là những nhà đầu tư đời đầu (xin lỗi các nhà đầu tư thời sàn chứng khoán mới có nhõn cổ phiếu REE và SAM).

Ngày đó, anh Hữu thường mang ra sàn những bài báo nóng hổi: “Chứng khoán phá mọi ngưỡng cản”, “Quyền năng thuộc về bên mua”, “Số đăng ký mua cổ phần IPO vượt 5 lần lượng chào bán”. Ngày một cổ phiếu công nghệ chuẩn bị niêm yết, anh rủ bọn tôi góp chung ít vốn còi mua lướt đôi ngàn trên sàn OTC, hơn tuần đã lãi gấp rưỡi.

Cũng dịp cuối năm thế này, nắng vàng đẹp, biết bao phiên thị trường tím lịm, trắng bên bán. Thời cả chợ chứng khoán mỗi phiên giao dịch chỉ bảy tám trăm tỷ, hôm nào vượt con số ngàn tỷ thực sự là một kỳ tích. Hàng ít, bà con tranh nhau mua. Viết lệnh chậm một ly, đi tong cục lãi, cậu dược sĩ “mê chứng hơn mê thuốc” không ít lần tặc lưỡi.

Do là lĩnh vực mới mẻ đầy hấp lực, quyến dụ nên đàm đạo, tranh luận về các trường phái đầu tư luôn là chủ đề sôi nổi, hấp dẫn và không bao giờ cạn.

Hình như buổi đó, thị trường lình xình đi ngang. Đang ngồi nhâm nhi ly trà ở quán cạnh sàn S, anh Hữu vóng lên: “Chí lý quá. Tài đến thế là cùng. Chúng ta chẳng chịu học gì tinh hoa nhân loại”. Anh hua hua cuốn sách như Colombo tìm ra châu Mỹ khiến đám đông ngoái nhìn. Tôi liếc cái tựa: “Nhà đầu tư thông minh” của Benjamin Graham. Phải đầu tư giá trị, anh khẳng định. Từ bữa đó, thực đơn của anh nghiêng hẳn về nhóm cổ phiếu cơ bản.

Đọc hàng chục cuốn sách cộng với tài hùng biện nên lần nào số nhà đầu tư bu quanh nghe anh Hữu “chém gió” cũng khá đông. Anh say sưa phân tích các chỉ số EPS, P/E, P/B, Book Value của các cổ phiếu. Thi thoảng anh lại vỗ đùi: Em này đẹp thế mà bà con không nhìn ra! Mỏ vàng là đây chứ đâu, chỉ ăn cổ tức đã hơn gửi tiền ngân hàng.

Nhưng nghe để biết vậy. Đơn giản, ngay trong nhóm bốn người, Phú và Minh đã không đồng quan điểm đầu tư với anh Hữu. Phú chuyên “hàng nóng”, Minh bán mua theo tin đồn kết hợp phân tích kỹ thuật. Còn tôi, diện “theo đóm ăn tàn” nhóm cổ phiếu mùa vụ.

“Em chẳng quan tâm đến P/E, P/B. Điều duy nhất hướng tới là cổ mua xong, ba ngày sau lời lãi bao nhiêu”, một lần, Phú mạnh dạn bày tỏ.

Anh Hữu bĩu môi: “Mua bán như chú, cứ như thể đánh bạc”.

Phú bữa đó vừa chốt được ba ngàn “hàng nóng”. Sự hứng khởi, hãnh tiến ngút trời. “Thị trường luôn luôn đúng”, Phú chắc nịch.

Anh Hữu cụt hứng. Vậy là lạnh nhạt với nhau. Nhưng vài bữa rồi lại đâu vào đấy. Bởi thị trường đủ rộng để dung nạp tất cả. Có ai phải chịu trách nhiệm về túi tiền của ai ngoài sàn.

Tôi nhớ cữ đó, nhóm cổ phiếu đầu cơ quay đầu, trong khi nhóm cơ bản, sau thời gian tích lũy, vào sóng tăng bền vững. Anh Hữu phấn chấn. Nhớ lại sự tự tin có chút thái quá hôm trước của Phú, anh chỉ về phía cái bóng lòng khòng của hắn đang ngây ra nhìn bảng điện tử: “Hàng vạn thằng đầu tư chụp giật kiểu nó làm hỏng các cổ phiếu tốt. Ai đời, có cổ vay nợ đầm đìa, P/E lên tới 50 lần mà thi nhau đua lệnh mua đuổi giá trần chục phiên. Trong khi bao cổ, P/E 5 lần, cổ tức 10% mỗi năm thì bị lãng quên. Đúng là đời!”.

Riêng Minh, thường ngồi nghe các bên tranh luận, nhưng chả nghiêng về ai. Minh rỉ tai tôi, đầu tư kiểu của anh Hữu, an toàn cao, đi kèm tỷ suất lợi nhuận thấp. Nó phù hợp với nhà đầu tư lớn. Còn khẩu vị của Phú thì ngược lại. Minh dân Tây học nên có quan điểm riêng. Cậu nhìn xem, đây là mô hình cây nến cháy dở. Minh mở laptop kéo tôi lại, rỉ rả. Hãy nhìn mô hình này. Hai phiên điều chỉnh nhè nhẹ. Lõm xuống chuẩn chỉ. Rồi thì sẽ là “lá cờ tung bay”.

Trường phái đầu tư khác nhau. Tính cách khác nhau nên ngay những chi tiết nhỏ là ghi lệnh cũng không ai giống ai. Mỗi lần ghi lệnh bán, mua, anh Hữu luôn đăm chiêu nghĩ ngợi. Anh viết chậm, nắn nót như thể đang viết bằng khen. Bởi vậy, anh nhiều lần phải vò vò, ném ném mảnh giấy lệnh vào sọt rác. Đơn giản vì khi anh suy nghĩ và viết xong mỗi lệnh, giá cổ phiếu giao dịch thường đã biến động, sai lệch.

Chẳng như Phú, nhanh và nhanh. Phú sẵn sàng chen lấn, tráo thứ tự tờ phiếu để được nhập lệnh nhanh nhất. Nét viết của Phú tháu cáy. Bởi vậy, sàn từng xảy ra chuyện cười ra nước mắt. Đó là lần phiếu lệnh Phú viết, mã cổ phiếu có chữ P thì viết gần như chữ D. Đáng tội, hai mã đó mức thị giá lại xêm xêm. Cô giao dịch viên vào lệnh nhầm. Chẳng có gì khó hiểu. Vậy là tranh cãi nảy lửa. Phú yêu cầu hủy kết quả. Cô giao dịch viên như mếu. Nhưng cuộc đời luôn có chuyện bất ngờ. Cổ phiếu Phú định mua, cuối phiên hôm ấy cắm mặt đi xuống. Còn cái cổ khớp nhầm thì vào phiên ATC, lệnh mua dồn dập. Đóng cửa, tím lịm. Câu chuyện trở thành kinh điển. Nhưng cũng từ bận đó, trên tường của sàn giao dịch xuất hiện thêm một mảnh giấy in đậm: “Đề nghị các nhà đầu tư viết lệnh rõ ràng. Trường hợp viết ẩu, gây nhầm lẫn, sàn không chịu trách nhiệm”.

Có ai trải qua thời kỳ đó mới hiểu sự ám ảnh của thị trường găm vào ký ức chúng tôi lớn như nào. Đang ngưỡng trên ngàn điểm, VN-Index đổ đèo một lèo về mốc hơn ba trăm điểm. Màu xanh mắt mèo kéo cả tháng. Sàn khép biên độ, tốc độ giảm chỉ chậm hơn. Hàng nóng “chết sặc gạch”. Tin đồn, chia tách cổ phiếu và mùa vụ thành vô nghĩa. “Cây nến cháy dở” tàn lụi. Duy có nhóm cổ cơ bản đỡ hơn, nhưng thị giá cũng đi ít nhất năm mươi phần trăm. Lần đầu tiên, mùa khai trường mà nhóm cổ phiếu sách lặng sóng. Đúng cữ Tết Trung Thu mà họ bánh kẹo cứ đều đặn “cưa chân bàn”. Sàn mới ngày nào chen chúc, tấp nập giờ thưa vắng, chống chếnh.

Anh Hữu thăng chức, luân chuyển. Phú vào Nha Trang. Minh nhảy việc. Bộ tứ tự tan khi thị trường vào chuỗi ngày ảm đạm kéo dài.

***

Mười tám năm trôi qua như một cái chớp mắt.

Anh hẹn gặp tôi ở một quán cà phê chính là sàn ngày xưa. Anh Hữu trẻ trung ngày nào giờ tóc đã nhuốm bạc. Cái bắt tay, ôm vai vẫn ấm nồng. “Ra Tết, anh nghỉ chế độ. Anh sẽ mở lại tài khoản chứng khoán”.

Rồi anh kể, mới đây, khi sắp xếp giấy tờ cá nhân chuẩn bị bàn giao công việc, anh thấy rơi ra một tấm giấy nhỏ. Mảnh giấy xác định sở hữu 1.000 cổ phần của một công ty anh từng xếp hàng mua đấu giá năm xưa.

“Khi tra tìm thông tin, tao mới ngã ngửa, hoá ra nó đã lên niêm yết tự đời nào. Liên hệ với công ty, họ bảo ngày đó có tìm cách liên hệ với mình nhiều lần mà không được”, anh kể. Sau ngày thị trường đổ đèo, anh chuyển việc, đóng tài khoản, rồi đi nước ngoài làm tiến sỹ ba năm. Về nước, công việc cứ cuốn đi.

Vậy sau bao năm, giá trị 1.000 cổ phần của anh thế nào? Anh cười hà hà: “Chẳng giấu gì chú, cả chia tách và cổ tức công ty đang giữ hộ, nó gấp gần ba mươi lần. Phần thưởng của đầu tư cơ bản”.

Rồi anh hào hứng, anh đã liên hệ với Phú và Minh, hai thằng bất ngờ và rất vui. Chắc chắn, sẽ có một ngày gần, bốn anh em mình hội ngộ.

“Kể thêm với chú. Quyết tâm trở lại lần này, anh thấy kiến thức đầu tư của mình lỗi thời rồi. Tới đây, anh sẽ tham gia một khóa học có AI phân tích dữ liệu. Mà này, tháng năm trôi qua, tao mới thấy chẳng phải quan điểm đầu tư của thằng Phú, thằng Minh là đáng phê phán đâu. Bởi thị trường mỗi người một khẩu vị. Nó chính là xã hội thu nhỏ”.

Tôi nhìn theo bóng anh khuất sau cửa chiếc xe taxi điện, đoạn nghĩ về cuộc hội ngộ của bốn anh em tới đây. Ước gì được trở lại thủa trẻ trai ngày nào để nghe anh Hữu “hàn lâm” phán về PE, PB, Phú “chém” về “hàng nóng” còn Minh thao thao về phân tích kỹ thuật. Lại lan man nghĩ, thị trường rồi đây sẽ phải làm quen với các con AI siêu phàm.

Biết đâu, có ngày, cả những điều bán mua, may rủi, hàng triệu quyết định khác nhau trên thị trường, các AI cũng “đọc vị”, sàng lọc rồi điều khiển tất cả. Chẳng biết lúc đó, cái thị trường bậc cao mà chúng tôi từng nếm trải bao xúc cảm buồn vui sẽ thế nào nhỉ.

Rảo bước qua một bàn cà phê bày ngay bên vỉa hè, ba thanh niên đang im lặng cắm mặt vào chiếc smartphone trên tay. Bỗng nhiên, một người lên tiếng: “Tao cá là sắp có sóng lớn”. Nhìn màn hình xanh đỏ nhấp nháy trên tay vị khách, tôi bất giác mỉm cười.

Truyện ngắn của Phan Ngọc Chính

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục