Nên lập doanh nghiệp chuyên đào tạo và tư vấn nhà đầu tư F0

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Nakajima Junichi, cao ủy viên Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (FSA) cho biết, chính quyền Thủ tướng Kishida đang tập trung thúc đẩy triển khai kế hoạch “tăng gấp đôi thu nhập từ tài sản” trên toàn quốc, với mọi người dân Nhật Bản, trong đó TTCK là đòn bẩy.
Nên lập doanh nghiệp chuyên đào tạo và tư vấn nhà đầu tư F0

Hiện nay, phần lớn nguồn tích lũy của người dân và hộ gia đình Nhật Bản để dưới dạng tiền gửi ngân hàng, hoặc tài sản ít thanh khoản. Nếu một phần tiền tiết kiệm này chuyển ra tiền đầu tư được kiểm soát chặt chẽ ở các doanh nghiệp niêm yết, người dân có thể hưởng lợi tức tốt hơn, thu nhập từ tài chính và tài sản gia tăng.

Mặt khác, còn có ý nghĩa lớn hơn với sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Nếu nguồn tín dụng cung cấp cho các doanh nghiệp phụ thuộc qua kênh gián tiếp, tức là rủi ro tín dụng tập trung vào ngân hàng, sẽ đẩy nhanh quá trình rủi ro suy thoái, kinh tế xã hội, ảnh hưởng lớn đến đất nước. Việc phát triển thị trường vốn, do đó còn có tác dụng phân tán rủi ro kinh tế. Bởi vậy, từ năm 2022, chính quyền Thủ tướng Kishida đã bắt tay vào triển khai kế hoạch “tăng gấp đôi thu nhập từ tài sản” với người dân Nhật Bản.

Theo kế hoạch năm 2024, Nhật Bản sẽ thành lập một doanh nghiệp lớn có chức năng đào tạo kiến thức tài chính cho người dân và tư vấn đầu tư cho những người mới tham gia thị trường chứng khoán.

Tại Hội thảo do JICA và UBCKNN phối hợp tổ chức sáng 21/3, ông Nakajima Junichi cho biết, Nhật Bản đã rút ra bài học lớn từ nền kinh tế bong bóng năm 1990, trước đó giá cổ phiếu giảm mạnh, giá đất giảm mạnh tác động đến toàn bộ bảng cân đối của các doanh nghiệp… Rủi ro tập trung vào các tổ chức tín dụng khiến ngay cả các ngân hàng lớn cũng phá sản. Thống kê cho thấy, có tới cả trăm ngân hàng phá sản, Nhật Bản phải mất tới 15 năm sau đó mới xử lý xong nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

“Phát triển TTCK bền vững thì doanh nghiệp có thể tăng trưởng bền vững, người dân có kênh thu nhập bền vững. Do đó, cần xây dựng thị trường chứng khoán có chiều sâu, có nhiều nhà đầu tư tham gia”, ông Nakajima Junichi nhấn mạnh.

Tại hội thảo, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBCKNN cho biết, Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030 đã được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế. Tăng quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu, tăng dư nợ thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng trung bình 20-30% mỗi năm.

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục