Những dự án đột phá về hạ tầng giao thông

0:00 / 0:00
0:00
25 dự án hạ tầng giao thông do đích thân Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT) theo dõi sát sao, chính là những đột phá về hạ tầng, làm thay đổi diện mạo giao thông Việt Nam.
Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành, một dự án trọng điểm của ngành giao thông Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành, một dự án trọng điểm của ngành giao thông

Thời điểm lịch sử

Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã nhẹ nhõm đôi chút sau khi Gói thầu số 5.10 - Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, có giá gói thầu hơn 35.000 tỷ đồng, xác định được đơn vị trúng thầu là Liên danh VIETUR do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Ictas là thành viên đứng đầu Liên danh.

Gói thầu số 5.10 không chỉ là gói thầu xây lắp có quy mô lớn nhất, tính chất kỹ thuật phức tạp nhất và có thời gian thi công dài nhất của Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I, mà còn có quá trình lựa chọn nhà thầu phức tạp, kịch tích bậc nhất trong lịch sử đấu thầu ngành GTVT.

Trước thời điểm ACV gửi thông báo kết quả trúng thầu tới 3 liên danh tham gia nộp hồ sơ dự thầu Gói thầu 5.10 vào chiều ngày 25/8, ông Vũ Thế Phiệt có 2 đêm thức trắng tại trụ sở ACV (số 58 - đường Trường Sơn, TP.HCM) để theo sát, chỉ đạo tổ chuyên gia của chủ đầu tư đàm phán hợp đồng với Liên danh VIETUR.

Về phía VIETUR, đích thân Phó chủ tịch và Giám đốc tài chính của Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Ictas - đơn vị xây dựng sân bay lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, đã trực tiếp sang Việt Nam đàm phán, cùng với bên mời thầu rà soát, làm rõ từng nội dung hợp đồng. Trong suốt quá trình đàm phán, thương thảo hợp đồng, cả ACV và VIETUR đều được hỗ trợ bởi các công ty luật có uy tín trong khu vực và thế giới.

“Đối tác Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện sự chuyên nghiệp, chặt chẽ, bài bản trong cả hồ sơ dự thầu lẫn quá trình đàm phán, qua đó tạo được ấn tượng và dự cảm tích cực ban đầu cho chúng tôi”, ông Vũ Thế Phiệt chia sẻ.

Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Ictas sẽ sớm có cơ hội thể hiện được năng lực trên thực địa, bởi ngay trong ngày 31/8 - tức chỉ khoảng 1 tuần sau khi công bố kết quả lựa chọn nhà thầu, ACV đã chính thức khởi công Gói thầu số 5.10. Động thái này được đánh giá là thần tốc, nhằm không để xuất hiện bất kỳ khoảng thời gian “chết” nào trên công trường trọng điểm này.

Cần phải nói thêm rằng, Gói thầu số 5.10 với thời gian thực hiện hợp đồng vỏn vẹn 39 tháng chính là đường găng tiến độ tại Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Không tìm được nhà thầu và khởi công Gói thầu 5.10 vào cuối tháng 8/2023, thì không thể hoàn thành Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I vào cuối tháng 12/2025.

Mục tiêu khởi công Gói thầu 5.10 trong tháng 8/2023 cũng là “quân lệnh” được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra trong nhiều cuộc họp Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

Trong chuyến đi kiểm tra hiện trường công trình vào tháng 1/2023, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo xây dựng và người dân rất mong chờ. Dứt khoát không để tình trạng kéo dài, chậm tiến độ và chưa rõ hướng xử lý khả thi, hiệu quả như vừa qua.

Trên thực tế, vượt qua những khó khăn ban đầu, tiến độ Dự án thành phần 3, Cảng hàng không quốc tế Long Thành do ACV làm chủ đầu tư với “trái tim” là Nhà ga T3 đã từng bước được cải thiện, bắt nhịp với kế hoạch, mục tiêu đề ra.

Tại phiên họp lần thứ 6, Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT vào giữa tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hoan nghênh ACV có tiến bộ trong việc triển khai Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đồng thời nhắc đơn vị này cần phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để đạt tiến độ đề ra.

Danh mục dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT:

Các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT được đề cập tại Quyết định 884/QĐ-TTg năm 2022, Quyết định 1316/QĐ-TTg năm 2022, Quyết định 347/QĐ-TTg năm 2023 và Quyết định 817/QĐ-TTg năm 2023 gồm:

Kích hoạt tối đa năng lực

Ngay trong ngày 31/8, cùng với Gói thầu 5.10, ACV còn khởi công đồng thời hạng mục sân đường khu bay với đường cất hạ cánh sân bay Long Thành trị giá hơn 7.300 tỷ đồng và Nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, công suất 20 triệu lượt hành khách/năm, có quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500 m2, trị giá hơn 9.000 tỷ đồng.

Việc chính thức khởi công những hạng mục quan trọng bậc nhất của hai sân bay lớn nhất phía Nam sẽ từng bước tạo ra sức sống mới của ngành hàng không Việt Nam.

Sau khi có nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ hoàn thành quy hoạch phục vụ 50 triệu lượt hành khách, vẫn giữ vị trí là cảng hàng không lớn nhất của Việt Nam. Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong giai đoạn đầu sẽ giữ vai trò "chia lửa" cùng Tân Sơn Nhất, giải tỏa ách tắc cả trên bầu trời và dưới mặt đất.

Sau khi hoàn thiện quy hoạch đạt tới năng lực khai thác 100 triệu lượt khách/năm, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ thay thế vị trí của Tân Sơn Nhất, trở thành cảng hàng không lớn nhất cả nước. Hai cụm cảng này chính là "bệ phóng" đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng không của khu vực, thúc đẩy sức cạnh tranh của ngành hàng không Việt Nam.

Trong tương lai gần, hai công trình dự án kích hoạt sẽ thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực giao thông giai đoạn từ nay đến cuối năm, kích thích nhiều ngành dịch vụ, tạo sức bật cho nền kinh tế trong năm 2024.

Được biết, Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I và Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất do ACV đầu tư chính là 2 “cú đấm thép” về hạ tầng hàng không nằm trong danh mục dự án do đích thân Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT chỉ đạo.

Tính đến tháng 7/2023, sau 3 lần bổ sung danh mục dự án, đến nay có 25 dự án với 75 dự án thành phần thuộc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, trong đó có những công trình quy mô vốn rất lớn như: 2 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông; đường Vành đai 3 TP.HCM; Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; các dự án đường sắt đô thị TP.HCM và Hà Nội; đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam…

“Các dự án này nếu được hoàn thành đúng tiến độ, không chỉ tạo nên diện mạo giao thông mới cho đất nước, mà còn tạo xung lực cho nền kinh tế cất cánh, đặc biệt trong điều kiện rất khó khăn hiện nay. Vì vậy, các dự án nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành, nhằm tạo nên những gia tốc tiến độ nhanh hơn, mạnh hơn”, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, các dự án nằm trong danh mục của Ban Chỉ đạo đã có bước đột phá về tiến độ triển khai, trong đó rõ nét nhất là công tác giải phóng mặt bằng vốn luôn là nút thắt khó khăn nhất, qua đó đáp ứng tiến độ khởi công các dự án cao tốc trục Đông - Tây, đường Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đạt 86%; đã hoàn thành giải phóng mặt bằng nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất…

Bên cạnh đó, việc cấp mỏ vật liệu xây dựng cho Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025 có tiến triển tốt sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương đã hoàn thành thủ tục và khởi công các dự án cao tốc trọng điểm như Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, nâng tổng chiều dài đường cao tốc khởi công từ đầu năm đến nay lên 1.332 km.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, khí thế tiến công được Thủ tướng Chính phủ khơi dậy đã lan tỏa trên nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn, qua đó tạo ra động lực giúp nhiều nhà thầu vượt qua giới hạn của bản thân.

Trên thực tế, từ khoảng một năm trở lại đây, phần lớn lãnh đạo nhà thầu đã thoát khỏi tình trạng “ngủ đông”, kích hoạt năng lực tối đa để vừa giữ được công ăn việc làm cho người lao động, vừa vì danh dự của những người đã có thâm niên sống chết với nghề cầu đường 30 - 40 năm.

Theo Thủ tướng, 3 đột phá chiến lược đang được tiến hành đúng hướng, phải "thừa thắng xông lên" để tiếp tục thực hiện, trong bối cảnh yêu cầu đặt ra phải nhanh chóng có hạ tầng kết nối để phát triển. Bộ Chính trị cũng đã ban hành các nghị quyết về 6 vùng kinh tế - xã hội, trong đó nhấn mạnh yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông. Mặt khác, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, phải đẩy mạnh đầu tư công để góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

“Tinh thần là thần tốc hơn nữa, chỉ bàn làm, không bàn lùi; vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó, vướng cấp nào, cấp đó giải quyết; nói đi đôi với làm, đã làm phải có kết quả, cân đong đo đếm được; bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn các dự án, tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị, khu dịch vụ, khu công nghiệp mới, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân”, Thủ tướng chỉ đạo.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục