Những dự án bất động sản trầm kha vì vướng pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều dự án bất động sản quy mô hàng nghìn tỷ đồng dù đã giải phóng 90% mặt bằng, thậm chí xây xong móng cọc nhưng phải dừng thi công vì vướng pháp lý, gây lãng phí lớn.
Sau nhiều năm thi công, một số công trình trong dự án The Water Bay chỉ mới xây xong phần móng, với hàng nghìn trụ bê tông tua tủa khung sắt đang hoen gỉ. Sau nhiều năm thi công, một số công trình trong dự án The Water Bay chỉ mới xây xong phần móng, với hàng nghìn trụ bê tông tua tủa khung sắt đang hoen gỉ.

Chậm triển khai vì rà soát kéo dài

Từng được khởi công rầm rộ, nhưng nhiều năm nay, dự án Khu dân cư Bình Khánh (The Water Bay), nằm ở vị trí đắc địa, một mặt giáp đường Mai Chí Thọ, một mặt giáp sông Sài Gòn nằm trong tình trạng bị bỏ hoang.

Dự án này được triển khai trên khu đất 30,2 ha, được chủ đầu tư là Công ty Thế kỷ 21 (Century 21) khởi công từ năm 2019, với quy mô xây dựng 5.000 căn hộ cao cấp, 3.000 căn officetel, 250 căn shophouse và hoàn thành từng phần, bàn giao cho khách hàng vào năm 2021. Tuy nhiên, hiện tại, chỉ có 3 block nhà ở đã hoàn thiện, gắn logo của Century 21. Các phân khu khác mới xây xong phần móng, với hàng nghìn trụ bê tông tua tủa khung sắt hoen gỉ vì mưa nắng. Ngay cả nhóm công trình hoàn thiện đến nay cũng đang để trống, không có người ở, xung quanh hàng rào khóa kín cửa, cỏ mọc um tùm, thiết bị xây dựng chất thành đống bao phủ khuôn viên khu nhà.

Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 (Century 21) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép từ năm 2002. Bằng nguồn vốn của mình, Công ty Thế kỷ 21 đã thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cơ bản vào năm 2008.

Cũng trong thời điểm này, UBND TP.HCM thực hiện chương trình tái định cư dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó, chủ trương thực hiện khu tái định cư tại khu đất 30,2 ha Bình Khánh và bồi thường bằng khu đất rộng 30,1 ha tại Nam Rạch Chiếc cho Công ty Thế kỷ 21. Theo đó, Công ty đã được phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/500 và phê duyệt dự án và giao đất.

Đến năm 2017, UBND Thành phố cho phép chuyển mục tiêu dự án từ tái định cư sang dự án nhà ở thương mại. Đây cũng là thời điểm Tập đoàn Novaland hiện diện với vai trò là đơn vị phát triển dự án thông qua hoạt động M&A, đã nắm toàn bộ cổ phần tại Công ty Thế kỷ 21. Tuy nhiên, đến năm 2020, UBND Thành phố ban hành quyết định hủy chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất 30,2 ha Bình Khánh từ tái định cư sang thương mại và chấm dứt giao khu đất này cho Công ty khiến dự án phải dừng triển khai từ đó đến nay.

Trong kiến nghị gửi đến UBND Thành phố vào đầu tháng 2/2023, Công ty Thế kỷ 21 cho rằng, việc Nhà nước thu hồi, đấu giá khu đất sẽ làm các thủ tục đầu tư kéo dài, lãng phí nguồn tài nguyên đất đai và khi đó, Nhà nước phải thu xếp ngân sách khoảng 3.000 tỷ đồng để hoàn trả chi phí nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng dự án tái định cư.

Do đó, doanh nghiệp kiến nghị UBND Thành phố ưu tiên tổ chức đấu giá lô D01 (hiện trạng là lô đất sạch chưa có công trình xây dựng trên đất) và 3 lô đất thương mại dịch vụ (chưa có công trình xây dựng trên đất) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi đấu giá thành công, Thành phố chỉ định Công ty Thế kỷ 21 triển khai đầu tư 9 lô đất đã có công trình xây dựng (gồm lô D07 đã xây dựng 506 căn hộ chung cư và các lô D02, D03, D04, D05, D06, D08, D09 và D10 đã xây dựng phần móng mà Thành phố chưa thanh toán cho Công ty) để Công ty đầu tư phát triển thành nhà ở thương mại.

Còn tại quận 8, TP.HCM, ngay mặt tiền đại lộ Võ Văn Kiệt, hai dự án là High Intela và West Intela của Công ty LDG dù đã hoàn thành phần hầm móng, các trụ cũng đã đúc chờ sẵn để xây phần thân nhưng phải tạm ngừng xây dựng. Sau nhiều năm “đắp chiếu”, cỏ mọc um tùm xung quanh dự án, khu nhà mẫu được đầu tư cả chục tỷ đồng cũng đã xuống cấp.

Cả hai dự án được chấp thuận đầu tư từ năm 2015, thẩm định thiết kế cơ sở từ tháng 3/2017, cấp phép xây dựng phần ngầm từ tháng 8/2018. Theo quy định, sau khi hoàn thành phần ngầm, chủ đầu tư xin phép để xây dựng tiếp phần thân; đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các thủ tục để Hội đồng Thẩm định giá đất Thành phố đánh giá, tính giá trị tiền sử dụng đất để doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, kể từ năm 2019, khi tầng hầm được xây dựng xong, doanh nghiệp vẫn chưa được xác định giá trị tiền sử dụng đất để được nộp tiền.

Bên trong công trình Shizen Home vẫn ngổn ngang vật liệu xây dựng, những khối bê tông đứng “lạnh lùng” trước sự chờ đợi mòn mỏi của chủ đầu tư.

Bên trong công trình Shizen Home vẫn ngổn ngang vật liệu xây dựng, những khối bê tông đứng “lạnh lùng” trước sự chờ đợi mòn mỏi của chủ đầu tư.

LDG cho rằng, nguồn gốc đất của dự án là do Công ty bỏ tiền ra mua đất sạch, thành lập dự án được phê duyệt và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định. Sau hàng loạt cuộc họp giữa các sở, ngành và đại diện chủ đầu tư, cả hai dự án hơn 1.500 tỷ đồng này vẫn chưa hẹn ngày tái khởi động.

Chung cư xây xong móng vẫn chưa được bán

Trên địa bàn TP.HCM, có không ít dự án chung cư dù xây xong phần móng, đã đóng tiền sử dụng đất, nhưng không được phép bán nhà ở hình thành trong tương lai do vướng mắc pháp lý. Hàng nghìn tỷ đồng bị “chôn” ở dự án, trong khi chủ đầu tư không huy động được nguồn vốn từ khách hàng để triển khai công trình khiến chủ đầu tư khóc dở mếu dở.

Dự án Khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp đường Bến Nghé (Shizen Home, quận 7) của Công ty TNHH Gotec Việt Nam là một ví dụ.

Dự án này đã hoàn thiện phần móng, đóng nắp hầm và thi công đến tầng 1 nhưng giờ đang tạm ngừng. Chủ đầu tư cho biết, dự án đã đóng xong tiền sử dụng đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và theo Luật Kinh doanh bất động sản thì đã đủ điều kiện để bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Thế nhưng, sau 3 lần nộp hồ sơ đề nghị cấp thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua đối với nhà ở thương mại đã bị Sở Xây dựng từ chối với lý do đang xin ý kiến của UBND TP.HCM về việc rà soát chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất thực hiện dự án từ Công ty cổ phần Cảng rau quả cho Gotec Việt Nam.

Đại diện doanh nghiệp cho biết, việc chậm trễ này đã gây thiệt hại trước mắt hơn 1.000 tỷ đồng về doanh thu và chi phí. Nếu vướng mắc này không sớm được giải quyết, doanh nghiệp sẽ không còn khả năng duy trì hoạt động, mức độ thiệt hại sẽ lớn hơn do các đối tác ngừng hợp đồng, yêu cầu thanh toán tiền phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Trên thực tế, Shizen Home là 1 trong 7 dự án được UBND TP.HCM xếp lịch họp đợt đầu tiên để tháo gỡ những vướng mắc vào ngày 20/2/2023, song đến nay chưa có chuyển động mới.

Theo thông tin từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đến nay, trong số 156 dự án mà các doanh nghiệp “cầu cứu” UBND TP.HCM gỡ vướng pháp lý từ đầu năm 2022, mới có 4 dự án được UBND Thành phố có chủ trương tháo gỡ khó khăn với cùng một vấn đề là cho bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Từ đầu năm 2023 đến nay, TP.HCM là địa phương rất tích cực khi tổ chức nhiều cuộc họp theo chuyên ngành, họp định kỳ hàng tuần để nghe doanh nghiệp, các sở ngành báo cáo về khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc họp tháo gỡ, hiện phần lớn những khó khăn đã nêu ra vẫn chưa được giải quyết, các dự án này vẫn tiếp tục án binh bất động, doanh nghiệp vẫn phải bỏ chi phí để duy trì và bảo trì các hạng mục đã thực hiện...

Trọng Tín

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục