Điểm danh những doanh nghiệp có dấu hiệu “eo hẹp” tiền
Với một doanh nghiệp, số dư tiền và tương đương tiền ở một thời điểm dù không hoàn toàn phản ánh khả năng thanh khoản, nhưng cũng là một chỉ tiêu phản ánh sức khỏe doanh nghiệp.
Dữ liệu tài chính của các doanh nghiệp cho thấy, có nhiều doanh nghiệp dù quy mô hoạt động không nhỏ, nhưng nguồn tiền lại khá cạn kiệt.
Đến tận cuối tháng 7/2018, Công ty cổ phần Dầu thực vật Sài Gòn (mã SGO, sàn HNX) mới hoàn thành họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 và ở thời điểm này, qua thời điểm kết thúc quý II/2018 tới 45 ngày, SGO vẫn chưa có báo cáo tài chính quý II.
Sự chậm trễ đó phần nào phản ánh được sự trì trệ và cả những vấn đề về quản trị, kinh doanh của SGO.
Với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, năm tài chính 2017, SGO đạt 1,68 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, số dư tiền là 15,228 triệu đồng. Đến hết quý I/2018, doanh thu của Công ty dù đạt được 6,2 tỷ đồng, nhưng số dư tiền của Công ty chỉ ở mức 15,08 triệu đồng.
Trong khi đó, khoản phải thu ngắn hạn khách hàng tăng từ 50,056 tỷ đồng lên 56,892 tỷ đồng; các chỉ tiêu khác trên bảng cân đối tài sản hầu như không thay đổi. SGO cho cảm giác về một doanh nghiệp đã đóng băng hoạt động.
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Sài Gòn (Seaprodex, mã SSN, UPCoM) là một trường hợp khác tương tự SGO ở mức độ thanh khoản.
Đầu năm 2018, Seaprodex có số dư tiền là gần 863 triệu đồng. Đến hết quý II/2018, số dư tiền này giảm về gần 485 triệu đồng, không có khoản tương đương tiền nào.
Hoạt động kinh doanh của Seaprodex cũng phụ thuộc vào các khoản cho vay, hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Sáu tháng đầu năm nay, doanh thu Công ty đạt 6,92 tỷ đồng là tiền cho thuê kho, văn phòng, lợi nhuận đến chủ yếu từ khoản cho vay và hợp tác đầu tư (tổng thu nhập từ hoạt động tài chính 24,9 tỷ đồng); lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 218 triệu đồng.
Tiền mặt trong cơ cấu tài sản rất khan hiếm, nhưng Seaprodex lại có một lượng lớn tài sản là tiền cho vay, tiền hợp tác đầu tư.
Tại ngày 30/6/2018, Công ty có khoản cho vay ngắn hạn 242,767 tỷ đồng, bao gồm: Cho vay Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tân Bình 41,667 tỷ đồng, lãi suất 8%/năm; cho vay Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bưu chính Viễn thông 200 tỷ đồng, lãi suất 8%/năm; cho vay Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Mộc Đức 1,1 tỷ đồng, lãi suất 12%/năm (là khoản vay từ năm 2016).
Ngoài các khoản cho vay ngắn hạn, phải thu ngắn hạn khách hàng, Seaprodex còn có khoản phải thu khác lên tới 846 tỷ đồng, trong đó có ba khoản hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Kinh doanh và xây dựng địa ốc Nam Tiến (305,25 tỷ đồng), Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bưu chính Viễn thông (225,838 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Vật tư xuất nhập khẩu Tân Bình (199,912 tỷ đồng).
Các khoản hợp đồng này đều nhằm mục đích hợp tác đầu tư dự án bất động sản, được cấu trúc theo hình thức có một phần được hưởng lãi suất 0,7%/năm, bên cạnh việc được phân chia lợi nhuận từ hoạt động hợp tác kinh doanh.
Với quy mô vốn chủ sở hữu 489 tỷ đồng ở thời điểm 30/6/2018, Seaprodex đang phải vay ngắn hạn 580 tỷ đồng. Nợ vay không quá lớn nếu so sánh với quy mô vốn chủ, nhưng với thực trạng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của mình, áp lực về quản trị dòng tiền của Seaprodex là không nhỏ.
Một trường hợp khác là Công ty cổ phần PIV (mã PIV), dù có doanh thu, lợi nhuận, nhưng dòng tiền không có. Theo đó, PIV có 593,6 triệu đồng tiền ở thời điểm 30/6/2018, cao gấp đôi so với đầu năm, nhưng so với quy mô Công ty có tài sản 444,554 tỷ đồng thì còn quá nhỏ.
Trong cơ cấu tài sản, số dư lớn nhất của PIV lại nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn, với 385 tỷ đồng, bao gồm khoản phải thu khách hàng hơn 254 tỷ đồng và khoản phải thu khác 119 tỷ đồng.
Quy mô các khoản này lớn hơn rất nhiều so với doanh thu, hoạt động một năm mà PIV tạo ra. Chất lượng hoạt động và chất lượng tài sản của PIV là một dấu hỏi được đặt ra trong nhiều năm qua.
Dấu hỏi thanh khoản và chất lượng hoạt động
Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp có tỷ suất thanh toán bằng tiền mặt (được tính bằng công thức tiền và tương đương tiền chia cho công nợ ngắn hạn, thể hiện khả năng thanh toán ngay của doanh nghiệp) thấp, nhưng không phải thiếu tiền do Công ty có lượng tiền gửi có kỳ hạn (dưới 1 năm) lớn.
Tuy nhiên, số dư tiền và tương đương tiền quá nhỏ cũng phản ánh một phần câu chuyện thanh khoản hoặc chất lượng hoạt động của doanh nghiệp.
Dữ liệu biến động giá 1 năm qua của nhóm các doanh nghiệp có tỷ suất thanh toán bằng tiền mặt thấp cho thấy, giá các cổ phiếu này đều bị giảm mạnh, cá biệt như PIV có mức giảm lên tới 97,01% chỉ sau một năm, về mức 1.100 đồng/cổ phiếu (ngày 15/8/2017, giá PIV là 35.700 đồng, tương đương giá 35.720 đồng sau hưởng quyền).
Trong một số trường hợp, thu nhập trên mỗi cổ phiếu của doanh nghiệp cũng ở mức cao, nhưng số đông cho thấy, những doanh nghiệp có tỷ suất thanh toán bằng tiền thấp, cũng là nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu thấp. Nếu đi kèm với tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu cao thì áp lực thanh khoản còn lớn hơn nữa.
Như trường hợp của Công ty cổ phần Ðầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã ITA), với số dư tiền và tương đương tiền công ty mẹ là 8,15 tỷ đồng, hợp nhất là 25 tỷ đồng; trong khi tài sản phần lớn ở dạng hàng tồn kho, các khoản phải thu và tài sản dài hạn.
ITA vay nợ không quá lớn so với quy mô vốn chủ, tổng tài sản (tổng vay ngắn và dài hạn khoảng trên 900 tỷ đồng trên tổng tài sản 12.224 tỷ đồng của công ty mẹ), nhưng hoạt động kinh doanh èo uột, doanh thu và lợi nhuận đều ở mức thấp (173 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất 6 tháng đầu năm, 45.633 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 6 tháng).
Thanh khoản eo hẹp là một trong những chỉ tiêu cảnh báo về chất lượng kinh doanh thấp của ITA.
Ngay cả ở những doanh nghiệp lớn, việc cạn dòng tiền luôn là một dấu hiệu cho thấy khả năng mất an toàn tài chính.
Bởi doanh nghiệp luôn phải chịu sức ép trả các khoản vay đến hạn mà khoản vay thì chỉ được trả bằng tiền, chứ không thể trả bằng các con số như doanh thu, lợi nhuận hay khả năng sinh lợi.