Nhiều "tay chơi" chuyên nghiệp thua lỗ
“Lên thang bộ, xuống thang máy” là câu mà giới đầu tư chứng khoán đang ví von để diễn tả diễn biến thị trường chứng khoán thời gian qua, với hàm ý thị trường tăng thì chậm, nhưng giảm thì rất nhanh.
Thực tế, VN-Index bắt đầu xu hướng tăng từ đầu năm 2017 từ mốc 672,01 điểm (ngày 3/1/2017) và đạt đỉnh lịch sử 1.204,18 điểm vào trung tuần tháng 4/2018 (ngày 9/4/2018), tức sau khoảng 15 tháng. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 3 tháng kể từ khi đạt đỉnh, VN-Index lao một mạch về 960 điểm khi kết thúc tháng 6/2018 và hiện thậm chí còn thủng mốc 900 điểm.
Diễn biến trên khiến các quỹ đầu tư - vốn được coi là các "tay chơi" lão luyện, cũng phải... chào thua. Chẳng hạn, Quỹ đầu tư tăng trưởng TVAM (TVGF), mã chứng khoán FUCTVGF1 - HOSE, do CTCP Quản lý quỹ Thiên Việt (TVAM) quản lý, với xuất phát điểm là 206 tỷ đồng tổng tài sản vào đầu năm 2018, tương ứng giá trị tài sản ròng (NAV)/chứng chỉ quỹ là 13.734 đồng, nhưng đến cuối quý II/2018, NAV của Quỹ giảm còn 188 tỷ đồng, tương ứng với NAV/chứng chỉ quỹ là 12.555 đồng, giảm 8% so với mức giảm 2,8% của VN-Index và 10,1% của HNX-Index.
Tương tự, một quỹ khác do TVAM quản lý là Quỹ đầu tư tăng trưởng Thiên Việt 2 (TVGF2) cũng bị thua lỗ. Cụ thể, TVGF2 bắt đầu giải ngân vào ngày 3/1/2018 với tổng mức tài sản 170 tỷ đồng. Đến cuối quý II/2018, NAV của Quỹ giảm còn 150 tỷ đồng, tương ứng NAV/chứng chỉ quỹ là 8.842 đồng, giảm 11%.
Theo TVAM, NAV của TVGF và TVGF2 cùng giảm là do thị trường sụt giảm rất nhanh và mạnh trong quý II/2018, trong đó VN-Index 18%, còn HNX-Index giảm 19,8%.
Tạo sức hút mới bằng niêm yết, chia lợi nhuận, tăng tần suất giao dịch
Trong bối cảnh thành tích kiếm tiền đi xuống, để giữ vốn của nhà đầu tư ở lại Quỹ, TVAM đang lên kế hoạch đưa TVGF2 lên niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), nơi mà TVGF đang niêm yết.
TVAM dự kiến, TVGF2 với mã chứng khoán FUCTVGF2 sẽ giao dịch trên HOSE trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp quyết định niêm yết, nhưng không muộn hơn ngày 28/9/2018. Giá niêm yết dự kiến trong ngày giao dịch đầu tiên là 10.000 đồng/chứng chỉ quỹ. FUCTVGF2 là quỹ đầu tư đại chúng dạng đóng, với vốn điều lệ 170 tỷ đồng, có thời gian hoạt động là 3 năm.
Một cách thức nữa mà các công ty quản lý quỹ đang thực hiện để "níu chân" dòng tiền của nhà đầu tư là yêu cầu ban lãnh đạo công ty liên tục đăng ký mua vào chứng chỉ quỹ. Trong những ngày đầu tháng 7 này, các lãnh đạo chủ chốt như tổng giám đốc, phó tổng giám đốc… của một công ty quản lý quỹ có vốn ngoại đã liên tiếp đăng ký mua vào chứng chỉ quỹ, sau khi liên tục mua vào trong tháng trước đó.
Nhằm tăng sức hút cho chứng chỉ quỹ đầu tư, các công ty quản lý quỹ còn thực hiện phân phối lợi nhuận cho nhà đầu tư. Gần đây, Công ty TNHH Quản lý quỹ Bảo Việt đã chốt phương án phân phối lợi nhuận của Quỹ đầu tư cổ phiếu năng động Bảo Việt (BVFED) cho nhà đầu tư, với tỷ lệ 11% bằng tiền.
Tương tự, Công ty TNHH Quản lý quỹ Kỹ thương cũng mới chốt phương án chia lợi tức năm tài chính 2017 bằng tiền, với tỷ lệ 20% cho các nhà đầu tư sở hữu chứng chỉ Quỹ đầu tư bất động sản Techcom Việt Nam…
Để giúp nhà đầu tư năng động hơn, một hướng đi mới được nhiều quỹ áp dụng gần đây là tăng mạnh tuần suất giao dịch cho các quỹ.
Mới đây, Công ty TNHH Quản lý quỹ Kỹ thương, đơn vị đang quản lý Quỹ đầu tư trái phiếu Techcom (TCBF), quyết định áp dụng tăng tần suất giao dịch của TCBF từ 2 phiên/tuần lên giao dịch hàng ngày (5 phiên/tuần). Trước đó, trong tháng 5/2018, Công ty cũng đã tăng tần suất giao dịch từ 1 phiên/tuần lên giao dịch hàng ngày (5 phiên/tuần) đối với Quỹ đầu tư cổ phiếu Techcom (TCEF).
Với mức tăng tần suất giao dịch khiêm tốn hơn, từ ngày 9/7, Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) đã nâng tần suất giao dịch của Quỹ đầu tư lợi thế cạnh tranh bền vững SSI (SSI-SCA) từ 1 lần/tuần lên 2 lần/tuần, vào các ngày thứ Ba và thứ Năm...
Nỗ lực là vậy, nhưng các công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư có thành công trong việc níu giữ dòng tiền của nhà đầu tư ở lại hay không sẽ còn phải đợi thêm diễn biến từ thị trường, cũng như triển vọng phục hồi khả năng gọi dòng tiền mới của các quỹ.