Thưa ông, sau một năm làm CEO ACBS, tình hình kinh doanh của Công ty năm qua thế nào?
Đa số mục tiêu đặt ra đều đã làm được. Kết quả kinh doanh cũng tương đối tốt, dù chưa đạt kỳ vọng. Ước doanh thu dịch vụ cả năm đạt khoảng 90 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 100 tỷ đồng. Điều đáng mừng là không bị lỗ. Bảng cân đối kế toán đã nhẹ đi rất nhiều.
Thời điềm ông về ACBS, báo cáo tài chính của ACBS lúc đó có khá nhiều khoản “lằng nhằng”, tình hình kinh tế, thị trường cũng không sáng sủa. Vì sao ông không ở lại Merrill Lynch mà lại chọn về Việt Nam và vào làm tại ACBS?
Tôi thích làm việc ở môi trường có nhiều thử thách. ACBS là công ty con của ACB, một ngân hàng có bề dày lịch sử và là tên tuổi lớn. CTCK mà có ngân hàng lớn đứng sau, nếu làm tốt thì chắc chắn sẽ phát triển. Hơn nữa, những gì tôi đưa ra đều được ngân hàng ủng hộ, ví dụ như thoái vốn đầu tư, tinh gọn bộ máy, tập trung phát triển mảng dịch vụ…
Tôi làm cho Merrill Lynch ở Singapore từ năm 2007, phụ trách mảng Ngân hàng đầu tư Việt Nam. Sau giai đoạn khủng hoảng nợ dưới chuẩn của Mỹ vào các năm 2008 và 2009, Merrill Lynch nhập vào Bank of America. Sau đó Bank of America cắt giảm khẩu vị rủi ro đáng kể ở các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Lúc đó tôi nghĩ mình về làm ở thị trường trong nước thì tốt hơn. Hơn nữa, tôi cho rằng, thị trường nước ngoài như Singapore hay Hồng Kông là môi trường tốt để học hỏi, nhưng sau khi đã có kinh nghiệm thì về Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn.
Từ hồi làm việc ở StanChart Singapore, tôi đã quen biết nhiều người bên ACB. Lúc ACB qua Singapore để đàm phán vòng cuối, cân nhắc sẽ bán cổ phần chiến lược cho DBS hay StanChart thì tôi có tham gia làm việc với đoàn của ACB, giới thiệu với họ vì sao nên chọn StanChart. Sau khi StanChart trở thành đối tác chiến lược của ACB, tôi cũng tham gia đào tạo cho nhân viên của ACB, đặc biệt là khối ngân quỹ.
Nhưng cũng hơi ngạc nhiên khi được biết trước đó ông học về hàng không và từng có thời gian làm trong lĩnh vực này?
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Hàng không, tôi về Cục Vận chuyển của Vietnam Airlines ở Hà Nội. Lúc đó, năm 1987, Vietnam Airlines có khoảng chục máy bay Tu-134, chủ yếu bay 3 đường là Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng. Sau này có thêm các tuyến Hà Nội -Bangkok và TP. HCM - Bangkok. Tất cả các mảng kinh doanh của Vietnam Airlines hồi tôi mới về gói gọn trong Cục vận chuyển, như tổ chức bay, kế hoạch khai thác, phụ trách các phòng vé, trạm hàng hoá…
3 năm sau, tôi được bổ nhiệm làm Đại diện trưởng của Vietnam Airlines tại Hong Kong, rồi sau đó là Giám đốc khu vực Đông Bắc Á của Vietnam Airlines. Công việc của tôi là chuyên đi phát triển thị trường, mở đường bay. Đầu tiên là Hồng Kông, rồi đến Trung Quốc, Đài Loan, Triều Tiên, Nhật Bản.
Năm 1997, tôi được học bổng Fulbright sang Mỹ học tại Wharton. Đây là trường thuộc loại hàng đầu của Mỹ trong ngành tài chính. Hết năm đầu, tôi được Barclays Capital nhận vào làm mùa hè tại văn phòng Hồng Kông. Tốt nghiệp xong, năm 1999, tôi vào làm chính thức tại Barclays Capital, là ngân hàng đầu tư - công ty con của Barclays bank - ở Hồng Kông, chuyên về mảng đầu tư tín dụng quốc tế. Đến năm 2002, tôi chuyển sang Singapore và làm ở StanChart, phụ trách đầu tư tín dụng quốc tế khu vực, trong đó có Việt Nam. Hồi đó StanChart là nhà đầu tư khá lớn vào trái phiếu ở Việt Nam.
Ông có thấy giữa hàng không và tài chính có gì liên quan với nhau không?
Giống nhau là cả hai đều là dịch vụ. Làm sao phải tạo được giá trị vượt trội cho khách hàng. Thực ra, tôi thấy việc quản lý rủi ro giữa hàng không và tài chính khá giống nhau. Cả hai đều có gắng tìm ra khả năng xảy ra trường hợp xấu nhất để xem mình có thể... sống được không. Trong tài chính thì người ta tiến hành kiểm tra sức khoẻ của các ngân hàng (stress test), và xem xác suất 5% xảy ra trường hợp xấu nhất dẫn đến đổ vỡ để phòng ngừa. Còn bên hàng không, xác xuất để máy bay rơi phải gần bằng zero.
Biết đâu sau này ông sẽ quay lại ngành hàng không?
Trải qua 20 năm, mọi thứ thay đổi rất nhanh, về công nghệ cũng như phương thức điều hành, quản trị. Về làm điều hành, để bắt kịp được với anh em bây giờ cũng không đơn giản. Còn đầu tư vào hàng không thì có thể, vì mình đã hiểu ngành này về cơ bản. Chúng tôi quan tâm đến các thông tin về IPO của Vietnam Airlines cũng như các hãng khác, vì ACBS có thể cung cấp các dịch vụ liên quan cho khách hàng của mình.
Ở ACBS, ngoài làm CEO, ông có phụ trách riêng một mảng nào không, để có thể tận dụng tối đa những kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn đã tích lũy được?
Tôi trực tiếp phụ trách mảng ngân hàng đầu tư. Dự định ban đầu khi về ACBS là sẽ đồng hành cùng ngân hàng mẹ để thiết kế ra các sản phẩm đa dạng cho khách hàng. Đối với khách hàng doanh nghiệp, CTCK có thể cung cấp được rất nhiều dịch vụ như tư vấn tái cơ cấu, mua bán sáp nhập, bán cổ phần cho nước ngoài, lên sàn, cấu trúc lại các khoản vay... ACBS đã đưa ra chiến lược rất rõ trong mảng khách hàng doanh nghiệp và đã làm rất tốt.
Còn đối với mảng khách hàng cá nhân, CTCK sẽ là nền tảng tạo ra sản phẩm quản lý tài sản (wealth management) cho khách hàng, đặc biệt đối với khách hàng có số dư tài sản cao, khách hàng “VIP”.
Thực tế có rất nhiều sản phẩm phái sinh chúng tôi muốn làm nhưng chưa làm được do chưa có đủ cơ sở pháp lý, như các sản phẩm tiết kiệm đa ngoại tệ (dual curency deposit), tiết kiệm có cơ cấu theo các chỉ số của thị trường chứng khoán (deposit linked). Các cá nhân gửi tiền USD có kỳ hạn chỉ hưởng lãi suất 2 - 3%/năm, nhưng nếu ACBS kết hợp với ACB cung cấp các sản phẩm này với lãi suất 6 - 7%/năm thì chắc là nhiều người sẽ quan tâm.
Năm 2014, ACBS đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 40%
Ông đã giữ vị trí quản lý ở nhiều tổ chức khác nhau. Theo ông, đâu là tố chất quan trọng của một người lãnh đạo?
Theo tôi, trước hết phải là trình độ. Có trình độ để có tầm nhìn định hướng chiến lược cho công ty phát triển bền vững. Có trình độ chuyên môn để có thể hướng dẫn cho nhân viên cấp dưới mà họ nể phục. Có trình độ trong giao tiếp và sử dụng nhân sự để có thể khuyến khich nhân viên phấn đấu, phát huy được các ưu điểm của mình. Thứ hai là phẩm chất cá nhân: thẳng thắn, chan hoà với mọi người, cho họ thấy mình là một người bạn trong đời thường, nhưng quy củ trong công việc.
Cuối cùng, xin ông cho biết nhận định của ông và kế hoạch của ACBS trong năm 2014?
Tôi đánh giá năm 2014 sẽ là năm nhiều thử thách cho kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng năm 2013 của ta chủ yếu nhờ vào xuất khẩu của khối ngoại và kích cầu của Chính phủ. Với chính sách cân bằng tài khóa và quản lý chặt đầu tư công của Quốc hội, khả năng kích cầu của Chính phủ tương đối hạn chế trong năm 2014. Sẽ cần phải huy động nội lực trong nhân dân để đầu tư phát triển kinh tể. Đặc biệt trong đầu tư xây dựng hạ tầng.
TTCK Việt Nam năm 2014 vẫn có xu hướng tiếp tục tăng do tăng trưởng kinh tế ổn định, lạm phát thấp, tỷ giá ổn định và lãi suất tiếp tục giảm. TTCK sẽ tiếp tục là kênh đầu tư tốt cho nhà đầu tư trong nước.
Kinh tế Mỹ và châu Âu phục hồi nhanh hơn dự kiến với lãi suất USD tăng và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn vốn đầu tư vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Tôi kỳ vọng nội lực của Việt Nam đủ mạnh để trung hòa được với chiều hướng giảm của nguồn vốn ngoại có thể rút ra. Thêm vào đó, kỳ vọng vào chính sách cho giao dịch các sản phẩm phái sinh trên TTCK, nới room cho NĐT ngoại sẽ được áp dụng trong năm nay. Các chính sách này sẽ cải thiện đáng kể thanh khoản của thị trường và thu hút nguồn vốn ngoại mới.
Do vậy TTCK Việt Nam năm 2014 sẽ có nhiều biến động. Với sự phục hồi của kinh tế thế giới, khối cổ phiếu dầu khí và công nghệ sẽ tiếp tục có triển vọng tốt. Với Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp có hiệu lực, khối doanh nghiệp XNK, may mặc; nông nghiệp... sẽ có cơ hội bứt phá. Các cổ phiếu ngành tiêu dùng sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn trước, nhưng vẫn đảm bảo giá trị về lâu dài.
Các cơ hội đầu tư mới năm nay là quỹ mở và sản phẩm phái sinh. Quỹ mở với chiến lược đầu tư thích hợp theo từng thời điểm chuyển dịch giữa cổ phiếu và trái phiếu sẽ có cơ hội tăng trưởng cao hơn VN-Index đáng kể. Các doanh nghiệp sẽ có thuận lợi năm nay là lãi suất sẽ tiếp tục giảm. Thử thách lớn là thị trường và nhu cầu bị thu hẹp.
ACBS tiếp tục đầu tư về cơ bản trong năm 2014, đó là hệ thống IT sẽ được làm mới hoàn toàn. Chúng tôi đã thay xong phần cứng và sẽ sử dụng phần mềm mới trong năm 2014. Hệ thống các chi nhánh và nhân viên môi giới cũng sẽ được tái cơ cấu và tăng cường khả năng cạnh tranh. Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng vào năm 2014. Kế hoạch đưa ra là lợi nhuận trước thuế phải tăng 40%.