Nhiều hợp đồng tỷ USD được ký kết
Đáng chú ý nhất trong đó là các hợp đồng như VietJet Air mua 100 máy bay Boeing và động cơ Pratt&Whitney, với tổng giá trị lên tới hơn 14 tỷ USD; hợp đồng hợp tác phát triển năng lượng gió giữa GE và Chính phủ Việt Nam, quy mô 1.000 MW, vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD… Lễ ký kết được thực hiện tại Phủ Chủ tịch vào trưa ngày 23/5, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Obama.
Cùng với đó, chiều 23/5, trong khuôn khổ sự kiện kết nối doanh nghiệp do Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, có thêm hàng chục thỏa thuận hợp tác nữa được ký kết.
Đơn cử, Hồ Tràm Strip rót thêm 75 triệu USD để Coteccons xây dựng tòa tháp khách sạn thứ hai của Dự án; Công ty Đầu tư và xây dựng Thiên Tân ký 2 hợp đồng lớn mua các tấm pin mặt trời trị giá 35 triệu USD để phục vụ các dự án điện mặt trời ở Quảng Ngãi và Ninh Thuận; Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Honeywell; Biên bản ghi nhớ giữa PVN và Công ty Dầu Murphy; Biên bản ghi nhớ về Nhà máy Biomass Minnesota nhằm phát triển điện sinh khối tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, còn có các biên bản ghi nhớ về thay đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long; hợp tác nghiên cứu hạ lưu sông Mê Kông; thỏa thuận đào tạo an toàn hạt nhân; chương trình an toàn giao thông…
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nhấn mạnh rằng, những động thái này sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương Việt Nam – Hoa Kỳ lên tầm cao mới. Đó cũng là mong muốn của các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước trong các cuộc gặp gỡ và hội đàm. Đặc biệt, thông điệp này tiếp tục được Tổng thống Obama khẳng định trong bài phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình sáng 24/5.
“Mục tiêu trong chuyến thăm này, tôi mong muốn xây dựng nền tảng vững chắc hơn nữa trong mối quan hệ hai nước. Hai nước là bạn bè và đối tác của nhau”, ông Obama nói.
Trên lĩnh vực kinh tế, Đại sứ Ted Osius cũng đã đề cập đến tiềm năng và tầm quan trọng của hợp tác giữa khu vực tư nhân.
“Bên cạnh hợp tác giữa các Chính phủ, cần có sự chung tay của khu vực tư nhân. Có thể kể nhiều lĩnh vực được các nhà đầu tư Mỹ quan tâm và đẩy mạnh hợp tác như các dự án đổi mới sáng tạo, đầu tư đáp ứng nhu cầu năng lượng sạch của Việt Nam, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, phát triển bền vững gắn với nền kinh tế xanh, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, thích ứng và chống biến đổi khí hậu …”, ông Ted Osius phát biểu.
Với các doanh nghiệp Việt Nam, hợp tác với nhiều tập đoàn Mỹ cũng đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu trong các quyết định đầu tư của họ. Công nghệ và đặc biệt là tính hiệu quả chính là những lý do hấp dẫn các doanh nghiệp Việt Nam bắt tay với nhiều đối tác Mỹ.
Chia sẻ với cộng đồng doanh nhân khởi nghiệp và doanh nhân trẻ tại Sài Gòn chiều 24/5, Tổng thống Mỹ Obama nói rằng, các nguồn lực đều quan trọng nhưng nguồn lực con người đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Ông cũng nhấn mạnh đến việc các doanh nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, cũng nên có suy nghĩ toàn cầu, tư duy toàn cầu. Thế giới ngày nay không có những rào cản biên giới đối với sản phẩm tốt.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, từ con số 0, đến nay, kim ngạch hai nước đã đạt hơn 43 tỷ USD, thể hiện bước tiến thần kỳ trong quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước. Ông Lộc cho rằng, những hợp đồng, thoả thuận hợp tác trên sẽ là sự khởi đầu rất thuận lợi cho một cho làn sóng đầu tư tới đây từ Mỹ, sẽ góp phần đưa quốc gia này trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam trong một tương lai không xa.
Cơ hội và kỳ vọng từ TPP
Tại các sự kiện trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ, các nhà lãnh đạo hai nước đều bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với TPP.
Ông Obanma nhấn mạnh rằng, TPP mở ra thị trường xuất khẩu lớn cho Việt Nam, đồng thời tạo cơ hội cho Việt Nam nhập khẩu nhiều sản phẩm hàng hóa của Mỹ, cũng như các thành viên TPP khác, giúp cho Việt Nam không phải phụ thuộc vào một quốc gia nào, mà có thể mở rộng cơ hội hợp tác với nhiều nước.
Tại Diễn đàn kinh doanh Việt - Mỹ tối 23/5, trước cộng đồng doanh nghiệp hai nước, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nói rằng, ông rất tin tưởng TPP sẽ mang lại cơ hội to lớn cho hai nền kinh tế, với các cam kết về xóa bỏ hàng rào thuế nhập khẩu. Khi TPP có hiệu lực, DN Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ và ngược lại, đây cũng là cơ hội đầy tiềm năng cho các nhà sản xuất của Hoa Kỳ đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là các loại hàng hóa mà Việt Nam đang rất cần và cũng là thế mạnh của các doanh nghiệp Mỹ như máy móc thiết bị, nguyên liệu, thức ăn gia súc và nhiều lĩnh vực quan trọng khác.
Cũng tại Diễn đàn này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh, sau khi TPP được Quốc hội các nước thông qua và đưa vào thực thi sẽ góp phần giúp hoàn thiện thể chể, tạo cơ chế và khuôn khổ hợp tác thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đầu tư.
Ông Trung khẳng định, Việt Nam quyết tâm hợp tác cùng Hoa Kỳ và các nước thành viên triển khai TPP. Cụ thể, Việt Nam đang đẩy mạnh hoàn thiện thể chế đồng bộ, tuân thủ đầy đủ luật lệ về kinh tế thị trường, tập trung cải cách thủ tục hành chính, bảo vệ nhà đầu tư, sở hữu trí tuệ, đơn giản hóa các thủ tục thuế, hải quan, khuyến khích khởi sự kinh doanh, bãi bỏ quy định về điều kiện kinh doanh không phù hợp, áp dụng Chính phủ điện tử…
“Chính phủ Việt Nam xác định khu vực doanh nghiệp tư nhân là nền tảng để nâng cao tính tự chủ quốc gia, kết hợp với khu vực FDI trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, là động lực thúc đẩy tăng trường kinh tế theo chiều sâu dựa trên đổi mới sáng tạo. Chúng tôi coi thành công của doanh nghiệp là thành công của Việt Nam. Trên cơ sở đó, Chính phủ Việt Nam mong muốn cùng cộng đồng doanh nghiệp hợp tác trên tinh thần cầu thị cùng xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, đáp ứng yêu cầu hội nhập”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung chia sẻ.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng còn bày tỏ kỳ vọng, các doanh nghiệp Mỹ sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam để Mỹ trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam như Đại sứ Ted Osiu mong muốn. Các lĩnh vực Việt Nam đang mong muốn gọi vốn như tài chính ngân hàng, năng lượng, chế biến thực phẩm, công nghệ cao, cơ sở hạ tầng, chế biến chế tạo…
Trả lời câu hỏi của bà Virginia Foote về tầm nhìn mà Việt Nam hướng tới khi đàm phán ký kết TPP, cũng như kỳ vọng từ các cơ hội mà TPP mang lại trong việc thúc đẩy hợp tác với các đối tác lớn, trong đó có Mỹ, ông Trần Quốc Khánh cho biết, không chỉ tạo ra những cơ hội lớn cho thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, tham gia TPP và các Hiệp định thương mại song phương với các thị trường lớn khác, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội được tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, đang được dẫn dắt bởi các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ và các tập đoàn lớn từ các quốc gia phát triển.
“Tôi không nghĩ 10 năm nữa Việt Nam sẽ vẫn tập trung làm dệt may. Tỷ trọng hàng dệt may trong xuất khẩu của Việt Nam khi đó có thể sẽ giảm, nhưng các doanh nghiệp dệt may và lĩnh vực dệt may của Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển mạnh khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việc đàm phán FTA với các thị trường lớn trên thế giới sẽ giúp tạo ra vị thế đặc biệt cho Việt Nam. Khi Việt Nam được kết nối với các thị trường lớn này, các tập đoàn lớn trên thế giới sẽ tìm đến với Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh kỳ vọng.