Những cung đường hạnh phúc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tôi thích lang thang trên núi non cùng những bạn bè thân mến, và tạm thời được lãng quên những áp lực cuộc sống ở phía sau. Những chuyến đi luôn mang lại nguồn năng lượng dồi dào.
Những cung đường hạnh phúc

1. Tôi nhớ mãi câu nói của một người phụ nữ lớn tuổi, một người rất thân thiết với tôi, khi bà đứng ở trên đỉnh một ngọn đồi và nhìn lên những ngọn đồi cao hơn, biếc xanh trong nắng sớm, với bạt ngàn hoa dại nở rộ trong tiết xuân ấm áp: Đất nước mình thật đẹp!

Giọng bà ngập tràn xúc động. Ngay lúc ấy, tôi đã nghĩ rằng mình sẽ đi hết dải đất hình chữ S này, không bỏ qua một dấu chấm nào trên bản đồ, từ lúc mình còn đủ sức khoẻ. Sẽ luôn nghĩ đến người phụ nữ tóc bạc này để nhận thức rõ một điều, rằng thời gian không chờ đợi ai hết. Nó sẽ đuổi theo chúng ta từng ngày, từng ngày một, trong khi cuộc sống với muôn vàn màu sắc, hình thái thì luôn chuyển động không ngừng. Và những vùng đất với thiên nhiên tuyệt đẹp của chúng ta luôn sẵn sàng đón đợi những bước chân thân ái.

Tôi có những chuyến đi được bắt đầu chỉ bằng một tấm ảnh. Bức ảnh chụp những tia nắng óng vàng rót xuống đầu hồi một căn nhà trình tường, bà mẹ lúi húi và bé gái ngồi bên cạnh cũng chăm chú làm gì đó. Mùa đông còn chưa tới, mới chỉ thấy cái se se chưa rõ nét vào sáng sớm hay chiều tối. Thật là yên tĩnh và gây thèm muốn. Tôi gửi bức ảnh ấy đi và phấn khích hỏi bạn: Bọn mình đi nhỉ?!

Có thế thôi, rồi một, hai, ba, bốn..., cuối cùng là bảy người cả thảy. Chúng tôi rời khỏi thành phố và băng qua những cung đường tuyệt đẹp dưới ánh hoàng hôn. Đi qua những núi đồi và thung lũng, những quanh co chóng mặt tới mức cả xe tái mặt vì say.

2. Đêm phố cổ Đồng Văn buốt giá, bọn tôi ngồi bên chậu củi cháy đỏ, than hồng rực, uống một cốc trà cũ kỹ và nói những câu chuyện không đầu không cuối. Bạn quàng vai trong cái rét sắc lẻm như lưỡi dao và trầm tĩnh nói về một câu chuyện có tôi với bạn biết. Tôi cảm thấy bạn thương mình từ tận đáy lòng. Và bạn đã luôn chờ mong những điều tốt đẹp như thế như thế... cuối cùng sẽ đến.

Cũng trên con phố nhỏ nhắn ấy, cả bọn ngồi chờ thắng dền lúc nửa đêm. Hít khói đầy phổi, và cuối cùng cũng được ăn một bát vốn dĩ đựng bao nhiêu nhớ thương trong tình trạng thảm hoạ ẩm thực. Chả sao. Ăn cốt gì ngon, cốt là ăn ở đây, vừa ăn vừa phì cười vì chờ mãi chờ mãi rốt cuộc lại có một món tệ đến thế.

Rồi bọn tôi lao qua 8 km xuống đáy vực chỉ để được thật gần dòng sông. Chính là dòng sông ruột thịt của tôi, nơi mà tôi đã hàng trăm lần đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống, từ khi, nhiều năm trước, nó chỉ mảnh như một sợi chỉ.

Tôi đã viết như thế: Sông Nho Quế mảnh như sợi chỉ. Nó nằm tít hút bên dưới, với dòng nước mảnh mai vô chừng. Bây giờ có thuỷ điện, nước dâng lên thành hồ. Dòng sông của tôi không còn là sợi chỉ nữa.

Tôi không nhớ mình đã từng viết bao nhiêu trang sách mà trong đó, khi viết, tôi lại hình dung đến sợi chỉ này. Một hình ảnh cực kỳ sinh động và gợi cảm hứng để người ta có thể đặt lên bên trên nó bất kỳ một câu chuyện tình yêu nào.

Nếu nhìn trên bản đồ thì đây là vùng Đông Bắc của Tổ quốc, liền với Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, vắt từ biên giới đất liền ra biên giới biển, từ các cửa khẩu đường bộ sang cửa khẩu đường biển.

Để đi sang Cao Bằng, có một con đường khá thuận tiện là đi xuyên qua Mã Pì Lèng, qua hàng loạt xã của Mèo Vạc và đặt chân vào đất Bảo Lâm, Bảo Lạc - những huyện xa nhất của Cao Bằng. Một cung đường tuyệt đẹp vào mùa đông - xuân.

Cuối đông, đầu xuân, lau nở trắng như thể chỉ còn một lần cuối cùng trong đời được nở. Cái nắng vàng ấm áp của mùa đông giá chiếu xuống những vạt lau khiến chúng trở nên lấp lánh quyến rũ kỳ lạ.

Ở một số vùng miền, bạn sẽ khó hình dung sự khác biệt về mặt thiên nhiên giữa hai tỉnh. Nhưng ở miền núi phía Bắc, điều đó khá rõ rệt. Ví dụ như khi rời khỏi Hà Giang và đặt chân vào đất Cao Bằng, bạn sẽ thấy thiên nhiên ưu đãi Cao Bằng hơn Hà Giang rất nhiều. Những cánh rừng màu mỡ và phủ đầy màu xanh, thay cho việc chỉ thấy bạt ngàn đá tai mèo xám ngắt.

Những dòng sông đầy nước, những thung lũng ẩm ướt, những thửa ruộng mềm mại… Nếu Hà Giang có Mã Pì Lèng và sông Nho Quế, thì Cao Bằng có Phia Oắc - Phia Đén.

Cả hai nơi đều hiểm trở, đỉnh cao và thẳm sâu, nhưng ai ai cũng có thể nhúng chân xuống dòng Nho Quế; còn Phia Oắc - Phia Đén có cái huyền bí của đại ngàn, với hơn 4.000 ha rừng lõi được bảo vệ đặc biệt, nơi không một ai có thể tự ý chặt xuống một cái cây.

3. Chúng tôi leo lên đỉnh Phia Oắc vào một buổi chiều giữa những ngày đông lạnh giá - đợt lạnh sâu nhất từ đầu mùa đông.

Đêm trước, nền nhiệt trên Phia Oắc là -2 độ. Trong khi đó, ở Hà Nội chừng 13 độ. Tức là Phia Oắc lạnh hơn 15 độ. Băng giá đã đóng như những miếng thuỷ tinh lúc lỉu nặng trĩu trên các tán cây. Nhưng chỉ tầm 9 giờ, khi mặt trời lên cao, sưởi ấm toàn bộ không gian, thì băng tan.

Buổi chiều, đang còn có nắng ở triền phía Tây, nền nhiệt tầm 5 - 6 độ. Cái lạnh ngọt lịm, sắc lẻm, cảm giác cái lạnh mỏng như một lưỡi dao, khía vào đâu là ở đấy toác ra. Đỉnh Phia Oắc cao gần 2.000 m.

Người ta nói rằng, hơn 10 ha vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén là nơi trú ngụ của 351 loài thực vật và 58 loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Đây cũng là nơi ghi nhận có đến 66 loài bướm.

Trên đỉnh núi, những cái cây trụi lá mọc đầy rêu. Rêu bám từ gốc lên đến ngọn, như một lớp áo ấm áp bao bọc bên ngoài thân cây. Có một điều rất dễ nhận thấy ở những vùng rừng độ ẩm cao quanh năm, là mọi cây cối đều được phủ đầy rêu. Những cái cây phủ rêu mang lại một vẻ đẹp kỳ bí, như kiểu chúng được lấy ra từ một bộ phim huyền ảo nào đấy.

Thoạt trông, như thể chúng đã chết, vì chẳng thấy lá đâu cả. Nhưng rồi khi mùa xuân đến, băng giá tan đi, chồi non sẽ lại mọc ra biếc xanh.

Trên đỉnh núi ấy, chúng tôi nhặt một ít củi gộc và đốt lửa. Thứ nóng bỏng sưởi ấm loài người từ thuở Homo Sapiens cuối cùng cũng chấp nhận sưởi ấm những đôi chân cứng đờ vì lạnh. Cả bọn lôi mấy chai rượu và mấy món đồ vặt giấu trong cốp xe ra, làm như toàn những kẻ thích nhậu.

Thực chất thì nhậu cái cảm giác tự do trong hoang vu thăm thẳm buốt giá mới là nỗi háo hức mạnh mẽ nhất. Và trong lúc đó tôi chợt nhận ra, có những thứ còn ấm áp hơn lửa.

Cuộc sống luôn đầy rẫy khó khăn, trở ngại. Mục đích đặt ra càng lớn thì chặng đường để đi tới nó sẽ càng khó khăn. Và một lúc nào đó bạn sẽ nhận ra rằng, khi đã đi qua những khốn khó, đau khổ, chật vật thì người ta sẽ biết trân quý thực sự những gì mình đang có.

Sẽ đến lúc cái gì có được cũng thấy quý, niềm vui nào dù giản dị cũng thấy lớn lao, sự tử tế nào cũng khiến mình xúc động, trân trọng. Như là buổi chiều này, tôi nghĩ mình sẽ thật khó quên. Nắng óng ánh như mật ong thơm tho và ấm áp trên đỉnh một ngọn núi mà băng giá vừa tan buổi sáng, và có lẽ chỉ vài tiếng đồng hồ nữa thôi băng lại trắng muốt trong đêm trăng cuối tháng.

Tôi sẽ rất nhớ cái khoảnh khắc ấy, ngồi giữa đám cỏ chín thoang thoảng mùi hương thanh tao và rúc rích tiếng những con côn trùng khe khẽ cất trong buốt lạnh. Cảm thấy thật hạnh phúc!

Vậy hạnh phúc đến từ đâu? Có lẽ chăng là đến từ cách chúng ta tận tuỵ trong cuộc sống này? Tận tuỵ với bản thân, với người, với đời...

Vậy hạnh phúc đến từ đâu? Có lẽ chăng là đến từ cách chúng ta tận tuỵ trong cuộc sống này? Tận tuỵ với bản thân, với người, với đời. Tận tuỵ với niềm vui và cả những nỗi buồn đau, mất mát. Tận tuỵ ngay cả với việc mở rộng tâm hồn mình ra và để những đẹp đẽ của thiên nhiên phả vào những làn hơi ấm áp khôn cùng.

Đôi khi thực sự muốn được ẩn nấp vào một nơi nào đó thật rộng lớn và dịu ngọt. Ẩn nấp trong niềm bao dung độ lượng. Co người lại như một con thú hoang bé nhỏ và tận hưởng sự bao bọc như một thứ bản năng. Và rồi sẽ lại tận tuỵ mà đi thong thả trong cuộc đời dài dặc mà cũng có thể quá đỗi ngắn ngủi...

Tôi thích lang thang trên núi non cùng những bạn bè thân mến, và tạm thời được lãng quên những áp lực từ cuộc sống ở phía sau. Những chuyến đi luôn mang lại nguồn năng lượng dồi dào để rồi những gì còn dang dở thì làm nốt, điều gì còn đắn đo thì quyết định cho xong, và bắt đầu những điều mới mẻ khi ngày mai còn chưa đến.

Tuỳ bút của Đỗ Bích Thuý

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục