Những con số biết nói

(ĐTCK) Có một thực tế được ông Phạm Sỹ Danh, Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) chỉ ra trong báo cáo tổng kết 25 năm ngành kiểm toán độc lập, đó là số lượng khách hàng kiểm toán hiện nay chủ yếu vẫn thuộc đối tượng bắt buộc phải kiểm toán theo luật định. 
Những con số biết nói

Và vẫn còn hiện tượng một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước địa phương xa Trung ương “trốn’ nghĩa vụ kiểm toán báo cáo tài chính. 

Thống kê của VACPA cũng cho thấy, số lượng khách hàng năm 2015 của các công ty kiểm toán là 42.166 đơn vị. Đặt bên cạnh con số 700.000 doanh nghiệp trên cả nước, chưa kể các dự án, đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức phi chính phủ, đây là con số rất khiêm tốn!

Trong hơn 4 vạn doanh nghiệp sử dụng dịch vụ kiểm toán độc lập năm 2015 này, chiếm 37% là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước chiếm 12%. Số còn lại là các công ty niêm yết, công ty đại chúng, ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty kinh doanh chứng khoán, dự án đầu tư cơ bản...

Ra đời năm 1991, gắn liền với công cuộc Đổi Mới của đất nước, đáp ứng đòi hỏi của việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, ngành kiểm toán độc lập Việt Nam đã phát triển nhanh cùng với sự ra đời và bùng nổ của thị trường chứng khoán, của hội nhập kinh tế  quốc tế. Từ con số 0, ngành kiểm toán độc lập Việt Nam đến nay đã bao gồm 142 công ty, với 9.705 lao động đang làm việc, trong đó có gần 1.800 kiểm toán viên, đem lại doanh thu trên 5.000 tỷ đồng trong năm 2015.

Kiểm toán độc lập, với vai trò là công cụ kiểm tra, xác nhận tính trung thực của các thông tin tài chính doanh nghiệp đã trở thành điểm tựa niềm tin cho nhà đầu tư và các bên liên quan. Trong khi nhận thức của nhiều doanh nghiệp, của xã hội về sự vai trò của kiểm toán độc lập chưa đầy đủ, các doanh nghiệp ít tự nguyện tìm đến với dịch vụ kiểm toán độc lập để nâng cao uy tín trong mắt nhà đầu tư, đối tác, để nâng cao chất lượng quản trị công ty, thì để tăng cường tính minh bạch trong nền kinh tế, cần phải mở rộng đối tượng phải kiểm toán báo cáo tài chính.  

Tại lễ kỷ niệm 25 năm ngành kiểm toán độc lập, thông điệp này cũng được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra.

Trong chiến lược phát triển ngành kiểm toán độc lập đến năm 2020, do Bộ Tài chính xây dựng, mục tiêu được Bộ đặt ra mở rộng thị trường kiểm toán đến các loại hình doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực và thành phần kinh tế. Theo đó, sẽ bổ sung các quy định để các công ty không phân biệt loại hình hoạt động, hình thức sở hữu nếu có quy mô vốn, doanh thu hoặc sử dụng lao động đạt một mức nào đó cũng được coi là đơn vị có lợi ích công chúng, phải được kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm.

Mặt khác, tăng cường sự hiểu biết của khách hàng và xã hội về kiểm toán độc lập, có cơ chế phù hợp để khuyến khích các tổ chức, đơn vị tự nguyện thuê kiểm toán để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính.

Mục tiêu này nếu sớm được triển khai kỳ vọng sẽ tạo thêm sức hấp dẫn cho thị trường vốn Việt Nam.   

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục