Những cơ sở để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP

“Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay tuy khó, nhưng vẫn có thể đạt được”, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định trước khi Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vào hôm nay (9/6).
PGS-TS Trần Hoàng Ngân PGS-TS Trần Hoàng Ngân

Ngày 29/6 mới có số liệu tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm, nhưng trong quý I, GDP chỉ tăng 5,1%, nên nhiều ý kiến cho rằng, chưa chắc đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 6,7%. Quan điểm của ông thế nào?

Tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm nay đạt thấp vì công nghiệp khai khoáng sụt giảm mạnh, chỉ bằng 90% cùng kỳ 2016; công nghiệp chế biến - chế tạo chỉ tăng 8,30%, giảm đáng kể so với mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2015 và 8,94% của năm 2016.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ một số năm gần đây (năm 2014 tăng 5,3%; năm 2015 tăng 9,3% và năm 2016 tăng 7,4%) có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc Công ty Samsung giảm sản lượng smartphone.

Chính phủ đã tìm được nguyên nhân khiến GDP quý I năm nay tăng trưởng thấp và đã có các giải pháp, biện pháp khắc phục tương đối hiệu quả trong thời gian vừa qua, nên tôi tin rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% có thể đạt được.

Ông có lạc quan quá không?

Không hề quá lạc quan khi nhìn vào tốc độ tăng trưởng của các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ tháng 4 cao hơn quý I và tháng 5 cao hơn tháng 4 cũng như quý I. Đó là cơ sở để tăng trưởng kinh tế tháng 5 cao hơn tháng 4 và 4 tháng đầu năm.

Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2016. Dù khai khoáng vẫn giảm 7,8%, nhưng nhờ công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 11,2%, nên chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng 5,7% (4 tháng đầu năm tăng 5,2%), trong đó công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 9,7%.

Trong 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,2%; xuất khẩu tăng 17,4%, trong đó đáng lưu ý là xuất điện thoại và linh kiện tăng 12%, điện tử - máy tính - linh kiện tăng 46,2%… nhờ xuất khẩu các mặt hàng này trong tháng 5/2017 tăng rất ấn tượng.

Nhìn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hơn 5 tháng, ông ấn tượng nhất điều gì?

Ngành công nghiệp tăng trưởng khả quan một phần nhờ 5 tháng đầu năm tiếp tục duy trì được vốn đầu tư nước ngoài (cả vốn cấp mới, vốn bổ sung, vốn đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần) và tinh thần khởi nghiệp, minh chứng rõ nét nhất là cứ mỗi tháng có thêm 10.000 doanh nghiệp đăng ký mới.

Năm 2016, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục, với trên 110.000 doanh nghiệp. Năm nay, với tốc độ tăng trưởng như những tháng đầu năm, tôi chắc rằng, con số này sẽ là 120.000 doanh nghiệp. Đây là cơ sở vững chắc để kinh tế năm nay sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng 6,7%.

Doanh nghiệp thành lập dễ thì đóng cửa, giải thể cũng dễ, thưa ông?

Quan trọng nhất không phải là tốc độ tăng trưởng bao nhiêu, mà là có bền vững không, bởi một khi hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn thì doanh nghiệp sẽ giải thể, đóng cửa, ngừng hoạt động. Việc này không chỉ tác động tới tăng trưởng kinh tế, mà còn ảnh hưởng tới nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác.

Để củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào một Chính phủ hành động, liêm chính, ngày 17/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước, đặc biệt là ngay hôm đó, người đứng đầu Chính phủ đã ký Chỉ thị 20/CT-TTg nghiêm cấm các bộ, ngành, địa phương thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm.

Để phát triển kinh tế bền vững, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XII đã khẳng định tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi để phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có công nghệ hiện đại, năng lực quản trị tiên tiến; hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tôi cho rằng, với tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XII; việc Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vào cuối Kỳ họp thứ ba; cộng với tinh thần, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Việt Nam sẽ có một đội ngũ doanh nghiệp hùng hậu, là cơ sở cho kinh tế tăng trưởng bền vững.

Phát triển doanh nghiệp là cả một quá trình lâu dài, trong khi bài toán cần phải giải ngay là làm thế nào để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay?

Theo tính toán, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay, thì khu vực nông nghiệp phải tăng trưởng 3,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,91% (trong đó, công nghiệp chế biến - chế tạo tăng trưởng 13%, sản xuất và phân phối điện tăng 11,5%, khu vực xây dựng tăng trưởng 10,5%); khu vực dịch vụ tăng trưởng 7,19% (trong đó, khách du lịch quốc tế tăng trên 30%).

Để thực hiện mục tiêu đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành với nhiều giải pháp quyết liệt như phấn đấu thực hiện giảm lãi suất tín dụng cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chế biến - chế tạo; tập trung giải ngân vốn đầu tư công; xây dựng các giải pháp huy động các nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài với mục tiêu đặt ra là tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt 34 - 35% GDP, cao hơn rất nhiều so với kế hoạch là 31,5% GDP.

Với những giải pháp quyết liệt như vậy, tôi tin rằng, tốc độ tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay là có thể đạt được.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục