Tại các phiên họp định kỳ hàng tháng của Chính phủ, hiếm khi các thành viên Chính phủ lại đi sâu phân tích, thảo luận các giải pháp để đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cho từng quý như tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017.
Theo đó, Chính phủ đã thảo luận Báo cáo chuyên đề về kịch bản, phương án, các giải pháp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế quý II, III, IV và cả năm 2017.
Ðiều này cho thấy sự kiên định và quyết tâm cao của Chính phủ trong hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra cho năm nay, trong bối cảnh đang đối mặt với nhiều thách thức.
Ðể đạt mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh GDP quý I/2017 chỉ tăng 5,1%, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, 3 quý còn lại của năm nay, GDP phải đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7,1%/quý. Muốn vậy, quý II này phải phấn đấu tăng trưởng GDP ở mức 6,26%, quý III là 7,29% và quý IV là 7,49%.
Ðạt được những mục tiêu trên là đầy thách thức, nhất là khi nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng nền kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu chưa có những chuyến biến mạnh mẽ.
Nói cách khác, sự tăng trưởng của nền kinh tế vẫn phải phụ thuộc nhiều vào các nhân tố “thô”. Ðiều này phần nào thể hiện qua 2 diễn biến sau.
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I/2017 chững lại do có nguyên nhân từ sản lượng khai thác dầu thô giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đây là lĩnh vực có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, tín hiệu phục hồi tăng trưởng kinh tế trong tháng 4 vừa qua, theo nhìn nhận của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Ðào Minh Tú, có đóng góp quan trọng từ tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 4 tháng đạt 4,86%.
Ðây là mức cao nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây (thông thường 4 tháng đầu năm nhiều năm trước đây tín dụng chỉ tăng trưởng khoảng 3 - 4%).
Ðể góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó đạt mục tiêu đề ra cho năm nay, các nhân tố tăng trưởng “thô” như tăng sản lượng khai thác dầu thô, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đang được triển khai.
Trong bối cảnh giá dầu trên thị trường thế giới phục hồi, cũng như tín dụng chủ yếu được bơm vào lĩnh vực sản xuất (4 tháng qua, 88% tín dụng đã được đưa vào sản xuất), thì việc tăng liều lượng sử dụng các nhân tố này là chấp nhận được.
Tuy nhiên, nếu giá dầu giảm, tín dụng tăng trưởng nóng mà không được kiểm soát chặt dẫn đến có thể chảy nhiều vào bất động sản, chứng khoán như từng xảy ra, thì cái giá phải trả cho đạt mục tiêu tăng trưởng sẽ không rẻ.
Bởi vậy, lời giải nào cho bài toán đạt mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra cho năm nay, nhưng không phải hy sinh nhiều các mục tiêu phát triển nền kinh tế bền vững, dài hạn đang là thách thức lớn cho các cấp quản lý từ trung ương xuống địa phương.