Khi giá cổ phiếu giảm, dòng tiền lại đổ vào, khiến giá cổ phiếu bật tăng trở lại. Điều này thấy rõ khi cổ phiếu CII của CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM đã 3 - 4 lần chạm giảm xuống dưới 19.000 đồng/CP rồi lại bật lên. Sở dĩ cổ phiếu CII không tăng cao do có một lượng cung giá rẻ do NĐT giữ cổ phiếu chuyển đổi từ trái phiếu bán ra. Nhưng cổ phiếu này cũng khó giảm sâu khi CII dự kiến trả cổ tức năm 2014 ở mức 14%.
Các cổ phiếu APC, TCM, SHP, GMD, DPM… của những công ty hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định, dòng tiền và chia cổ tức ở mức cao, có mức biến động giá rất thấp.
Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo các công ty trên đều tự tin về triển vọng hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, mức giá cổ phiếu hiện nay là hấp dẫn. Tuy nhiên, NĐT đang chờ đợi những tín hiệu cho thấy cơ hội đầu tư rõ ràng hơn.
Hiện tượng cổ phiếu SCR của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín vừa qua là một biểu hiện cho thấy, dòng tiền đang chờ đợi những cơ hội rõ ràng. Hôm thứ Tư (28/1), khối lượng giao dịch cổ phiếu SCR đạt gần 14 triệu đơn vị với mức giá bình quân 7.700 đồng/cổ phiếu và phiên trước đó có 19 triệu đơn vị được chuyển nhượng, nhưng ngày hôm qua (29/1), SCR vẫn tăng giá mạnh, bất chấp những nghi ngờ về tin đồn trước đó (lý do làm cho SRC giảm giá sàn) vẫn chưa được sáng tỏ. Trong lúc nhiều người lo sợ bán ra cổ phiếu SCR, thì những người mua vào có lý do để bắt đáy cổ phiếu này, thậm chí nhiều người bắt đáy sớm một phiên.
Thứ nhất, cổ phiếu bất động sản đang là mục tiêu đầu tư của cả NĐT tổ chức và cá nhân. Sự sôi động của phân khúc nhà bình dân và cả căn hộ cao cấp khu vực Quận 2 đang diễn ra tại TP. HCM khiến giới đầu tư chứng khoán đặc biệt quan tâm đến cổ phiếu bất động sản.
Thứ hai là SCR đã có một sóng tăng giá, thu hút được nhiều NĐT cá nhân tham gia. Trước đó, ở mức giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu, có động thái mua vào của cổ đông nội bộ và cổ đông nội bộ cũng đã bày tỏ quan điểm muốn tăng tỷ lệ sở hữu ở SCR. Vì thế, ở mức giá 8.000 đồng/cổ phiếu, SCR trở nên hấp dẫn để đầu tư cả trong ngắn hạn và dài hạn, nhất là khi so sánh với các cổ phiếu cùng ngành.
Thứ ba, sự phản ứng kịp thời của lãnh đạo SCR trước làn sóng bán tháo cổ phiếu giúp giá phục hồi (DN đang hoạt động bình thường, kế hoạch kinh doanh năm 2015 tăng trưởng so với 2014…).
Tất nhiên, việc bắt đáy được coi là hành động mạo hiểm khi mọi thông tin chưa rõ ràng, trường hợp của OGC trước đây là một ví dụ. NĐT không rời bỏ TTCK, nhưng kỳ vọng về lợi nhuận thu được trên thị trường sau 1 năm với những cú sốc lớn như năm 2014 đã giảm nhiều. Nếu các năm trước, mức kỳ vọng lợi nhuận trên thị trường ở mức cao 30 - 50%/năm, thì hiện nay chỉ khoảng 15 - 20%/năm.
Trong thông điệp đầu năm 2015 của tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn nhấn mạnh, công ty đã chuẩn bị các phương án nhằm đưa ra các sản phẩm hiệu quả để NĐT chuyển thói quen từ gửi tiền tiết kiệm sang tài khoản đầu tư, đây là yếu tố quan trọng nhất để TTCK phát triển lành mạnh và vững chắc.
Điều đó có nghĩa là ngay cả khi đầu tư vào chứng khoán, các NĐT đặt tiêu chí an toàn, bảo toàn vốn lên hàng đầu, thay vì chấp nhận các khoản đầu tư mạo hiểm như trước, sau đó mới đến kỳ vọng một khoản lợi nhuận hợp lý, cao hơn lãi suất ngân hàng, có thể là gấp đôi lãi suất tiền gửi.
Trong khi các NĐT cá nhân chưa chuyển động theo xu hướng đầu tư này, thì các NĐT tổ chức với nguồn vốn lớn, nhất là công ty chứng khoán trong nước đã tìm kiếm doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí đầu tư này để rót vốn, trước khi giá cổ phiếu của những doanh nghiệp có khả năng tạo tiền trở nên đắt đỏ hơn.
Đó là lý do vì sao cổ phiếu của những doanh nghiệp có khả năng tạo tiền như HPG, HSG, TCM… ít có khả năng giảm giá sâu.