Thăng hoa nhờ tin đồn
Cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan tăng trần ngay trong phiên giao dịch đầu tuần qua, chính thức vượt mốc 100.000 đồng/cổ phiếu càng khiến nhiều nhà đầu tư tin tưởng hơn vào tin đồn Tập đoàn Alibaba sẽ rót vốn vào The CrownX (mà MSN sở hữu 84,8% cổ phần). Nếu thương vụ hoàn thành MSN sẽ thu về số tiền lớn và Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCI) – đơn vị được đồn đoán tư vấn cho thương vụ này cũng hưởng lợi từ phí tư vấn.
Trên thực tế, tin đồn về việc SK và Tập đoàn Alibaba sẽ tham gia đầu tư vào Masan (hoặc các thành viên của tập đoàn này) đã được thị trường đồn đoán từ quý IV/2020. Điều chờ đợi là thời điểm công bố chính thức thương vụ.
Trong các diễn đàn và room tư vấn chứng khoán thời gian gần đây, thông tin về thương vụ bán vốn trị giá nhiều tỷ USD của Masan được truyền đi rất nhanh. Nội dung cơ bản giống nhau, đó là thương vụ Tập đoàn Alibaba rót vốn vào CrownX đã đi tới hồi kết. Mức định giá cũng liên tục được cập nhật, ban đầu là 7 tỷ USD, rồi lên 8 tỷ USD.
Tỷ lệ bán ban đầu được đồn đoán là 15%, rồi 10% vốn CrownX “giúp MSN thu về 800 triệu USD tiền tươi”. Thậm chí, các nguồn tin còn cho rằng, tiền đã vào tài khoản ngân hàng một phần và sẽ công bố ngay trong tuần trước hoặc trong tuần này.
Dù vậy, giới thạo tin cho biết, thương vụ này VCI không phải là đơn vị tư vấn.
Tính đến ngày 13/5, thị giá cổ phiếu MSN đã tăng 7,29% trong 1 tuần gần nhất - mức sinh lợi khá tốt cho các khoản đầu cơ theo tin đồn. VCI cũng ghi nhận mức tăng gần 8,5% (bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu chứng khoán khác cũng có sự bứt phá).
Tin đồn trên thị trường chứng khoán tuần qua không chỉ dừng ở đó, mà còn lan rộng sang chiến lược M&A một công ty có lĩnh vực chính là sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm - Dabaco. Dĩ nhiên, thông tin này cũng không mới vì đã được đồn thổi từ năm 2020.
Trong buổi gặp gỡ với giới phân tích công ty chứng khoán hồi tháng 3/2021, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dabaco cho biết, không chỉ Masan mà nhiều tập đoàn lớn nước ngoài đặt vấn đề hợp tác với Dabaco, nhưng “có ông muốn sở hữu 60%, có ông lại muốn 80% nên không đến được với nhau”.
Những tưởng sau tuyên bố của lãnh đạo Dabaco, tin đồn này sẽ lắng xuống thì trong tuần qua, thị trường lại có phen xôn xao trước thông tin đăng tải trên Bloomberg với nội dung: “Tập đoàn Masan đang làm việc với các bên tư vấn để đưa ra quyết định đầu tư mảng thức ăn chăn nuôi, trong đó có Masan MeatLife đã niêm yết. Theo các nguồn thạo tin, Masan đang tìm kiếm một thương vụ giá trị có thể lên tới 1 tỷ USD”. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư nhìn nhận, thương vụ thâu tóm Dabaco rất có khả năng đang diễn ra.
Sau khi đánh giá tổng quan, đánh giá tin đồn và các nguồn thu có thể có được, trong một số group của giới đầu tư, một số nhà đầu tư đưa ra giá mục tiêu cho cổ phiếu MSN và DBC trong năm nay lần lượt là 200.000 đồng/cổ phiếu và 80.000 đồng/cổ phiếu.
Trái lại, tin nhắn truyền tay ở một số môi giới cho biết, thông tin của Bloomberg về nguồn cung cấp dữ liệu từ Masan là không đúng sự thật và Masan sẽ công bố thông tin chính thức trong 1 - 2 tuần tới liên quan đến nội dung này.
Thị trường cần “câu chuyện”
Thị trường giai đoạn này chỉ cần có câu chuyện là đẩy giá cổ phiếu, nhiều chuyên gia phân tích và các nhà đầu tư kinh nghiệm trên thị trường nhận xét như vậy.
Những câu chuyện như tăng vốn, chia cổ tức, lãi đột biến, có đối tác chiến lược, hay dự đoán vào rổ chỉ số… sẽ được dòng tiền quan tâm và không thiếu “niềm tin” được xây dựng trên những tin đồn.
Khi thông tin về kết quả kinh doanh quý I/2021 của các công ty niêm yết đã được công bố gần hết, kế hoạch kinh doanh 2021 không còn gì mới thì những câu chuyện như tăng vốn, chia cổ tức, lãi đột biến, có đối tác chiến lược, hay dự đoán vào rổ chỉ số… sẽ được dòng tiền quan tâm.
Không khó để dò tìm các chất xúc tác được các nhà đầu tư chia sẻ và làm cơ sở lý giải cho việc cổ phiếu bứt phá bên cạnh các thông tin nền tảng.
Đơn cử như tại STB, thị giá cổ phiếu này đã tăng gần 7% trong tuần qua, đặc biệt trong phiên 11/5, cả khối ngoại và tự doanh đều gom ròng mã này khiến cổ phiếu tăng trần. Với các nhà đầu tư cá nhân, những đồn đoán về việc đấu giá 32,5% vốn STB mà VAMC đang quản lý với giá khởi điểm 34.000 đồng/cổ phiếu đã làm nên sức hấp dẫn cho cổ phiếu này.
Với những hoài nghi ở thời điểm cổ phiếu này đạt mức 10.000 - 11.000/cổ phiếu, việc tăng lên vùng 18.000 đồng/cổ phiếu những tưởng đã là kỳ tích.
Nhưng sau đó, nhiều nhà đầu tư vẫn mạnh dạn mua vào để chờ đợi câu chuyện tái cơ cấu cổ đông tại STB và rõ ràng, đến thời điểm hiện tại, họ đang có mức sinh lợi rất tốt, khi đóng cửa phiên 13/5/2021 là 26.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 45%.
Bên cạnh STB, nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng đang có đà tăng rất tốt, như VPB, TCB, CTG, LPB…
Ở mỗi cổ phiếu, lại có các kỳ vọng khác nhau. Chẳng hạn, tại TCB, ngoài ấn tượng là ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) cao, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao thì còn nhờ tin đồn về việc sẽ bán vốn cho đối tác nước ngoài với giá 6x – là mức định giá mà các bên phân tích cũng cho là phù hợp với nội tại của Ngân hàng.
Hay với ABB, đà tăng xuất phát từ kỳ vọng vào “game tăng vốn”, LPB từ việc mới đủ điều kiện để được cấp margin, còn ACB là kỳ vọng sẽ được thêm vào rổ chỉ số VN30 ở kỳ tái cơ cấu danh mục tháng 7/2021.
Nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng (thép, xi măng), bất động sản cũng đang thu hút dòng tiền tốt, và cũng như các nhóm cổ phiếu trên, không thiếu “niềm tin” được xây dựng trên những tin đồn.
Chẳng hạn, tại BMI, tin đồn cổ đông Nhà nước SCIC sẽ thoái vốn đã giúp cổ phiếu này tăng trần trong phiên 13/5. DIG, KDH cũng đang có mức tăng giá tốt nhờ nhà đầu tư chờ đợi “game phát hành”.
Hay AGM tăng trần 7 phiên liên tiếp nhờ luồng thông tin sẽ có sự thay đổi lớn trong cơ cấu cổ đông khi có một bên thứ ba đang có kế hoạch gom mua từ tay hai cổ đông lớn nhất là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Nguyễn Kim (51,58%) và SCIC (28,17%).
Đua theo tin đồn: “Năm ăn năm thua”!
Anh N.Việt Tiến, một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán, có giá trị tài khoản lớn cho biết, nhìn vào biểu đồ kỹ thuật của cổ phiếu MSN, có thể thấy, cổ phiếu này nằm ở vùng 85.000 - 94.000 đồng/cổ phiếu khá lâu, thời điểm mới rỉ tai tin đồn là khoảng 96.000 đồng/cổ phiếu, không quá chênh lệch trong vùng giá trên.
MSN là tập đoàn lớn, các mảng kinh doanh đang tốt dần lên và đặc biệt là tỷ lệ giao dịch tự do thấp - nên khả năng cổ phiếu bị giảm sâu không lớn. Do đó, anh đánh cược mua 10.000 cổ phiếu MSN ở mức giá 96.000 đồng/cổ phiếu và lãi tạm tính tại ngày 13/5/2021 là 70 triệu đồng.
Với cổ phiếu STB, anh cùng nhóm nhà đầu tư có kinh nghiệm của mình đều cho rằng, thị giá cổ phiếu này tăng tốt, hút dòng tiền, “nhưng nếu chỉ vì tin đồn mà nhảy vào STB là rất rủi ro”.
Bởi lẽ, các tin đồn đến nay không có sự đồng nhất, mỗi tin một kiểu, không rõ ông chủ tương lai của STB sẽ là nhóm nào. Đặc biệt, cơ cấu cổ đông của STB hiện khá loãng, với tỷ lệ lưu hành tự do khoảng 95% và không có cổ đông nào nắm giữ trên 5%.
Chỉ cần một phiên giảm sàn, các nhà đầu tư cá nhân đổ xô bán thì khả năng “vỡ trận” ngắn hạn rất cao. Trong khi đó, TCB được nhóm này nhìn nhận là có nền tảng cơ bản rất tốt và có nhiều lợi thế cạnh tranh, có dư địa tăng trưởng, cổ phiếu do vậy vẫn còn tiềm năng tăng giá.
Với cách phân tích như vậy, các nhà đầu tư này đang đạt mức sinh lời khá tốt trong suốt thời gian qua.
Tuy vậy, theo quan điểm của nhiều nhà phân tích và cả các nhà đầu tư kinh nghiệm, đua theo tin đồn thì tỷ lệ thắng - thua là 50 - 50, và nên xác định đây là hành động đầu cơ ngắn hạn. Tin đồn chỉ nên xem là một trong những nhân tố để phân tích cơ hội đầu tư. Bởi nếu tin đồn không thành tin thật thì các cổ phiếu có các yếu tố cơ bản tốt, nền tảng vững không bị giảm sâu.
Ngược lại, các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt nhà đầu tư mới chưa có kinh nghiệm, thường mua bán theo lời khuyên từ môi giới, người quen, bạn bè…, nếu chạy theo các tin đồn mà thiếu các phân tích cần thiết sẽ chịu rủi ro mất tiền rất lớn.