Có lẽ các phiên giao dịch tuần vừa qua là có thể nói là những phiên nổi bật nhất và để lại cho các nhà đầu tư nhiều dấu ấn lớn nếu chỉ xét về mặt thời điểm/điểm số.
Phiên giao dịch ngày thứ 3 đã trở thành phiên giao dịch lịch sử bởi VN-Index lần đầu tiên đạt mức điểm cao nhất mọi thời đại 1.286 điểm và chính tại khoảnh khắc đó các nhà đầu tư cũng đã nghĩ tới việc VN-Index 1.300 - 1.400 hay thậm chí 1.500 điểm chỉ còn mang yếu tố thời gian trước khi VN-Index điều chỉnh ở cuối phiên giao dịch khi chỉ tăng 6 - 7 điểm.
Nếu phiên giao dịch thứ 3 rung lắc điều chỉnh mạnh trong xu thế tăng thì phiên thứ 5 lại là phiên giảm điểm mạnh. Và kết hợp 2 phiên giao dịch này thì chúng ta đã chuyển từ sự lạc quan sang lo lắng bởi 1 vài tín hiệu cho thấy diễn biến điều chỉnh đã có khả năng xuất hiện và phải cảnh giác hơn với khả năng điều chỉnh dài hơn 1 tháng của thị trường chung. Tuy rằng chưa có gì đảm bảo chắc chắn rằng thị trường sẽ “giảm” ngay trong các phiên đầu tuần tới khi mà cửa hồi phục kết hợp tích lũy thêm có thể diễn ra ở tuần cuối tháng 4.
Phương pháp đếm sóng Elliot lại 1 lần nữa có thể đem ra áp dụng khi đo lường diễn biến “sóng 5” tăng điểm cuối trước khi thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh tiềm tàng.
Về lý thuyết, thị trường vẫn có khả năng tăng điểm tiếp lên khu vực 1.300 - 1.320 điểm để hoàn thiện sóng 5 tăng điểm trước khi bước vào giai đoạn điều chỉnh vài tháng (tất nhiên kịch bản tăng điểm trung hạn vẫn được duy trì). Nhưng rõ ràng việc chỉ vài cổ phiếu vốn hóa lớn khởi sắc đi kèm việc tăng điểm lớn của nhóm cổ phiếu đầu cơ đã khiến nhà đầu tư có cảm giác thị trường đã tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là cơ hội, nhất là áp lực điều chỉnh đã trở lên sáng hơn, hiệu ứng “Bán tháng 5 và đi chơi” không biết có “linh nghiệm” trong năm nay hay không?
Có lẽ điều quan trọng hơn việc quan tâm đến việc thị trường có điều chỉnh hay không? VN-Index biến động thất thường như thế nào thì việc giữ vững trạng thái tâm lý tốt, ổn định luôn là điều được đặt lên hàng đầu.
Lựa chọn kỹ lưỡng các cổ phiếu trước khi mua vào cũng là điều đặc biệt quan tâm hơn là việc dự báo thị trường đang đi đâu về đâu. Chúng ta có thể không dự báo được diễn biến thị trường nhưng chí ít chúng ta cũng có thể ước tính được giá trị cơ bản giá cổ phiếu thực tế mà thị trường đánh giá sai để đưa ra các quyết định mua vào.
Thực tế cho thấy vô vàn các cơ hội tốt đang “rơi vãi” nhiều cho dù thị trường đang trong trang thái “nóng hay lạnh”. Cơ hội mua tích lũy hoặc kể cả đầu cơ ngắn hạn các cổ phiếu tiềm năng luôn hứa hẹn mức sinh lời tốt, hợp lý miễn là nhà đầu tư có đủ trình độ nhận ra các cơ hội đó.
Có lẽ thời điểm hiện nay vẫn luôn là câu chuyện cổ phiếu gì và mua vào thời điểm nào? VN-Index vẫn có thể chưa có nhiều động lực để tăng điểm tiếp nhưng một số cổ phiếu đặc biệt có khả năng tăng ngược thị trường để thu hút dòng tiền “nóng” tham gia.
VN-Index trong kịch bản tệ hơn vẫn có khả năng điều chỉnh về vùng 1.200 điểm (giao cắt với đường tín hiệu MA50 điểm) bất chấp việc thị trường chững và bật nẩy ở phiên thứ 6 tuần vừa qua.
Dù thế nào đi nữa chúng ta cũng hay chờ xem kịch bản thị trường hồi phục và điều chỉnh lại như thế nào tuần tới. Cơ hội cho các nhà đầu tư vẫn đến từ một số cổ phiếu ngân hàng “có câu chuyện” hoặc kể cả các cổ phiếu như VHM, FPT, VCB, KDH…
Chọn cổ phiếu đúng cũng lại phải chọn giá đúng luôn là những thử thách đối với không chỉ các nhà đầu tư mới và kể cả các nhà đầu tư chuyên nghiệp.