Lính mới TCM
Tại đại hội cổ đông thường niên 2021 của Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) tổ chức hồi cuối tháng 3, có một nội dung quan trọng là kế hoạch phát triển mảng kinh doanh bất động sản.
Theo đó, doanh nghiệp ngành dệt may này sẽ triển khai đầu tư xây dựng ba tòa tháp Thành Công Tower 1, 2, 3 (TC1, TC2, TC3). Trong đó, dự án TC1 được tái triển khai trên khu đất có diện tích 9.898 m2 tại địa chỉ số 37, Tân Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM. Dự án này đang thực hiện thủ tục pháp lý.
Tòa tháp TC2 là khu phức hợp được triển khai trên khu đất của nhà máy hiện tại có diện tích khoảng 6,6 ha. Tòa tháp TC3 là dự án thương mại dân cư có diện tích 13.178 m2, nằm trên đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP.HCM.
Trả lời chất vấn của cổ đông về lĩnh vực kinh doanh mới, lãnh đạo TCM cho biết, dự án tòa tháp TC1 đang làm thủ tục pháp lý, dự kiến mất khoảng 12 - 15 tháng. Doanh thu và lợi nhuận của mảng bất động sản sẽ được ghi nhận khoảng 2 - 3 năm sau.
Diễn biến đáng chú ý tại TCM là sự xuất hiện của thành viên mới trong Hội đồng quản trị: ông Nguyễn Văn Nghĩa.
Ông Nghĩa hiện đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại xây dựng vận tải Thanh Long và từng là Phó chủ tịch Tập đoàn Prime. Ông này đã liên tục mua gom cổ phiếu TCM trong thời gian dài.
Thời điểm diễn ra đại hội cổ đông, ông nắm giữ 7,6 triệu cổ phần, tương đương 12,37%. Ngày 13/4/2021, ông Nghĩa đã nâng tỷ lệ sở hữu lên 14,15%, tương đương 8,77 triệu cổ phiếu TCM.
Việc ông Nghĩa, nhân sự có kinh nghiệm về mảng kinh doanh bất động sản và tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp tham gia Hội đồng quản trị TCM được nhiều người nhìn nhận sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong mảng kinh doanh mới.
Tuy vậy, cũng có không ít ý kiến băn khoăn về năng lực tài chính, khả năng triển khai dự án của Công ty, trong khi đầu tư bất động sản đòi hỏi nguốn vốn lớn, cũng như kinh nghiệm triển khai.
Thực tế, có không ít doanh nghiệp “tay ngang” đã phải trả giá đắt khi tham gia thị trường địa ốc trong giai đoạn thị trường bất động sản tăng nóng rồi đóng băng sau đó.
REE, HAX mở rộng đầu tư
Tại đại hội cổ đông thường niên mới đây của Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (mã REE), bất động sản cũng là cụm từ được Ban lãnh đạo Công ty nhắc tới rất nhiều lần. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch REE cho biết, Hội đồng quản trị nhận thấy năm nay là thời điểm tốt để đầu tư và nhìn thấy cơ hội M&A dự án trong lĩnh vực bất động sản.
Tại đại hội cổ đông thường niên mới đây của REE, bất động sản là cụm từ được Ban lãnh đạo Công ty nhắc tới nhiều lần.
Hiện REE đang triển khai xây dựng dự án Etown 6. Đây là dự án có quy mô 45.000 m2 mặt sàn cho thuê, với tổng mức đầu xấp xỉ 1.700 tỷ đồng.
Trước đó, REE đã phát triển dự án văn phòng cho thuê với tòa nhà văn phòng Etown 5 vào năm 2019, công suất cho thuê tốt và đóng góp tích cực vào doanh thu, lợi nhuận của Công ty. Hiện REE đang có 15.000 m2 sàn văn phòng cho thuê.
Trong năm 2020, REE đã sắp xếp lại hoạt động, với việc thành lập Công ty TNHH Bất động sản R.E.E (REE Land) làm đầu mối quản lý mảng đầu tư, kinh doanh bất động sản và mở rộng đầu tư vào các phân khúc nhà ở, trung tâm thương mại, hạ tầng khu công nghiệp tại nhiều đô thị lớn trên cả nước. Theo bà Thanh, kế hoạch năm 2021, mảng bất động sản sẽ đóng góp 626,7 tỷ đồng lợi nhuận ròng cho Công ty.
Mới đây, tại đại hội cổ đông thường niên Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (mã HAX), Ban lãnh đạo Công ty đã chia sẻ với cổ đông về kế hoạch mở rộng đầu tư vào bất động sản.
Trước đó, Haxaco đã đầu tư mua biệt thự biển tại The Hamptons Hồ Tràm. Hiện khoản đầu tư này đang đem về lợi nhuận 10% cho Công ty. Khu biệt thự mang đậm phong cách Mercerdes, thương hiệu mà Haxaco phân phối.
Theo ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Haxaco, trong năm nay, Công ty dự tính đầu tư mua đất để làm tài sản, xây dựng nhà xưởng, showroom, chứ không phải phát triển dự án bất động sản. Hoạt động này góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho Haxaco, thay vì đi thuê mặt bằng mở showroom, Công ty tiến tới mua đất để phát triển lâu dài, ổn định.
“Còn về kế hoạch mở rộng mô hình bất động sản nghỉ dưỡng, nếu có hội đầu tư, Haxaco cũng sẽ triển khai như cách làm ở Hồ Tràm”, ông Dũng nói.
“Ông trùm nội thất” đi làm bất động sản
Câu chuyện gây xôn xao thị trường gần đây là việc Sở Xây dựng tỉnh Sơn La ra văn bản số 460/SXD-PTĐT ngày 25/3/2021 đề nghị Công ty cổ phần Tập đoàn Picenza Việt Nam và Công ty cổ phần Bất động sản Hano-Vid chấn chỉnh việc quảng cáo, huy động vốn và giao dịch bán đất nền, nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Được biết, dự án mà Picenza Việt Nam triển khai trên địa bàn tỉnh Sơn La là dự án Khu đô thị tại phường Chiềng Lề và phường Chiềng An, tên thương mại là Picenza Riverside Sơn La. Theo giới thiệu, dự án Picenza Riverside Sơn La có quy mô rộng 81.973 m2.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về vấn đề này, đại diện Picenza Việt Nam, bà Lê Thùy Trang cho biết, hiện Picenza đã có văn bản gửi Sở Xây dựng Sơn La đề nghị đính chính thông tin.
Khu đô thị số 1 phường Chiềng An đã cơ bản hoàn thành các thủ tục pháp lý, nhà đầu tư đã được giao đất, cấp phép xây dựng, hoàn thành nghĩa vụ tài chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Hiện nay, nhà đầu tư đang gấp rút xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ở để đủ điều kiện bán hàng theo luật định. Đến thời điểm hiện tại, dự án chưa đủ điều kiện bán hàng.
Tại văn bản số 225/CV-PCZ/SLA1 gửi Sở Xây dựng Sơn La, do ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Picenza Việt Nam ký, Picenza khẳng định chưa thực hiện bất kỳ giao dịch mua bán đất nền nhà ở nào, chưa nhận đặt cọc mua bán đất nền, nhà ở trực tiếp hoặc thông qua các trang mạng xã hội như văn bản số 460/SXD-PTĐT đã nêu.
Công ty cổ phần Tập đoàn Picenza Việt được sáng lập bởi Công ty Hoàng Tử và các cổ đông sáng lập nên Hoàng Tử vào năm 2004 tại Vĩnh Phúc.
Công ty Hoàng Tử sở hữu showroom Hùng Túy, do ông Nguyễn Văn Hùng và ông Cao Văn Túy là cổ đông sáng lập. Hiện Hoàng Tử đã thoái vốn tại Picenza Việt Nam nhưng được biết ông Hùng và ông Túy vẫn là cổ đông lớn. Cả hai nhân vật này được biết đến là các “ông trùm” trong lĩnh vực nội thất.
Picenza chuyển về Hà Nội từ tháng 4/2007 và hiện đăng ký trụ sở tại cùng địa chỉ với Hoàng Tử tại số 20 Cát Linh, Đống Đa. Công ty này hoạt động trong lĩnh vực thương mại, bất động sản, được biết đến với một số dự án như Aqua Central, King Palace…
Rõ ràng, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang nóng trở lại, kế hoạch phát triển dự án bất động sản của các doanh nghiệp cũng sôi động hơn hẳn. Đi kèm với các kế hoạch đó là những con số dự tính lợi nhuận được ghi nhận tích cực làm nức lòng nhà đầu tư. Tuy vậy, cổ đông, nhà đầu tư cần phân tích được tính hiệu quả và khả năng triển khai trên thực tế của mỗi dự án và ở từng doanh nghiệp.