Những chính sách thúc đẩy các kênh đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Một loạt chính sách có tác động lớn đến các kênh đầu tư trọng yếu sẽ đi vào cuộc sống từ nay đến cuối năm 2024.
Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi khá toàn diện Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi khá toàn diện

Ba luật có tác động bao trùm

Điểm nổi bật nhất về chính sách từ nay đến cuối năm 2024 là 3 luật: Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực vào ngày 1/8/2024. Trong đó, có một số nghị định, quy định chi tiết một số điều của 3 luật trên thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ. Hiện tại, Bộ Xây dựng cùng các bộ có liên quan dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đang khẩn trương hoàn thiện các bước cuối cùng của các nghị định nói trên bao gồm: nghị định, quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Chính phủ cũng ban hành cả Nghị định về xây dựng và quản lý thông tin cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; Nghị định quy định một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Như vậy, số nghị định thuộc thẩm quyền Chính phủ ban hành liên quan đến 3 luật nói trên có thể lên tới con số 7.

Thị trường đất đai, nhà ở, bất động sản cũng như một số lĩnh vực có liên quan đang chờ đợi một cách tích cực về hiệu lực và hiệu quả của các Luật và Nghị định quan trọng này. Đặc biệt, khi thị trường bất động sản, nhà ở đang có những dấu hiệu phục hồi ở một số phân khúc. Nguồn cung về bất động sản và nhà ở cũng đang có dấu hiệu tăng và hy vọng sau ngày 1/8, thị trường bất động sản cũng như thị trường tài sản nói chung bao gồm cả chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ phục hồi tích cực.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế

Một lĩnh vực khác rất quan trọng có liên quan đến 3 luật và các nghị định này là đầu tư công và đầu tư tư nhân. Đầu tư công năm 2024 giải ngân chậm hơn so với năm 2023. Một trong những lý do của sự chậm trễ này là các doanh nghiệp và dân cư đang chờ đợi cơ chế giá mới về đất để đền bù giải phóng mặt bằng theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8, tức là giá đất phải được hình thành theo nguyên tắc thị trường.

Sự chờ đợi này khiến cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng năm nay gặp khó khăn lớn. Nhiều địa phương năm ngoái rất thành công trong việc giải ngân đầu tư công như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng…, thì năm nay vướng mắc bởi nguyên nhân chờ đợi giá mới giải phóng mặt bằng cho cả các dự án đầu tư công và các dự án tư nhân có liên quan đến đất đai, mặt bằng kể cả đầu tư nhà ở lẫn khu công nghiệp, các dự án về giao thông đường bộ. Trong đó, ở các nhánh của đường bộ cao tốc Bắc - Nam đều gặp vướng mắc tương tự.

Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn nếu được ban hành và thực hiện vào ngày 1/8/2024 là một điểm sáng vô cùng quan trọng cho việc phục hồi kinh tế nói chung và ổn định kinh tế vĩ mô nói riêng. Đây là những luật và nghị định có tác động lan toả rộng lớn đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, kể cả khu vực tài chính ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ, du lịch, giao thông - vận tải, đặc biệt là ngành xây dựng. Ba luật trên cũng là một trong những động lực thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân tín dụng ngân hàng và vượt qua thời kỳ đóng băng của thị trường bất động sản.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài, kể cả trực tiếp và gián tiếp đánh giá rất cao việc rút ngắn thời hiệu hiệu lực của 3 luật trên tạo lòng tin để các nhà đầu tư mở rộng đầu tư cho sản xuất - kinh doanh và quay lại thị trường chứng khoán một cách tích cực.

Một số chính sách quan trọng khác

Chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục nới lỏng, linh hoạt nhằm giảm lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp, kể cả trong sản xuất - kinh doanh và thị trường bất động sản. Sáu tháng cuối năm 2024 vẫn tiếp tục duy trì chính sách giãn, hoãn, giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp nhằm tiếp tục bơm tín dụng vào nền kinh tế. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng các tháng gần đây đã chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt 6% trong 6 tháng đầu năm và dự báo sẽ vượt 15 - 16%. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì tỷ giá hối đoái ổn định và giảm mạnh chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế. Các biện pháp này mặc dầu chưa thật bền vững nhưng bước đầu cho thấy tác động tích cực nhằm củng cố lòng tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế về khả năng kiểm soát kinh tế vĩ mô của Chính phủ như kế hoạch đã được Quốc hội phê chuẩn, đó là lạm phát dưới 4,5%, đồng Việt Nam mất giá dưới 5% và thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định.

Chính sách tài khoá tiếp tục được cải thiện, đặc biệt là thu ngân sách vẫn tăng trên thực tế. Thâm hụt ngân sách vẫn được đảm bảo như mức Quốc hội đã phê chuẩn và tỷ lệ nợ công trên GDP khá ổn định, kỷ cương kỷ luật tài chính, thuế có những chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán vẫn có tốc độ tăng tương đối khả quan so với năm ngoái, mặc dù các nhà đầu tư ngoại bán ròng khối lượng lớn nhưng các nhà đầu tư nội địa đã thay thế một cách ngoạn mục

Các chính sách khác có liên quan đến thương mại và công nghiệp cũng sẽ có những tác động tích cực, đặc biệt là các chính sách về chuyển đổi năng lượng trên nền tảng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đang từng bước phát huy tác dụng. Nhiều dự án đầu tư chuyển đổi năng lượng của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đang được xây dựng và từng bước thực hiện nhằm đảm bảo sự ổn định mạng lưới điện như công trình đường dây 500 KV Quảng Bình Hưng Yên sẽ tạo ra hiệu ứng rất tích cực cho đầu tư sản xuất - kinh doanh tại đồng bằng Bắc bộ.

Thương mại quốc tế cũng được phục hồi khá tốt trên cơ sở các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký. Bất chấp những khó khăn về địa chính trị, quan hệ thương mại của Việt Nam với các đối tác lớn vẫn tiếp tục ổn định và tăng trưởng. Thặng dư thương mại quốc tế vẫn tiếp tục tăng ngay cả trong điều kiện nhập khẩu tăng cao. Điều này cho thấy Việt Nam đã tận dụng khá tốt sự phục hồi của thương mại quốc tế ngay cả trong điều kiện có xung đột ở một vài khu vực.

Tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu và nhập khẩu khá ấn tượng, dự đoán cả năm khoảng 17%. Bên cạnh đó, tốc độ phục hồi của thị trường nội địa cũng khá tốt so với năm ngoái với tổng giá trị thương mại nội địa tiếp tục tăng dự báo khoảng 7 - 8% cả năm. Điều này có thể giúp cho đầu tư tư nhân hiện đang rất thấp (6 tháng đầu năm chỉ tăng 4,5%) sẽ phục hồi tốt hơn vào quý III và quý IV năm nay cùng với sự phục hồi của thị trường bất động sản, cầu nội địa, cầu quốc tế.

Cơ hội từ phát triển xanh

Chiến lược giảm phát thải khí nhà kính vẫn đang được Chính phủ và các doanh nghiệp triển khai khá khẩn trương. Các bộ chức năng đang sửa đổi lại Nghị định 06 của Chính phủ nhằm tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc chuyển đổi kinh tế xanh, tài chính xanh, kinh tế tuần hoàn. Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang ngày càng quan tâm đến các dự án chuyển đổi năng lượng, công nghệ mới, vật liệu mới và đặc biệt là tín chỉ hấp thụ các-bon rừng.

Một số dự án giảm phát thải khí nhà kính đang từng bước được triển khai với quy mô khá lớn như là dự án Bioga với 170.000 tấn CO2; dự án 1 triệu ha lúa xanh, sạch Đồng bằng sông Cửu Long; dự án chuyển đổi giao thông sạch như xe điện của Vinfast; dự án thương mại tín chỉ các-bon rừng 6 tỉnh Bắc Trung Bộ và sắp tới là 11 tỉnh Nam Trung Bộ đã tạo ra những thay đổi tích cực về quyền lợi và trách nhiệm của các doanh nghiệp và người dân trong việc giảm phát thải khí nhà kính nhằm đạt được mục tiêu NET ZERO vào năm 2050.

Bộ Tài chính cũng đang tích cực soạn thảo đề án về xây dựng và quản trị sàn giao dịch các-bon quốc gia với phương châm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, chủ rừng có thể thực hiện các giao dịch về mua bán và chuyển nhượng tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế.

Tất cả những chính sách nói trên đang tạo ra sự quan tâm rất lớn của nhiều doanh nghiệp, các chủ rừng với kỳ vọng có thu nhập thoả đáng trong việc giảm phát thải khí nhà kính và bán chứng chỉ hấp thụ các-bon rừng để có thu nhập lớn hơn nhiều so với phí bảo vệ rừng hiện nay. Đồng thời, tạo ra sinh kế bền vững trên cơ sở đó phục hồi và phát triển rừng mưa nhiệt đới của Việt Nam và trở thành nguồn thu nhập quan trọng trong tương lai đối với ngành nông nghiệp. Quan trọng hơn cả, đó là việc phát triển rừng đa dạng sinh thái, sinh kế và sinh thuỷ, góp phần đắc lực vào việc duy trì sinh thái và sinh kế ở hạ nguồn các con sông ở Việt Nam.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục