Tiền rẻ tiếp tục hỗ trợ thị trường
Trong năm 2023, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 4 lần giảm lãi suất điều hành đã trở thành động lực chính cho sự hồi phục của thị trường chứng khoán. Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên cuối năm (29/12/2023) ở mức 1.129,93 điểm, tăng 12,2% so với cuối năm 2022. Vốn hoá toàn thị trường về cuối năm đạt gần 6 triệu tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm, tương đương gần 30 tỷ USD.
Hiện tại, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng quốc doanh đang ở mức thấp kỷ lục trong khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, dao động quanh mức 4,8%/năm, thấp hơn cả thời kỳ Covid-19. Với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5% (tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ) trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam còn nhiều khó khăn, giới phân tích cho rằng, Chính phủ sẽ tập trung mọi nguồn lực cho tăng trưởng, trong đó có việc duy trì mức lãi suất thấp.
Tại một diễn đàn gần đây, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Chứng khoán, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital nhận định, với tốc độ phục hồi kinh tế tương đối yếu như hiện tại, lạm phát không phải vấn đề đáng ngại. Do đó, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vẫn còn.
“Dragon Capital tin rằng, lãi suất Việt Nam tiếp tục có một nhịp giảm nữa trong vòng 4 - 5 tháng tới. Dù lãi suất hiện tại đã thấp kỷ lục, nhưng kỷ lục sẽ bị phá. Chỉ cần Fed có một lần giảm lãi suất, Việt Nam sẽ có nhịp giảm tiếp theo”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Tại Hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, diễn ra sáng 20/2, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin, đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Đến ngày 31/1/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục xu hướng giảm.
“Một trong những giải pháp trong năm 2024 được Ngân hàng Nhà nước đề xuất là khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế”, bà Hồng nhấn mạnh.
Chính sách tài khoá mở rộng được duy trì
Năm 2023, GDP Việt Nam chỉ đạt 5,05% (thấp hơn kế hoạch 6 - 6,5%), nguyên nhân chính là do sự suy giảm của các động lực tăng trưởng truyền thống như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và đầu tư tư nhân.
Sang năm 2024, trong khi ưu tiên mọi nguồn lực cho tăng trưởng, bên cạnh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, Chính phủ chủ trương kéo dài chính sách tài khoá mở rộng nhằm hỗ trợ tiêu dùng nội địa và đầu tư tư nhân, trong bối cảnh xuất khẩu chưa thể phục hồi nhanh do tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới đang chậm lại.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, năm 2024, Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp kích cầu tiêu dùng và đầu tư tư nhân mà không quá lo về lạm phát. Lạm phát thế giới đã đi qua vùng đỉnh, còn lạm phát ở Việt Nam có thể kiểm soát tốt theo mục tiêu đề ra bằng cách kiềm chế áp lực tăng giá của lương thực - thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng - hai nhóm gây ra hơn 70% nguyên nhân lạm phát năm 2023.
Hiện tại, theo ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhóm chính sách tài khóa nới lỏng đã triển khai từ năm 2022, 2023 đang bắt đầu tạo ra sự lan tỏa trong nền kinh tế. Chính sách giảm thuế VAT 2% sẽ được áp dụng đến hết tháng 6/2024 để kích cầu tiêu dùng trong nước. Đầu tư công vẫn đang được triển khai quyết liệt nhằm tạo ra nguồn “vốn mồi” hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tính đến ngày 31/12/2023, vốn đầu tư công giải ngân đã đạt 568.136 tỷ đồng, tương đương 85,7% kế hoạch. Dự kiến đến hết ngày 31/1/2024, (thời điểm cuối cùng thanh toán vốn đầu tư công năm 2023) sẽ giải ngân được ít nhất 95% kế hoạch vốn, hoàn thành mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, đạt tỷ lệ và khối lượng cao nhất từ trước đến nay.
Năm nay, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%. Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ chiều ngày 1/2/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, tháng 1/2024, số giải ngân đầu tư công thực tế đạt 16.900 tỷ đồng, tương đương đạt 2,58% kế hoạch năm, cao hơn cùng kỳ cả về con số tuyệt đối và tốc độ tăng trưởng (với 12.800 tỷ đồng, tăng trưởng 1,8%).
Theo ông Trung, năm 2024, về cơ bản, các dự án đầu tư công, dự án quan trọng quốc gia, có tính lan toả, liên kết vùng đã hoàn thành thủ tục, làm cơ sở cho kỳ vọng tỷ lệ giải ngân đạt kết quả cao.
“Đặc biệt, các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thể chế, thị trường… được kỳ vọng sẽ giải quyết nhiều vướng mắc, khó khăn cho các dự án đầu tư công”, ông Trung nói.
Chờ hiệu ứng “hạ cánh mềm” thị trường trái phiếu, bất động sản
“Bong bóng” nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ xuất hiện năm 2022, sau khi các vụ việc vi phạm lớn bị phát hiện và truy tố như vụ Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát – SCB, dẫn đến mối lo ngại về sự đổ vỡ dây chuyền của thị trường này trong năm 2023. Tuy nhiên, với các quyết sách kịp thời và linh hoạt của Chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã ấm lên từ tháng 6/2023 và được cho là đã “hạ cánh mềm” trong năm 2023.
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, trong năm 2023, có 81 doanh nghiệp phát hành trái phiếu, với khối lượng 269.500 tỷ đồng. Con số này tuy còn cách xa mức đỉnh 782.000 tỷ đồng của năm 2021 song là dấu hiệu tích cực.
Năm 2024, mặc dù lượng trái phiếu đáo hạn khá lớn, nhưng Fiingroup cho rằng, do thị trường đã thích nghi tốt trong thời gian qua nên về cơ bản, sẽ không ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường. Tổ chức này lạc quan về việc thị trường có thể vượt qua được giai đoạn khủng hoảng nhờ sự chuẩn bị kỹ càng của các bên liên quan.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia kinh tế cho rằng, những vấn đề của thị trường trái phiếu thời gian qua đã được cơ quan chức năng nhận diện, vấn đề còn lại chỉ là xử lý.
“Khi những sai phạm được xử lý dứt điểm, niềm tin trên thị trường trái phiếu sẽ phục hồi. Ngoài ra, việc Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) hôm 18/1/2024 được kỳ vọng sẽ xử lý được vấn đề sở hữu chéo, qua đó củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp”, ông Lạng nêu quan điểm.
Trong báo cáo triển vọng thị trường vốn Việt Nam năm 2024 vừa công bố, FiinRatings ước tính, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm nay khoảng 234.000 tỷ đồng, tăng 6,47% so với năm 2023. Hiện các doanh nghiệp bất động sản niêm yết đang đẩy mạnh việc phát hành cổ phiếu để trả nợ trái phiếu, nếu thành công thì đây sẽ là một cú huých đáng chú ý cho cả thị trường bất động sản lẫn thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024.
Việc Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản vừa được Quốc hội thông qua và những kết quả bước đầu của việc tháo gỡ khó khăn pháp lý cho các dự án bất động sản cũng được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng tích cực đối với thị trường bất động sản cũng như các doanh nghiệp trong ngành.