Những ‘chiến binh thầm lặng’ tạo nên chuyện khó tin châu Phi

Ngoài những “chiến binh” Việt Nam vững vàng bám trụ để điều hành tại quốc gia Đông Phi lúc bất ổn chính trị, nhiều nhân viên Burundi cũng góp công rất lớn trong việc đảm bảo dịch vụ viễn thông luôn thông suốt.
Ông Nguyễn Anh Sơn xuống tuyến để hướng dẫn những nhân viên Burundi nghiệp vụ. Ông Nguyễn Anh Sơn xuống tuyến để hướng dẫn những nhân viên Burundi nghiệp vụ.

Đó là những người hùng đưa Lumitel tới danh hiệu “Nhà mạng tốt nhất thế giới” tại WCA 2016.

‘Khi người dân cần, chúng tôi phải đáp ứng tốt nhất’

Năm 2014, lúc Lumitel (công ty con của Viettel tại Burundi) mới khai trương, trong suốt mấy tuần chính trị bất ổn nhất, Pascal Nsengiyumva - nhân viên kinh doanh của công ty này, chưa một ngày nghỉ việc. Chàng trai độc thân 31 tuổi, cử nhân chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Tiếng Anh và Văn học, luôn tất bật với công việc giao hàng.

Pascal chia sẻ: “Dù chính trị có thể biến động nhưng ai cũng phải ăn, uống và giao tiếp, liên lạc với nhau qua điện thoại. Khi người dân Burundi cần, chúng tôi phải đáp ứng nhu cầu của họ tốt nhất. Nếu làm tốt điều đó, khách hàng sẽ đến với Lumitel nhiều hơn”.

"Ở giai đoạn khó khăn, chỉ khi đồng hành cùng khách hàng, cùng nhân dân Burundi thì chúng ta mới có cơ hội thành công. Mọi người cần Lumitel, và chúng ta phải có trách nhiệm với khách hàng. Công ty có thành công thì các bạn mới thành công, và các bạn đóng góp cho chính đất nước của các bạn chứ không phải ai khác".

- Ông Nguyễn Anh Sơn, 

Tổng giám đốc Viettel Burundi.

Sau 1 tháng cung cấp dịch vụ, công ty con của Viettel tại quốc gia Đông Phi đã đạt gần 1 triệu khách hàng. Đây là con số khó tin trong bối cảnh chính trị nước này đang trong giai đoạn bất ổn, hầu hết các hãng viễn thông khác đều gián đoạn hoạt động, hạ tầng không đảm bảo vì cáp, trạm BTS liên tục bị cắt, phá.

Thế nhưng, điều tạo nên khác biệt giúp Lumitel vẫn hoạt động bình thường là những nhân viên như Pascal. Họ là những người Burundi mưu trí, kiên định với mục tiêu đảm bảo dịch vụ vẫn được cung cấp bình thường đến khách hàng.

Kiên trì bám trụ để liên lạc thông suốt

Nếu như Pascal là nhân viên kinh doanh đảm bảo cho hệ thống bán hàng hoạt động thông suốt thì Uwimana Bienvenu là một trong những chuyên viên kỹ thuật điển hình giúp cho hạ tầng mạng không bị gián đoạn. Người Burundi này từng bị người biểu tình bắt giữ trong khi đi ứng cứu, nối lại các tuyến cáp bị đứt, trạm BTS bị đập phá…

Những ‘chiến binh thầm lặng’ tạo nên chuyện khó tin châu Phi

“Chúng tôi làm việc vì khách hàng chứ không vì phe phái nào” -Bienvenu.

Uwimana cho biết: “Có những khu vực, cáp viễn thông của Lumitel bị cắt đi cắt lại. Cứ sửa xong, nối được cáp thì hôm sau cáp lại bị cắt, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì bám trụ, cố gắng sửa chữa nhanh nhất để đảm bảo liên lạc thông suốt cho khách hàng”.

Chuyên viên kỹ thuật người Burundi nói thêm, anh làm việc vì khách hàng chứ không thuộc phe phái nào. Trong khi các hãng khác không thể đảm bảo liên lạc thông suốt thì Lumitel thực sự gây ấn tượng khi giúp khách hàng duy trì kết nối ổn định.

Sinh ngày 1/7/1984 (đúng ngày độc lập của Burundi) - thanh niên này thể hiện một tình yêu mãnh liệt với công ty mình mới gia nhập bởi một lý do rất đơn giản: “Các bạn Việt Nam không bỏ Burundi thì chúng tôi sẽ không bỏ Lumitel”.

Tự hào góp sức kết nối mọi miền Burundi

Tổng giám đốc Lumitel - ông Nguyễn Anh Sơn thì chia sẻ thêm 2 tấm gương người bản địa là đội trưởng đội xe và một lái xe từng là quân nhân. “Cậu lái xe từng là lính nên có tinh thần thép giống như những người Việt Nam đến đây”, ông Sơn nhận xét.

Trong suốt thời gian biểu tình, 2 nhân viên này vẫn lái xe chở người Lumitel ở những nơi khó khăn đi làm, đưa hàng hoá đi tỉnh. Thời gian đó, gần như trọng trách chuyển sim thẻ, điện thoại từ kho công ty đi tỉnh được giao cho Clever (nhân viên lái xe).

Những ‘chiến binh thầm lặng’ tạo nên chuyện khó tin châu Phi

Lionel - Đội trưởng đội xe của Lumitel (người bên phải ảnh) chia sẻ: “Khi người dân Burundi cần, chúng tôi phải đáp ứng nhu cầu của họ tốt nhất”.

Với Lionel, anh không chỉ là Đội trưởng đội xe của Lumitel mà còn kiêm luôn nhân viên nối cáp. “Hồi xưa, tôi chỉ giỏi máy móc xe cộ thôi. Giờ tôi thấy mình cũng học hỏi được nhiều thứ mới. Mỗi một chuyến đi với tôi bây giờ là một lần được biết các mảng công việc khác nhau của đồng nghiệp, như bán hàng, nối cáp, chăm sóc khách hàng thế nào…”, Lionel chia sẻ.

Đội trưởng đội xe Lumitel cho biết, anh có thể tự nối cáp hỗ trợ, đảm bảo thông kết nối trong khoảng 1 tiếng, dù không thuần thục bằng nhân viên kỹ thuật. Anh cho biết, cách làm việc lăn xả, quyết liệt của người Việt Nam đã ảnh hưởng tới nhiều nhân viên Burundi và Lionel là một trong trong số đó. Đội trưởng đội xe của Lumitel nói rằng, anh thích được làm thử việc nối cáp, để hỗ trợ được đồng nghiệp khi cần kíp.

Lionel chia sẻ, anh rất tự hào khi được góp phần thực hiện khát vọng đem viễn thông kết nối mọi miền ở Burundi. Bởi chỉ sau 1 năm, Lumitel đã phủ sóng hoàn toàn cáp viễn thông đến từng huyện, kể cả vùng sâu vùng xa, đứng đầu về mạng lưới, kết nối 3G... Đây là điều mà những công ty viễn thông trước Lumitel chưa làm được.

Đó là câu chuyện về những con người kiên cường phía sau Giải thưởng “Nhà mạng tốt nhất thế giới” tại các thị trưởng mà Lumitel nhận được tại London (Anh) trong khuôn khổ Giải thưởng truyền thông thế giới (WCA) 2016. Ban giám khảo có thể thấy những con số ấn tượng như chỉ sau 1 năm Lumitel vươn lên vị trí số 1 và hiện có 46% thị phần tại Burundi với 1,5 triệu thuê bao. Thế nhưng, họ không thể biết được những người bản địa Burundi và “chiến binh” Việt Nam đã “chiến đấu” thực sự như thế nào trong bối cảnh quốc gia châu Phi lâm vào bất ổn chính trị.


Theo Vietnamnet

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục