Những câu hỏi dành cho Duyên hải miền Trung

Là một khu vực có vị trí địa kinh tế quan trọng và có tính chiến lược của đất nước, đồng thời có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển, nhưng vì sao Duyên hải miền Trung vẫn là một khu vực kinh tế kém phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, vất vả? Phải làm gì để xây dựng khu vực này phát triển năng động, nhanh và bền vững?
Những câu hỏi dành cho Duyên hải miền Trung

Những câu hỏi đó đã góp phần làm nóng thêm bầu không khí thảo luận vốn đã được “hâm nóng” sẵn bởi tiết hè oi ả đặc trưng của miền Trung. Gần 200 cử tọa tham dự Diễn đàn Phát triển bền vững khu vực duyên hải miền Trung do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức ngày 3/6/2014 tại Hội An (Quảng Nam), dù đã mướt mồ hôi, nhưng dường như vẫn chưa thể xới xáo được hết mọi vấn đề để thực sự có được những “phương thức tiếp cận mới” như mong muốn của Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng – người đồng Chủ trì Diễn đàn.

Đối với 9 tỉnh duyên hải miền Trung có tên trong Diễn đàn, nơi mà thiên tai luôn rình rập, nơi có hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém, thiếu đồng bộ và tỷ lệ hộ nghèo cao hơn gấp đôi mức bình quân của cả nước, một phần nguyên nhân do tổng mức đầu tư phát triển thấp hơn nhiều so với miền Bắc và miền Nam, theo đánh giá của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thì rõ ràng, cách sử dụng hiệu quả dòng “tiền vào nhà khó” không phải là bài toán hóc búa duy nhất cần được giải.

Cả 9 tỉnh (bao gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) đều có chung nguyện vọng được Chính phủ và các đối tác phát triển quan tâm hỗ trợ đầu tư cho cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội để giải quyết những thách thức cũng khá tương đồng, như ứng phó và giảm nhẹ hậu quả thiên tai, xóa đói giảm nghèo, phát triển giao thông, cải tạo cửa biển, nâng cao an toàn hồ chứa, sử dụng hiệu quả nguồn nước…

Tuy nhiên, theo đánh giá của đồng Chủ trì Diễn đàn, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, trong bối cảnh nguồn lực cho đầu tư phát triển còn thiếu thốn, việc xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các tỉnh trong vùng để bổ trợ, thúc đẩy lẫn nhau là giải pháp quan trọng. “Để nâng cao sức cạnh tranh và tính bền vững của cả vùng, các địa phương cần chung sức giải quyết những thách thức đặt ra”, bà Kwakwa khuyến nghị.

Đồng quan điểm với bà Kwakwa, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố các cơ chế phối hợp vùng nhằm thúc đẩy một cách tiếp cận hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội vùng. Cơ chế phối hợp hiệu quả sẽ thúc đẩy hợp tác và thúc đẩy các hành động chung nhằm giúp giải quyết các vấn đề như phát triển hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên phát triển đường giao thông ven biển. “Đây là một điểm rất quan trọng”, ông Tomoyuki Kimura nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong phát triển kinh tế - xã hội thì hạ tầng đóng vai trò cốt lõi và cần đi trước một bước. Vì vậy, cần tìm ra những phương thức mới để tối ưu hóa các nguồn lực và kết nối các địa phương trong vùng cùng hỗ trợ nhau phát triển. “Trong nỗ lực tập trung hành động của toàn vùng duyên hải miền Trung, mục tiêu hàng đầu là kết nối cơ sở hạ tầng các tỉnh”, ông Dũng phát biểu.

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, các tỉnh duyên hải miền Trung có những lợi thế riêng và đã biết kết hợp lại để phát huy sức mạnh cả vùng, mà để kết nối được một cách hiệu quả thì “quan trọng nhất là phát triển hạ tầng giao thông - vận tải”.

Ông Phạm Như Sô, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng cho rằng, nếu kết nối được hệ thống hạ tầng thì “chắc chắn miền Trung sẽ có sự thay đổi lớn”, bởi mặc dù nằm trải rất dài, nhưng cả duyên hải miền Trung hiện chỉ có một tuyến kết nối duy nhất là Quốc lộ 1, còn tuyến đường ven biển thì “tỉnh có, tỉnh không”.

Trên cơ sở đó, các đại biểu tham dự Diễn đàn đều có chung đánh giá về tính cần thiết phát triển một tuyến đường ven biển nhằm không chỉ phục vụ kết nối giao thông các tỉnh trong khu vực, mà còn giúp các địa phương ứng phó thiên tai và tái phân bố dân cư ven biển, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu quan trọng mà Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh là tăng cường bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Theo ông Phúc, việc đảm bảo liên kết vùng để triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch tổng thể vùng thông qua các biện pháp kết nối hạ tầng, tạo sự liên kết chặt chẽ về không gian kinh tế là một biện pháp cần được ưu tiên thực thi trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực đòi hỏi một nguồn đầu tư tài chính lớn, phân kỳ thực hiện phù hợp và khả thi theo các giai đoạn. Do đó, cần đưa ra được các chính sách, giải pháp huy động các nguồn tài chính với kế hoạch thực hiện cụ thể theo từng giai đoạn và cần xây dựng các chính sách, thể chế tạo điều kiện cho sự tham gia của chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, dân cư và đặc biệt là các đối tác phát triển.

Thu Hà
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục