Những cánh chim báo bão

(ĐTCK) Nhà đầu tư chứng khoán cần theo dõi sát những yếu tố nền tảng ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
Ảnh Dũng Minh

Sức ép lạm phát và nợ xấu

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm qua đã công bố biên bản họp ngày 16-17/3 của Ủy ban thị trường mở liên bang thuộc Fed (FOMC).

Có 2 điểm chính được nhấn mạnh, đó là Fed cam kết sẽ duy trì các chính sách về tiền tệ và tài khóa như hiện nay để hỗ trợ nền kinh tế và các chính sách này chỉ thay đổi khi các kết quả mà chính sách này hướng tới đạt được.

Cơ quan này đặc biệt lưu ý là những chính sách hiện nay sẽ chỉ được điều chỉnh dựa trên kết quả thực tế chứ không phải là những dữ liệu dự báo.

Cũng cần phải lưu ý rằng, dự báo mức tăng trưởng GDP của nền kinh tế Mỹ trong năm nay sẽ vào khoảng 6,5%, cao hơn đáng kể so với mức dự báo 4,2% hồi tháng 12 năm ngoái.

Fed cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ giảm xuống mức 4,5% vào cuối năm nay và tỷ lệ lạm phát dự kiến sẽ ở mức 2,2%, cao hơn so với mức thông lệ là 2%.

Việc Mỹ và nhiều quốc gia khác duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng rõ ràng là một mối quan ngại đối với Việt Nam.

Tại cuộc họp báo của Tổng cục Thống kê (GSO) hôm 29/3, bà Vũ Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Thổng cục Thống kê) cho biết, dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2021 của Việt Nam chỉ tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất trong quý I trong 20 năm qua, nhưng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay là không hề dễ dàng.

Bà Oanh lý giải, mối quan ngại nói trên là do Mỹ và các quốc gia trong khu vực tung ra nhiều gói kích thích kinh tế và giá dầu thô thế giới có xu hướng tăng mạnh.

Theo tính toán, nếu giá dầu thô trung bình khoảng 60 USD/thùng thì CPI năm 2021 sẽ tăng thêm 0,9%.

Một khi nguy cơ lạm phát gia tăng thì Ngân hàng Nhà nước sẽ phải thi hành chính sách tiền tệ thận trọng, có kiểm soát, để đảm bảo sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán.

Đó là chưa nói tới việc lợi nhuận của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay là chưa thực chất, chưa phản ánh đúng tình hình sức khỏe của các ngân hàng.

Điều này được chứng thực bằng việc bất chấp việc các ngân hàng thương mại trong nước liên tiếp công bố những kết quả kinh doanh lạc quan trong thời gian qua, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn phải ra Thông tư 03/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Ngoài việc hỗ trợ khách hàng của các nhà băng thì đây cũng là động thái để giảm sức ép về nợ xấu có nguy cơ dềnh lên nhanh tại các ngân hàng thương mại.

Doanh nghiệp vật lộn với khó khăn

Hiện tại, dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn ra phức tạp. Các quốc gia trên thế giới như Pháp, Đức, Ấn Độ v.v… đang phải hứng chịu một làn sóng bùng phát mới của đại dịch này. Trong khi đó, thế giới vẫn chưa có đủ vaccine để triển khai tiêm rộng rãi cho toàn bộ người dân.

Tại Việt Nam, nguy cơ Covid-19 vẫn đang rình rập. Việt Nam đã rất thành công trong việc dập dịch trong hơn 1 năm qua, đây là một điểm cộng lớn đối với chúng ta. Tuy nhiên, một điểm trừ đối với Việt Nam hiện nay là vaccine Covid-19 vẫn chưa sẵn sàng, số vaccine nhập khẩu về chỉ là ‘muối bỏ bể’ so với nhu cầu thực tế.

Không cần phải nói nhiều tới việc Covid-19 đã ảnh hưởng lớn thế nào đến kinh tế thế giới và Việt Nam trong thời gian qua, chỉ cần nhìn vào tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý đầu năm nay cũng thấy rõ.

Theo số liệu công bố của GSO, GDP quý I/2021 của Việt Nam chỉ tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, con số này vẫn cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020. Mức tăng này là đáng khích lệ nếu đặt trong bối cảnh nhiều nền kinh tế khác đang có mức tăng trưởng âm. Tuy nhiên, nó còn xa mới đạt tới mức tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam.

Một con số thống kê khác cũng cho thấy tình hình kinh doanh của không ít doanh nghiệp Việt vẫn hết sức khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Số liệu của GSO cho hay, trong quý I/2021, có 40,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có 13,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2021 cho thấy vẫn còn có có tới 31,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn so với quý IV/2020. Trong khi đó dự kiến quý II/2021 so với quý I/2021 có 14,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Những yếu tố trên cho thấy, nền tảng để kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam có sự cải thiện đáng kể trong năm 2021 so với năm 2020 là không vững chắc. Trong khi đó, kết quả kinh doanh là một yếu tố quan trọng phản ánh vào giá trị của doanh nghiệp và từ đó là giá trị của cổ phiếu.

Vũ Sơn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục