Những cái “nhất” của cổ phiếu trên OTC

LVBank là cổ phiếu được giao dịch sôi động nhất; trong khi giá cổ phiếu Sabeco tăng giá tốt nhất trong thời gian qua...

Theo thống kê dữ liệu từ Sanotc được Vinacorp tổng hợp lại, một số cổ phiếu OTC hiện đang được giao dịch khá mạnh, hoặc được nhà đầu tư chú ý chứ không hề “đóng băng” như nhiều người vẫn tưởng. Có chăng là sự kém sôi động hơn do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế và sự hạn chế của dòng tiền đối với chứng khoán.

Nhưng vẫn có những dòng tiền dài hạn âm thầm chảy vào thị trường này, tìm kiếm những cổ phiếu tốt hoặc sắp lên sàn để “rót vốn”. Có thể coi đây là một số Blue chips trên OTC – thị trường mà dòng tiền đang ngầm chảy dưới tảng băng chung.

 

Cổ phiếu giao dịch sôi động nhất (LVBank)

Đã tròn 1 năm sau ngày sáp nhập NHTM CP Liên Việt với Công ty Tiết kiệm Bưu điện, đối tên thành NHTMCP Bưu điện Liên Việt và nâng vốn điều lệ của Ngân hàng sau sáp nhập lên 6460 tỷ đồng, trở thành một trong 15 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống, cùng Agribank là 1 trong 2 ngân hàng có nhiều chi nhánh nhất, trải rộng 64 tỉnh thành với hơn 13000 chi nhánh. Năm 2011, Liên Việt Post Bank báo lãi 1100 tỷ, tổng tài sản hơn 56000 tỷ đồng.

Xếp sau LVBank lần lượt là các cổ phiếu ngân hàng: NH Đông Á, Phương Đông, Nam Á… Điều này là dễ hiểu vì các ngân hàng có số lượng cổ phiếu lưu hành lớn và luôn là đối tượng ưu tiên mua bán của NĐT. Từ đầu năm đến nay, giá của cổ phiếu Liên Việt đã tăng từ mức giá khoảng 8.000đồng/cp và hiện đang được giao dịch quanh mức 10.000 đồng.

 

Cổ phiếu tăng giá tốt nhất (Sabeco)

Sabeco cũng là một cái tên rất được NĐT chú ý trên OTC. Tuy khối lượng cổ phần của Sabeco do NĐT cá nhân nắm giữ không nhiều (Bộ công thương nắm giữ gần 90% cổ phần tại Sabeco) nhưng với vốn điều lệ lớn (hơn 6413 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 9500 tỷ) và chưa có đối tác chiến lược, giao dịch của Sabeco vẫn khá sôi động.

Sabeco cũng là một đại gia có kết quả kinh doanh rất ấn tượng. Năm 2011, doanh thu của Sabeco nằm trong số ít doanh nghiệp chạm mức “tỷ đô”, đạt 22.313 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2996 tỷ đồng; nắm giữ 51% thị phần tiêu thụ bia tại Việt Nam với sản lượng 1,2 tỷ lít.

Việt Nam được đánh giá là 1 trong 3 nước có lượng tiêu thụ bia nhiều nhất châu Á và thị trường bia vẫn tăng trưởng trên 15%/ năm. Sở hữu nhiều thương hiệu bia lớn (333, bia Sài Gòn…) và chi phối 51% thị trường bia Việt Nam, không quá khó hiểu về mức giá 5x của Sabeco đang được thị trường chấp nhận.

Đáng chú ý là giá của Sabeco đã tăng khá mạnh trong thời gian gần đây dù không có nhiều thông tin chính thức, từ mức giá dao động trong khoảng 31.000-32.000 đồng/cp hồi giữa tháng 7, những ngày gần đây đã có những giao dịch chấp nhận Sabeco với mức giá 50.000 đồng/cp (dữ liệu từ Sanotc).

 

Cổ phiếu được NĐT tìm kiếm nhiều nhất (Bảo vệ thực vật An Giang)

Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) cũng là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp (thuốc bảo vệ thực vật, cung cấp các giống cây trồng và các sản phẩm liên quan).

Liên tục trong nhiều năm liền, AGPPS thu được nhiều kết quả kinh doanh tích cực. Riêng năm 2011, AGPPS đạt doanh thu 4869 tỷ đồng, tăng 19.9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 104,5% kế hoạch. Mạng lưới phân phối gồm 25 chi nhánh và gần 500 đại lý cấp 1 trên khắp cả nước.

Gần đây, AGPPS đang thu hút sự chú ý của dư luận và NĐT khi xảy ra bất đồng giữa các cổ đông lớn về các dự án đầu tư lớn, trong đó có đầu tư mạnh cho lĩnh vực nông nghiệp và xuất khẩu gạo với chương trình cánh đồng mẫu lớn.

Các cổ đông lớn là các quỹ đầu tư Vinacapital Vietnam Holding, Duxton, chiếm tỷ lệ sở hữu 37% cổ phần đã bỏ phiếu phủ quyết mọi vấn đề trong đại hội cổ đông thường niên 2012 của AGPPS. Sự bất đồng trong điều hành này là do các quỹ trên cho rằng: Đầu tư vào lĩnh vực xuất khẩu gạo với chương trình cánh đồng mẫu lớn không phải là thế mạnh của AGPPS.

Do đó, dù mô hình cánh đồng mẫu lớn của AGPPS đã khá thành công nhưng để dành được sự đồng thuận của các cổ đông, đặc biệt là các cổ đông nước ngoài sẽ cần một thời gian dài. Có thời điểm, cổ phiếu của AGPPS được giao dịch trên OTC với mức giá trên 54.000 đồng/cp, trước khi “rơi” xuống mức 48.000 đồng (thời điểm 20/8).

 

Cổ phiếu có mức cổ tức bằng tiền cao nhất

CTCP Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online) xứng đáng không chỉ là công ty có mức cổ tức bằng tiền mặt cao nhất trên OTC mà còn cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp có mức cổ tức cao trên 2 sàn niêm yết (HGM năm 2011 cũng chỉ trả cổ tức 80%, CNG trả cổ tức 60% đều bằng tiền mặt).

Năm 2011, FPT Online đạt 188 tỷ đồng LNST, EPS đạt hơn 18.000 đồng.

Mức cổ tức mà FPT Online trả trong năm 2011 là 100% (1 cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu của FPT Online được nhận 10.000 đồng cổ tức). Mức giá của FPT Online trên OTC luôn đứng trên 5x.

 

Lời kết:

Trong thời buổi khó khăn, nhiều công ty niêm yết cho rằng bản thân họ phải chịu thiệt thòi khi giá cổ phiếu chịu ảnh hưởng tiêu cực chung của thị trường. Điều này khiến nhiều công ty, kể cả các “đại gia” không khỏi có những rụt rè khi bước chân vào sân chơi chuyên nghiệp mà vẫn chấp nhận làm những “người khổng lồ” ở thị trường OTC.

Vẫn có một số sân chơi dành cho các cổ phiếu này, nhưng để đạt được tính thanh khoản cao như các cổ phiếu niêm yết vẫn còn một lộ trình dài. Điều này phụ thuộc rất lớn vào mức độ công bố thông tin cũng như sự minh bạch hóa của chính các doanh nghiệp này.

Sắp tới khi Thông tư số 52/2012/TT-BTC được thi hành một cách nghiêm túc, mức độ minh bạch hóa của các Doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ được nâng cao thành một chuẩn mực mới. Và khi đó, 1 dòng vốn dài hạn biết đâu sẽ lại tìm đến những cổ phiếu tốt trên OTC như một nơi “trú bão” an toàn.

Bởi vẫn còn rất nhiều những công ty có kết quả kinh doanh tốt, mức trả cổ tức cao chưa niêm yết, và đặc biệt là không chịu ảnh hưởng tiêu cực chung như những cổ phiếu niêm yết nên mức độ biến động giá của các cổ phiếu này không nhanh và mạnh như những cổ phiếu niêm yết – những tiêu chí cần và đủ đối với những nhà đầu tư dài hạn.


Saigonnews

Tin cùng chuyên mục