Những bài học từ khủng hoảng TTCK Trung Quốc

(ĐTCK) Có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng của TTCK Trung Quốc hiện nay cho các TTCK non trẻ, trong đó có Việt Nam, để tạo lập thị trường phát triển ổn định và bền vững, tránh được rủi ro đứt gẫy đột ngột.
Những bài học từ khủng hoảng TTCK Trung Quốc

Bong bóng từ chính sách cho vay mua chứng khoán

Khi bình luận về diễn biến TTCK Trung Quốc thời gian gần đây, người ta chỉ trích nhiều về các chính sách cho vay mua cổ phiếu của nước này qua nhiều hình thức khác nhau và việc để nhiều NĐT nhỏ không hiểu biết về cổ phiếu tham gia thị trường. Đó được coi là nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng trưởng bất thường và sụp đổ không phanh của chứng khoán Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ sẽ thấy, các nhà lãnh đạo thiếu nhất quán trong điều hành chính sách mới dẫn đến sự mất kiểm soát trong việc cho vay mua cổ phiếu chính là tảng băng ngầm gây ra đổ vỡ trên TTCK Trung Quốc.

Tính từ đầu năm 2015, chứng khoán Trung Quốc mất gần 6 tháng để tăng 150% và chỉ cần 1 tháng để đưa nó về gần điểm xuất phát của đầu năm. Các số liệu thống kê cho thấy các khoản cho vay để mua chứng khoán đã tăng rất nhanh trong thời gian trước và trong năm 2015 (chẳng hạn, từ tháng 6 tới tháng 12/2014, quy mô cho vay mua chứng khoán tăng gấp 3 lần). Vì vậy, các khoản cho vay cổ phiếu đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích tăng giá mạnh những cổ phiếu đầu cơ và lôi kéo công chúng đầu tư nhỏ lẻ vào cuộc chơi.

Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) đã vượt qua ba công ty hàng đầu của Mỹ là JPMorgan, Facebook và Chevron trên phương diện quy mô vốn hóa thị trường.
China Merchants Bank chứng kiến giá trị vốn hóa thị trường của mình tăng mạnh trong ngày 13/4, lên 91 tỷ USD, vượt qua Barclays, Mitsubishi UFJ và Royal Bank of Canada.
Trung Quốc thí điểm việc cho vay để mua chứng khoán từ năm 2010, nhưng yêu cầu về mức tiền tối thiểu để mở tài khoản ký quỹ để vay chứng khoán là 500.000 Nhân dân tệ và phải có mở tài khoản ở CTCK ít nhất 18 tháng. Quy định này nhằm ngăn chặn những NĐT nhỏ và “tay ngang” đi vay vốn mua cổ phiếu kiếm lợi rồi rút ra nhanh. Tuy nhiên, đến năm 2013, một vài điều khoản này được cơ quan điều hành thị trường (CSRC) phát tín hiệu nới lỏng và một số định chế tài chính bắt đầu vượt rào trong chuyện cho vay mua chứng khoán. Tín dụng đổ vào thị trường cổ phiếu tăng nhanh.

Đến đầu năm 2015, CSRC lại quay qua thắt chặt hoạt động này, phạt một số CTCK và nhấn mạnh lại quy định NĐT cần phải có ít nhất 500.000 Nhân dân tệ và mức ký quỹ ban đầu là 50%. Khi việc này diễn ra, chỉ số chứng khoán Thượng Hải giảm ngay 7,7%, mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm vào thời điểm đó. Tuy nhiên, việc một số lãnh đạo Trung Quốc bày tỏ quan điểm ủng hộ thị trường cổ phiếu và các tờ báo chính thống nói tốt về thị trường lại khiến người dân tin là việc siết chặt của cơ quan điều hành là “làm cho có” và họ tin rằng, Chính phủ Trung Quốc sẽ vẫn hỗ trợ thị trường.

Thế là thị trường cổ phiếu tiếp tục leo dốc kể từ tháng 3 và các CTCK Trung Quốc đã tìm ra nhiều cách “lách” các điều khoản vay mua chứng khóaoán giúp NĐT. Mức độ cho vay để mua chứng khoán thông qua các sản phẩm của công ty tài chính và các định chế tài chính phi ngân hàng lại tăng nhanh.

Liên tục trong tháng 4 và tháng 6 năm nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và CSRC tiếp tục siết chặt hoạt động cung cấp tín dụng cho cổ phiếu, trong đó mạnh tay nhất là việc xem xét đặt trần mức cho vay mua chứng khoán và chấm dứt các hoạt động lách luật vay tiền ngoài hệ thống CTCK để mua cổ phiếu. Đây được xem là những tác nhân quan trọng kích nổ “quả bom” tín dụng cổ phiếu của nước này. Các NĐT tin vào Chính phủ đã hoàn toàn bị bất ngờ.

Theo dõi diễn biến chính sách ở Trung Quốc có thể thấy, cơ quan điều hành xoay vòng chính sách từ thận trọng với cho vay mua chứng khoán sang thoải mái, thả lỏng, rồi đột ngột quay sang thắt chặt.

Nhiều NĐT đã quá tự tin rằng, Chính phủ sẽ không mạnh tay với việc thắt chặt dòng tín dụng vào chứng khoán và bất ngờ với động thái của Chính phủ. Nếu thông điệp chính sách xuyên suốt và nhất quán từ đầu, NĐT và những tổ chức cho vay sẽ không bị bất ngờ như vậy. Chẳng hạn, nếu Chính phủ Trung Quốc mạnh tay ngay từ đầu với những trường hợp lách luật cho vay chứng khoán, quả bong bóng sẽ không bị thổi lên quá nhanh.

Quan chức không nên bình luận thị trường

Như đã nói ở trên, việc các quan chức bình luận về thị trường cũng khiến cho NĐT nhỏ lẻ mắc sai lầm là luôn tin rằng “Nhà nước sẽ giúp chứng khoán”.

Thị trường tài chính với hiệu ứng đám đông mạnh và hỗn loạn dẫn đến những phản ứng nằm ngoài ý chí của các chính trị gia. Những cam kết của quan chức, vì vậy có thể dẫn dắt sai thị trường và khiến họ mất uy tín. Khi đó, những kêu gọi bình ổn thị trường của họ lại càng không thể ổn định thị trường.

Do đó, nếu không thể kiểm soát được trò chơi tài chính của số đông, thì đừng cho họ bất kỳ lý do nào để ảo tưởng và vin vào lý do “vì Nhà nước đã nói như vậy”.

Không phải đầu tư mới cần chọn thời điểm, mà làm chính sách cũng cần

Một điều cũng ít được nhắc tới là thời điểm của chính sách thắt chặt tín dụng vào cổ phiếu ở Trung Quốc. Nó được thực thi với lộ trình quá ngắn. Việc đặt trần tín dụng cho cổ phiếu ngay trong năm 2015 khi mà nhiều tổ chức tài chính đã cho vay ra nhiều hơn mức này, tạo ra một hiệu ứng bán tháo cổ phiếu để trả tiền vay.

Chính sách kiểm soát tín dụng vào thị trường cổ phiếu tương tự cũng đã xảy ra ở Việt Nam, nên chúng ta cũng hiểu rõ những xáo trộn do chính sách này mang lại cũng như lợi ích dài hạn của nó là làm lành mạnh thị trường.

Vấn đề là ở Trung Quốc, chính sách này lại áp dụng quá chậm khiến bong bóng tín dụng và giá cổ phiếu đã phình quá to, nhưng lại áp dụng quá gấp vào thời điểm xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực của kinh tế Trung Quốc cũng như thế giới.

Những bài học từ khủng hoảng TTCK Trung Quốc ảnh 2
Đừng đánh cược vào Trung Quốc, hãy chọn chứng khoán Việt Nam

Cho rằng TTCK Trung Quốc đã hết hấp dẫn, Marc Faber (Mr Doom), NĐT huyền thoại nổi tiếng thế giới cho rằng, TTCK Việt Nam đang có những cơ hội đầu tư tốt giống như ở TTCK Trung Quốc 1 năm về trước.
Người ta đã cảnh báo về bong bóng của toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc, chứ không chỉ của TTCK từ đầu năm 2013, nhưng đó lại là thời điểm mà cơ quan quản lý nới lỏng kiểm soát tín dụng vào cổ phiếu ở Trung Quốc. Và họ gấp rút siết tín dụng lại khi mà nó vừa trải qua một giai đoạn bơm vào ào ạt kể từ tháng 6/2014, đồng thời các nhà lãnh đạo của họ đang phát ra các thông điệp ủng hộ phát triển thị trường cổ phiếu.

Nói một cách khác, trong cả hai bài toán nới lỏng và siết chặt tín dụng, có thể cơ quan quản lý của Trung Quốc đều thiếu thận trọng đối với thời điểm thực thi chính sách của mình. Có thể họ chỉ mới “thí điểm” để thăm dò phản ứng của thị trường, nhưng phản ứng của thị trường lần nào cũng “quá nhanh, quá nguy hiểm”. Nói tóm lại, về mặt chọn thời điểm, các nhà quản lý của Trung Quốc đã không thành công.

Không để dòng vốn nóng đổ vào TTCK khi kinh tế đi xuống

Điều này nghe có vẻ bất hợp lý khi mà kinh tế đi xuống thì nó dễ kéo theo sự đi xuống của TTCK, do đó việc bơm thanh khoản qua các dòng vốn mới có thể giúp nâng đỡ thị trường. Vậy tại sao phải lo ngại? Câu trả lời là do việc bơm thanh khoản có thể tạo ra bong bóng giá nhanh hơn và to hơn nhiều lần trong bối cảnh kinh tế đi xuống.

Một số nghiên cứu gần đây trên thế giới về bong bóng tài sản cho rằng, khi một lượng lớn thanh khoản và số NĐT mới tham gia vào thị trường tài chính, họ sẽ đẩy giá thị trường (asset price) của tài sản vượt xa ra khỏi giá trị (asset value) được xác định trên các yếu tố cơ bản, đồng thời khiến cho người ta cũng trở nên quá lạc quan khi đánh giá về các yếu tố cơ bản.

Nó giống như tạo ra một bong bóng kép: một mặt, thổi phồng giá trị tài sản do NĐT và các chuyên gia phân tích quá lạc quan về dòng tiền tương lai của các công ty niêm yết; mặt khác, thổi phồng giá thị trường của tài sản một lần nữa từ mặt bằng giá trị đã bị đánh giá cao kia. Một vài nghiên cứu trong năm 2014 và 2015 đã tìm ra một số bằng chứng ủng hộ lý thuyết này.

Trong trường hợp của Trung Quốc, điều nguy hiểm hơn bong bóng kép nữa là người ta bơm thanh khoản cho TTCK vào thời điểm nền kinh tế đang đi xuống. Như vậy, nó còn thổi phồng quả bong bóng kép lên nhiều lần nữa.

Khi mà bất động sản và những kênh đầu tư thực kém sinh lời do kinh tế suy giảm và thị trường bất động sản sụt giảm theo đà suy thoái kinh tế, thị trường cổ phiếu lại thu hút dòng tiền mới và một số lượng lớn NĐT mới thông qua hoạt động cho vay mua cổ phiếu (dưới các hình thức hợp pháp và lách luật).

Vì vậy, dòng tiền đã chảy vào TTCK nhiều hơn và đẩy giá rất nhiều loại cổ phiếu đầu cơ, vốn hóa thấp lên không tưởng (có những cổ phiếu đạt P/E 90 lần). Những mức giá như vậy không thể bền vững được và sẽ dễ rớt không phanh. Những người đầu tư vào những cổ phiếu đó, nhất là người vay tiền có nhiều nguy cơ mất trắng. Họ đang đánh bạc, chứ không phải là đầu tư.

Vì vậy, điều trước tiên thấy được trong tình huống của Trung Quốc lần này là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ảm đạm mà chính sách về TTCK lại tạo điều kiện cho dòng vốn nóng đổ nhanh vào thị trường này thì bong bóng sẽ hình thành rất nhanh và khi đổ vỡ sẽ khó khống chế.

Các nhà làm chính sách phải tỉnh táo, cần tránh những biện pháp hỗ trợ thị trường trong ngắn hạn nhưng lại đặt ra nguy cơ bong bóng phình to quá nhanh. Nói cách khác, khi kinh tế vĩ mô khó khăn mà tìm cách kéo chứng khoán lên là làm chuyện đi ngược lẽ thường và tác dụng phụ của việc đi ngược dòng này có thể khó cứu vãn.

Những bài học từ khủng hoảng TTCK Trung Quốc ảnh 3
Trong tuần cuối tháng 5/2015, 350 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường đã “bốc hơi” khỏi 2 sàn Thượng Hải và Thâm Quyến của Trung Quốc. Biến động bất ngờ này của thị trường Trung Quốc đang gợi nhắc các nhà đầu tư nhớ đến một “thảm họa” tương tự diễn ra cách đây 8 năm, ngày 30/5/2007.

Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên, Đại học Bristol

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục