Tiền “bốc hơi” khỏi TTCK Trung Quốc, có chảy vào Việt Nam?

(ĐTCK) Sự điều chỉnh mạnh của TTCK Trung Quốc trong vài tuần qua thu hút mối quan tâm lớn của giới đầu tư. Một con số được không ít người chú ý là con số 3.000 tỷ USD “bốc hơi” khỏi thị trường này. Điều đó đồng nghĩa là một lượng tiền đã được rút ra khỏi các cổ phiếu ở Trung Quốc không và liệu dòng tiền đó có chảy sang Việt Nam?
Con  số hơn 3.000 tỷ USD “bốc hơi” khỏi TTCK Trung Quốc không tương ứng với con số rút ra thật Con số hơn 3.000 tỷ USD “bốc hơi” khỏi TTCK Trung Quốc không tương ứng với con số rút ra thật

Tiền đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc đến từ đâu?

Trước khi đi vào tìm hiểu vấn đề này, cần làm rõ là con số 3.000 tỷ USD biến mất chỉ là những tính toán trên giấy, dựa trên sự sụt giảm 30% của chỉ số cổ phiếu và giá trị vốn hóa của thị trường. Nó không tương ứng với 3.000 tỷ USD rút ra thật.

Do đó, vì bất cứ lý do nào, chúng ta không nên bị con số này đánh lừa về quy mô rút vốn ở Trung Quốc. Con số dòng tiền thật sự rời khỏi cổ phiếu ở Trung Quốc có thể chỉ là vài trăm tỷ USD, hoặc ít hơn.

Trước tiên, một phần đáng kể trong số tiền đã rời khỏi thị trường cổ phiếu ở Trung Quốc là tiền vay để mua cổ phiếu.

Từ tháng 6 tới tháng 12 năm 2014, quy mô cho vay mua chứng khoán tại Trung Quốc tăng gấp 3 lần. Dù cho cơ quan điều hành của Trung Quốc có những biện pháp chấn chỉnh vào đầu năm 2015, nhưng sau đó nhiều định chế tài chính phi ngân hàng của Trung Quốc đã góp phần giúp nhà đầu tư lách luật để tiếp tục vay tiền mua cổ phiếu, do đó con số này càng tăng mạnh hơn nữa.

Nhiều khoản tiền vay được đầu tư vào những cổ phiếu có giá trị vốn hóa thấp (small caps), đẩy giá các loại cổ phiếu này lên rất cao. Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã không ngần ngại bình luận là mức giá của các cổ phiếu vốn hóa thấp ở Trung Quốc là cao một cách điên rồ (P/E lên đến 90 lần, từng được tờ Economist đem ra làm ví dụ cho bong bóng cổ phiếu ở Trung Quốc vào tháng 4 năm nay).

Sau khi Chính phủ áp dụng biện pháp mạnh vào đầu tháng 6 nhằm đặt trần mức cho vay mua chứng khoán và chấm dứt các hoạt động lách luật qua việc vay tiền ngoài hệ thống công ty chứng khoán để mua cổ phiếu, giá cổ phiếu ở Trung Quốc đã rớt không phanh.

Vì vậy, một phần trong số vốn rút ra khỏi cổ phiếu ở Trung Quốc trong lần điều chỉnh này thật ra là tiền vay trong hệ thống tài chính của Trung Quốc để đầu tư vào những cổ phiếu vốn hóa nhỏ và sẽ quay lại các công ty đã cho vay tiền và nhiều nhà đầu tư trong số những người đã bán cổ phiếu này là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Dòng tiền này ít có khả năng quay sang các thị trường khác, kể cả Việt Nam.

Một phần tiền khác là của những nhà đầu tư may mắn đã kiếm lời trong đợt tăng 150% trước đó và nay họ bán ra để thu lợi nhuận khi thị trường có tín hiệu điều chỉnh. Phần tiền này có thể rời khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, lựa chọn để tái cấu trúc danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư này cần thời gian và TTCK Việt Nam không phải là lựa chọn đầu tư hàng đầu do có quy mô còn rất nhỏ.

Trong số các thị trường mới nổi và cận biên, tuy TTCK Việt Nam là một trong những thị trường được xem là có triển vọng, nhưng không phải là ngôi sao.

So với Việt Nam, số bài phân tích quốc tế về các thị trường còn lại trong khối BRIC, chẳng hạn Brazil, nhiều hơn rất nhiều. Trong các đánh giá về thị trường cận biên toàn cầu, Việt Nam nằm trong số các thị trường “đáng chấp nhận rủi ro để đầu tư”, nhưng Argentina, Bangladesh, Nigeria, Pakistan và các nước Đông Nam Á cũng nằm trong số các thị trường cận biên đáng chú ý.

So với các nước này, chúng ta có những lợi thế vượt trội nhưng cũng có những giới hạn của mình (thú vị là trong số các rủi ro của Việt Nam thì tham nhũng và căng thẳng với Trung Quốc là 2 vấn đề đáng lo ngại hàng đầu được nhắc tới bởi nhiều nhà phân tích khác nhau). Vì vậy, trong cái gọi là “3.000 tỷ USD bay hơi khỏi Trung Quốc”, có rất ít khả năng dòng tiền nào đó sẽ chuyển sang Việt Nam.

Vốn nước ngoài ở Trung Quốc và thị trường mới nổi

Thực tế là từ đầu tháng 5, người ta đã nói tới việc vốn ngoại rời khỏi Trung Quốc với tốc độ kỷ lục. Tổng cán cân thanh toán của nước này thâm hụt đến 80 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm, mặc dù tài khoản vãng lai thặng dư đến 79 tỷ USD. Điều này có nghĩa là, tài khoản vốn và tài chính của Trung Quốc thâm hụt 159 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, lượng vốn đầu tư vào nền kinh tế chạm đỉnh, lãi suất tiền gửi và lợi nhuận đầu tư vào bất động sản thấp, là những nguyên nhân khiến dòng vốn quốc tế chảy ra và việc này đã kéo dài từ năm trước.

Vào tháng 5 năm nay, các nhà quan sát nhận định, Chính phủ Bắc Kinh đã có những giải pháp nhằm ngăn chặn dòng vốn quốc tế rút ra khỏi thị trường và mức độ này chưa ảnh hưởng đến sự ổn định của kinh tế Trung Quốc.

Với khả năng giới hạn vốn quốc tế chảy ra của mình, cho dù đợt sụt giảm TTCK hiện tại kéo dài hơn, Trung Quốc cũng có thể hạn chế vốn chảy ra quá nhiều. Vì vậy, xét ở toàn cảnh điều hành vĩ mô, khó mà mong đợi vốn quốc tế đổ mạnh vào Việt Nam (ít nhất khi vốn chảy ra mạnh ở Trung Quốc từ đầu năm, chúng ta chưa thấy một cơn sóng đổ vốn ồ ạt vào nước ta).

Trái lại, những biến động do bất ổn ở Trung Quốc còn có thể ảnh hưởng không tốt tới Việt Nam và chúng ta cần có sự chuẩn bị. Sự sụt giảm của kinh tế Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giá hàng hóa toàn cầu. Nhiều mặt hàng Việt Nam xuất khẩu là hàng nguyên liệu thô và có thể bị ảnh hưởng xấu nếu nền kinh tế toàn cầu đi xuống.

Mặt khác, Trung Quốc là nước nhập khẩu nhiều hàng hóa của những nền kinh tế lớn, nên sự đi xuống của Trung Quốc không phải là tin vui, mà là tin buồn cho nhiều đối tác nhập khẩu hàng Việt Nam. Điều này có thể gián tiếp tác động xấu đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ ba, với tư cách là nước láng giềng có quan hệ chặt chẽ trên nhiều mặt với Trung Quốc, sự suy giảm của Trung Quốc có khả năng lây lan ra khu vực xung quanh, chẳng hạn sự ổn định của khu vực Đông Nam Á như nhận định của giới đầu tư quốc tế.

Với các thị trường mới nổi, số liệu thống kê của Institute of International Finance vào tháng 5 cho thấy, dòng vốn chảy vào thị trường mới nổi đang ở mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng toàn cầu do tăng trưởng ở nhóm thị trường này chậm lại.

Các thị trường mới nổi sẽ phải trải qua một giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế và đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đồng thời kích thích tiêu dùng nội địa. Trong bối cảnh giới hạn về ngân sách, thị trường nào tái cấu trúc mạnh mẽ và sử dụng vốn đầu tư khôn ngoan hơn sẽ thu hút giới đầu tư nước ngoài.

Cho đến lúc này, Việt Nam được đánh giá tốt trong việc kiểm soát lạm phát, thu hút vốn FDI, tái cấu trúc thị trường tài chính và kiểm soát ngân sách…. Tuy nhiên, tất cả các yếu tố này vẫn đang đứng trước những thách thức không nhỏ.

Hơn bao giờ hết, Việt Nam cần một sự cam kết dài hạn của Chính phủ để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, để người đi giới thiệu TTCK Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài có cái để “khoe” và so sánh với đối thủ của mình.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục