Những án điểm trục lợi vốn nhà nước

(ĐTCK) Đồng vốn nhà nước được đưa vào kinh doanh như thế nào, tạo hiệu quả ra sao? Những vụ án trọng điểm đã và sẽ được đưa ra xét xử cho thấy, vốn nhà nước ở một số doanh nghiệp đang bị thất thoát rất lớn.
Những án điểm trục lợi vốn nhà nước

Tiền “hỗ trợ” từ đâu ra?

Vào khoảng tháng 3/2014, thông tin về nghi án nhà thầu Nhật Bản hối lộ hàng chục tỷ đồng cho các quan chức Việt Nam loang ra khiến dư luận không khỏi bức xúc khi nhận thấy có khả năng tổng đầu tư cho một dự án đường sắt được nâng lên để rồi các nhà thầu Nhật Bản sử dụng chi lót tay cho quan chức Việt Nam. Vốn đầu tư cho dự án này là từ nguồn vốn vay ODA và vốn đối ứng ngân sách.

Vụ án được biết đến khi báo chí Nhật Bản đưa tin về cựu Chủ tịch Công ty tư vấn đường sắt JTC thú nhận hành vi đưa hối lộ với cơ quan điều tra Nhật Bản. Ông này khai nhận để được nhận thầu ở một dự án ODA tại Việt Nam trị giá 4,2 tỷ Yên, công ty đã "lại quả" cho quan chức 80 triệu Yên (tương đương 780.000 USD hoặc hơn 16 tỷ đồng theo tỷ giá năm 2014). Đồng thời, ông này cũng đề cập đến một số quan chức Việt Nam đã nhận “quà”.

Việc nhà thầu JTC chi tiền ngoài hợp đồng cho chủ đầu tư Việt Nam đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng Nhật Bản khởi tố, xử lý về hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh không công bằng và kiến nghị Việt Nam xác minh làm rõ hành vi của các cán bộ Việt Nam.

Sau hơn 1 năm truy tố, điều tra, cơ quan điều tra xác định có việc nhận 11 tỷ đồng từ nhà thầu Nhật Bản JTC. Những cán bộ Việt Nam có liên quan tới vụ việc này gồm Phạm Hải Bằng, nguyên Phó giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam (RPMU); Nguyễn Nam Thái, nguyên Trưởng phòng Dự án 3 - RPMU; Trần Văn Lục, nguyên Giám đốc RPMU; Trần Quốc Đông, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc RPMU; Nguyễn Văn Hiếu, nguyên Giám đốc RPMU và Phạm Quang Duy, nguyên Phó giám đốc RPMU, cùng bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Số tiền 11 tỷ đồng này từ đâu ra và được chi tiêu vào việc gì? Có liên quan gì đến việc giá trị hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật Dự án tuyến số 01 được tăng thêm 7,68% (tương ứng hơn 700 nghìn Yên và hơn 84 tỷ đồng) thành hơn 3,6 tỷ Yên và hơn 236 tỷ đồng.

Tài liệu truy tố cho hay, sau khi hợp đồng trên được ký kết, Liên danh các nhà tư vấn của Nhật (gọi tắt là JKT) bắt đầu triển khai công việc thì Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện dự án và các tổ thẩm định chuyên ngành kỹ thuật cho Dự án “Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1, giai đoạn 1”.

Do tăng khối lượng công việc thiết kế cơ bản và thiết kế kỹ thuật, nhà thầu JKT đã nghiên cứu đề xuất thay đổi một số thông số và nội dung của dự án để phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, có thêm và bớt một số thông số. Căn cứ vào phê duyệt của JICA, Bộ Giao thông Vận tải và ủy quyền của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam và JKT tiến hành thương thảo và ký hợp đồng điều chỉnh, có sự tăng thêm về giá trị hợp đồng như đã nêu trên.

Việc nhận và sử dụng tiền của JTC không được mở sổ sách, không ghi chép theo dõi tại Ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam hay Tổ Dự án và không báo cáo ai tại Tổng công ty đường sắt Việt Nam. Tuy nhiên qua các thời kỳ Phạm Hải Bằng có báo cáo Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam gồm Trần Văn Lục, Trần Quốc Đông, Nguyễn Văn Hiếu nhưng ba vị giám đốc này đều không có chỉ đạo gì để chấm dứt việc tiếp nhận, sử dụng trái phép các khoản tiền từ JTC mà để mặc cho Bằng nhận tiền trong thời gian dài. Tết âm lịch hàng năm, ba vị cựu Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam đều được nhận Tết từ 30 – 100 triệu đồng tùy năm, tùy cá nhân.

Khi vụ án được đưa ra xét xử vào cuối tháng 10 tới đây, câu hỏi tiền chi ngoài từ đâu ra chắc chắn cần được làm rõ.

Tay không “bắt” vốn Nhà nước

Một vụ án trọng điểm khác, xảy ra tại Agribank Chi nhánh 6 (TP. HCM), Hồ Đăng Trung, nguyên Giám đốc chi nhánh này đã bị truy tố vì cho 2 doanh nghiệp vay hàng trăm tỷ đồng sai quy định dẫn đến mất vốn. Trường hợp thứ nhất là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tấn Phát được Trung duyệt cho vay 170 tỷ đồng để thực hiện một dự án, khi dự án đó chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tự ý cho vay vượt quyền phán quyết.

Tài sản thế chấp cho khoản vay là tài sản không được phép thế chấp, không công chứng, không đăng ký giao dịch bảo đảm, giải ngân không đúng theo nội dung hợp đồng cho vay, cho mượn tài sản thế chấp, không có bất cứ biện pháp nào phòng ngừa rủi ro.

Tương tự, Công ty Thanh Phát được vay 628 tỷ đồng trong khi dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tài sản bảo đảm cho khoản vay này là 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa sang tên cho Công ty Thanh Phát, không có công chứng, không đăng ký giao dịch bảo đảm. Sau khi cho vay, Hồ Đăng Trung không có biện pháp kiểm tra cụ thể cấp dưới sau khi duyệt cho mượn tài sản thế chấp dẫn đến mất tài sản.

Kết quả điều tra còn cho thấy, Công ty Tấn Phát do Dương Thanh Cường thành lập tháng 3/2007, đăng ký vốn điều lệ 27 tỷ đồng, nhưng cả hai thành viên của Công ty đều không thực góp vốn. Thế nhưng, đến tháng 9/2007, công ty này đã làm hồ sơ xin vay và được Agribank Chi nhánh 6 duyệt cho vay 170 tỷ đồng (!?). Hồ sơ vay vốn không đảm bảo các quy định của pháp luật và của Agribank, nhưng vẫn được dàn cán bộ Agribank Chi nhánh 6 “nhắm mắt” cho vay.

Công ty Thanh Phát cũng do Dương Thanh Cường thành lập tháng 10/2007, với vốn điều lệ đăng ký là 150 tỷ đồng, nhưng không có vốn góp thực, Công ty cũng không có hoạt động kinh doanh gì. Chỉ hai tháng sau, Công ty này được Agribank Chi nhánh 6 duyệt cho vay 700 tỷ đồng và thực tế đã giải ngân 628 tỷ đồng trong tình trạng hồ sơ vay vốn có nhiều sai phạm.

Những người theo dõi vụ việc không thể không đặt câu hỏi vì sao vốn nhà nước lại được cho vay dễ dàng đến vậy đối với một số doanh nghiệp? Trong khi tại các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm, ý kiến chung của cộng đồng doanh nghiệp đều là tiếp cận vốn ngân hàng quá khó.

Còn nhớ, trong vụ “đại án nghìn tỷ” ở Tây Nguyên, cựu Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Đắk Nông - Đắk Lắk đã bị kết án tử hình vì hành vi nhận hối lộ siêu xe BMV. Chiếc xe này được một nhóm doanh nghiệp mua theo gợi ý của vị giám đốc. Tuy nhiên, lời khai của một số chủ doanh nghiệp tại phiên tòa cho thấy họ đã phải “chung chi” nhiều hơn để được vay vốn và sau đó để được duy trì hạn mức tín dụng, được tiếp tục vay vốn để đảo nợ.

Số tiền mà các bị cáo này khai ra lên tới 130 tỷ đồng, bao gồm khoản hoa hồng 3% cho khoản vay mới và 5% nếu vay đáo hạn cùng với siêu xe BMW - X6, vàng và USD. Không có bằng chứng nào chứng minh việc “chung chi” này, do đó, các cơ quan tố tụng không có cơ sở để xử lý, nhưng ít nhất, vụ án cho thấy tình trạng lót tay là có thật.

Với đại án Huyền Như, bản án phúc thẩm đã có nhưng vụ án chưa khép lại khi một phần hành vi của Huyền Như đã bị tòa cấp phúc thẩm tuyên hủy, yêu cầu điều tra lại vì có dấu hiệu hành vi tham ô tài sản. Vụ án Huyền Như khi mới được phát hiện đã gây chấn động dư luận bởi số tiền bị chiếm đoạt quá lớn, lên tới gần 4.000 tỷ đồng bị chiếm đoạt. Vụ án cũng gây ra nhiều tranh cãi về trách nhiệm đối với số tiền hàng nghìn tỷ đồng được gửi vào ngân hàng và bị Huyền Như rút ra chiếm đoạt.

Còn nhiều vụ án khác xảy ra ở các DNNN hoặc doanh nghiệp mà Nhà nước chiếm cổ phần chi phối cho thấy, đồng vốn nhà nước tại không ít đơn vị bị quản lý lỏng lẻo, bị lợi dụng để mưu lợi cho cá nhân.

Hoàng Duy
Chuyên đề Tái cơ cấu DNNN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục