Trục lợi bảo hiểm, mức độ chế tài hình sự phải nghiêm khắc

(ĐTCK) Hành vi trục lợi bảo hiểm chưa được coi là tội phạm nên chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Đây được coi là một trong những nguyên nhân khiến trục lợi bảo hiểm vẫn đang là tình trạng nhức nhối, đặc biệt đối với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe.
Luật sư Lê Thu Hiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Lê Thu Hiền, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ II Luật sư Lê Thu Hiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Lê Thu Hiền, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ II

Tuy  nhiên, dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này đã luật hóa tội phạm đối với hành vi trục lợi bảo hiểm: “Tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm”, người phạm tội có thể bị phạt tù tới 10 năm. Chúng tôi cho rằng, khi luật hóa tội phạm đối với hành vi trục lợi bảo hiểm, cần đảm bảo rằng mức độ chế tài hình sự phải nghiêm khắc tương đương với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì hai hành vi này là như nhau.

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS). Hành vi trục lợi bảo hiểm chưa được coi là tội phạm nên chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính (Khoản 3, Điều 14 Nghị định 98/2013/NĐ-CP). Để có thể đưa ra ý kiến là nên hay không nên, hoặc cần hay không cần bổ sung điều luật về tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm, chúng ta nên tìm hiểu và so sánh tội danh này với các tội danh tương tự khác đã có trong BLHS, đó là tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (tội này đang được dự kiến sửa đổi).

Đầu tiên, tôi bình luận một chút về tên điều. Trục lợi bảo hiểm, hiểu một cách đơn giản, là việc tìm cách kiếm lợi bất hợp pháp trong kinh doanh bảo hiểm và tham gia bảo hiểm. Vì thế, tên của điều này, theo tôi, chỉ mới ràng buộc đối với các pháp nhân kinh doanh bảo hiểm, còn ràng buộc đối với người tham gia bảo hiểm thì còn đang bỏ ngỏ. Do vậy, cần sửa lại tên điều này, hoặc là “Tội trục lợi bảo hiểm”, hoặc là “Tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm và tham gia bảo hiểm”, thì đầy đủ và rõ ràng hơn.

Về nội dung, nếu so sánh với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, chúng ta thấy rằng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó. Trục lợi bảo hiểm cũng là bất kỳ hành vi lừa dối hay hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm thu lợi bất hợp pháp của các chủ thể tham gia vào quan hệ kinh doanh bảo hiểm. Do vậy, tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội danh “Trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm” là khá tương tự nhau.

Trục lợi bảo hiểm, mức độ chế tài hình sự phải nghiêm khắc ảnh 1

Cả hai tội đều có chung một dấu hiệu cấu thành tội phạm là trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, người phạm tội có ý thức chiếm đoạt tài sản từ trước và tiếp theo đó là hành vi cố ý chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản đang thuộc quyền sở hữu của người khác thành tài sản của mình. Tuy nhiên, điểm khác nhau giữa hai tội này là đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì không làm cho chủ tài sản mất đi quyền sở hữu tài sản của mình, mà chỉ mất đi khả năng thực hiện các quyền đó mà thôi.

Nếu đem so sánh mức hình phạt ở hai điều luật quy định về hai tội danh này (xem bảng), ta thấy: Ở khoản 1, tuy luật quy định số tiền chiếm đoạt trong tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm cao hơn số tiền chiếm đoạt trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng theo tôi là hợp lý, bởi lẽ tài sản được bảo hiểm thường có giá trị rất lớn, dẫn đến số tiền chiếm đoạt cũng lớn, nên hợp lý khi quy định giá trị chiếm đoạt thấp nhất là 20 triệu đồng. Về mức hình phạt thì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có vẻ nặng hơn do có thêm hình thức phạt tù.

Ngoài ra, điểm b khoản 1 quy định về hành vi “tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng bảo hiểm”, theo tôi, còn phải xem xét đây là lỗi cố ý hay vô ý, vì nếu đây là một hành vi do vô ý gây thiệt hại thì không thể quy tội cho chủ thể được. Ví dụ, xưởng may bị cháy, người công nhân khi ôm đống vải chạy ra khỏi vùng đang cháy, có thể vô tình kéo lửa lan sang khu vực bên cạnh dẫn đến thiệt hại tăng lên. Nếu quy định như dự thảo thì không phân biệt đây là lỗi cố ý hay vô ý, cứ hễ “tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe đã mua bảo hiểm” thì chắc chắn người mua bảo hiểm sẽ vướng ngay vào tội danh này.

Nhận thấy, người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 5 triệu đồng, nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt, hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích, thì phải chịu trách nhiệm hình sự; trong khi đó, người có hành vi trục lợi bảo hiểm có giá trị tiền trục lợi dưới 20 triệu đồng thì cho dù đã có tiền án, tiền sự về hành vi này hoặc hành vi chiếm đoạt tài sản khác nói chung, vẫn không bị coi là tội phạm, mà chỉ bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính, theo tôi như vậy là không hợp lý.

Ở khoản 2, mức hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn nặng hơn. Theo quy định này, tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm có khung hình phạt của hình phạt tiền trùng với khung hình phạt quy định ở khoản 1: “Phạt tiền từ 3 đến 5 lần tài sản chiếm đoạt”. Về mặt logic, khung hình phạt quy định ở khoản 2 nhằm hướng đến những hành vi có tính chất nghiêm trọng hơn so với những hành vi được nêu ở khoản 1. Với quy định như trên, theo tôi, nên xem lại khung hình phạt đối với những hành vi thuộc khoản 2 của tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm.

Ở khoản 3, mức hình phạt của 2 tội chỉ quy định về hình phạt tù: tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị phạt tù từ 7 đến 15 năm; tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm bị phạt tù từ 5 đến 10 năm. Đối với tội trục lợi kinh doanh bảo hiểm thì đây là khung hình phạt cao nhất. Mặt khác, điểm b khoản này nhắc đến trường hợp tái phạm nguy hiểm. Hiện tại, tái phạm nguy hiểm là một trong những tình tiết tăng nặng được quy định tại Điều 49 BLHS. Mặc dù không quy định trường hợp tái phạm nguy hiểm vào khoản 3, nhưng vẫn có thể xem xét áp dụng trường hợp tái phạm nguy hiểm với vai trò là tình tiết tăng nặng. Do đó, theo tôi, không cần đưa trường hợp tái phạm nguy hiểm vào khoản 3 Điều 215 - Tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm.

Ở khoản 4, tôi cho rằng, không nên đưa nội dung miễn trách nhiệm hình sự đối với tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm, vì trong phần chung của BLHS đã có các điều khoản quy định rõ ràng về các trường hợp áp dụng tình tiết giảm nhẹ, quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật, miễn hình phạt, miễn trách nhiệm hình sự.

Ở khoản 5 của cả 2 tội danh - lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm - đều quy định thêm về những hình phạt bổ sung, đó là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. Tuy nhiên, tội danh trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm không có hình phạt tịch thu một phần hay toàn bộ số tiền chiếm đoạt, theo tôi, đây là một thiếu sót cần bổ sung.

Tóm lại, việc luật hóa hành vi trục lợi bảo hiểm thành tội danh riêng trong BLHS là cần thiết, vì chỉ có như vậy thì mới xử lý hình sự các hành vi trái pháp luật này được. Nếu không, sẽ không có tác dụng răn đe đối với những đối tượng cố tình thực hiện các hành vi trái pháp luật và cũng không có tác dụng giáo dục, phòng ngừa những đối tượng đang nảy sinh ý đồ trục lợi, gian lận nhằm chiếm đoạt tiền của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

Tôi không cho rằng, tội danh trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm trùng với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì thứ nhất, hai tội này có điểm khác nhau như đã trình bày ở trên, thứ hai là trong BLHS cũng có những tội danh khác quy định đối với những hành vi trục lợi trái pháp luật qua việc tạo ra sự tin tưởng từ người chủ sở hữu tài sản (tạm gọi là người chủ tiền), ví dụ tội lừa dối khách hàng, tội buôn bán hàng giả…

Việc bổ sung tội danh trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm nhằm cụ thể hóa hơn hành vi gian dối trong lãnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Tuy nhiên, khi bổ sung tội danh này vào BLHS thì cần sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm về biện pháp chế tài đối với hành vi này. Nếu không, sẽ gây ra xung đột pháp luật vì cùng là hành vi gian dối, giả mạo tài liệu trong hồ sơ yêu cầu đòi bồi thường, nhưng Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định biện pháp chế tài là xử phạt vi phạm hành chính, trong khi BLHS đưa ra biện pháp chế tài là hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc hình phạt tù.

Ngoài ra, khi luật hóa tội phạm đối với hành vi trục lợi bảo hiểm, cần đảm bảo rằng, mức độ chế tài hình sự phải nghiêm khắc tương đương với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vì hai hành vi này là như nhau. Về cấu trúc của điều luật, nên đưa phần miễn trách nhiệm hình sự về phần chung của BLHS cho hợp lý hơn.

Luật sư Lê Thu Hiền
Đặc san Bảo hiểm 2015

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục