Tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, hệ thống tính cước cho các đmạng viễn thông (cố định, dinh động, Internet…) hầu hết do 3 tập đoàn lớn cung cấp.
Đây cũng là những ông lớn trụ lại được sau nhiều năm cạnh tranh khốc liệt. Dịch vụ họ cung cấp cho các công ty viễn thông tại Việt Nam là Hệ thống tính cước theo thời gian thực (Online Charging System – OCS).
Chỉ có tên là Hệ thống tính cước nhưng đây thực sự là trái tim của hệ thống viễn thông. Bởi lẽ, OCS là nơi lưu trữ toàn bộ tri thức của nhà mạng.
Tri thức ấy bao gồm chiến lược kinh doanh, các gói cước, chính sách giá và thông tin về khách hàng. Có được các dữ liệu ấy, việc tính cước mới có thể thực hiện chính xác và tức thời.
Thế nhưng, việc một hệ thống lõi, quan trọng bậc nhất trong hạ tầng viễn thông lại phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác cũng có những điểm bất lợi.
Trần Văn Thuyết – 9x đời đầu và là Trưởng nhóm sản phẩm OCS Viettel. Ảnh: Đức Thọ.
Ngoài nguy cơ về an toàn thông tin, việc thay đổi hệ thống tính cước cho phù hợp với nhu cầu cụ thể của người dùng Việt Nam cũng như thay đổi chính sách kinh doanh, thiết kế gói cước mới… thường rất chậm, trong khi đó Viettel vốn là một công ty có tốc độ thay đổi thần tốc.
Những người không biết sợ
Bắt tay vào việc tự phát triển OCS – điều chưa một nhà mạng nào trên thế giới thực hiện, nhóm làm dự án của Viettel có 20 thành viên. Trong khi đó, đối tác cung cấp thiết bị từng khuyến cáo: “Dự án này cần 1.000-2.000 kỹ sư và phải làm ròng rã trong nhiều năm”.
Thế nhưng, những kỹ sư Viettel vẫn tiến lên với tâm thế “nhóm nhỏ làm việc lớn” và “người Việt Nam làm được” nhưng với xuất phát điểm còn con số 0.
Một giải pháp tổng thể, định hướng cho hệ thống OCS nhanh chóng được phác thảo. 20 thành viên đầu tiên của dự án tự chia nhau giải quyết các phần việc nhỏ hơn. Các mốc thực hiện cũng được đặt ra nhằm giúp dự án không chệch hướng hoặc bị chậm.
Sau 2 năm ăn ngủ cùng dự án, Hệ thống tính cước theo thời gian thực đầu tiên của Việt Nam - phiên bản vOCS 1.0 đã thành hình và được vận hành tại một thị trường quốc tế của Tập đoàn Viettel.
Nhóm nhỏ đã thực sự làm được việc lớn, tưởng chừng như chỉ thuộc về vài tập đoàn đa quốc gia với nhân sự là các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm lên tới hàng nghìn người.
Mục tiêu tiếp theo được đặt ra là nâng hiệu năng của vOCS. Dung lượng 1 triệu đầu số/site của phiên bản 1.0 cần được tăng lên 5-8 triệu. Việc tối ưu hệ thống nhằm giảm tỷ lệ lỗi cũng được thực hiện gấp rút.
Nhóm thực hiện dự án đã thuyết phục được công ty mẹ (Viettel) chuyển 8 triệu đầu số sang sử dụng hệ thống vOCS do người Việt Nam thiết kế.
Một cơ hội mở ra với nhóm là Viettel đang đấu thầu dự án vOCS tại Cameroon. Không chỉ phục vụ tạm thời 8 triệu đầu số trong nước, vOCS của Việt Nam còn có cơ hội xuất khẩu thực sự khi vừa tròn 3 tuổi.
Lại Ngọc Huyền (1992) – thủ khoa của Đại học Bách khoa Hà Nội, vừa mới tốt nghiệp đã được tham gia vào một dự án nghiên cứu sản xuất đặc biệt. Ảnh: Đức Thọ.
Tuy nhiên, giông tố đã ập đến. vOCS 2.0 gặp nghi ngại từ chính những người Viettel khó tính. Không chỉ thua thầu, nhóm còn mất luôn 8 triệu đầu số trong nước đã được công ty mẹ cho phép triển khai thử nghiệm.
Một cuộc gọi sang Cameroon, nơi các thành viên tham gia đấu thầu… Nỗi buồn, cảm giác mông lung dâng trào trong mỗi thành viên.
“Người Viettel chưa muốn dung sản phẩm do chính người Viettel thiết kế thì cũng có lý do. Buồn! Nhưng bọn mình phải chứng minh thôi!” - Trần Văn Thuyết – 9x đời đầu, Trưởng nhóm sản phẩm vOCS chia sẻ.
Bước ngoặt với 9x
Một tuần dài chán nản. Những cuộc gọi từ Cameroon về nước càng khiến không khí trở nên u ám. Ban Giám đốc Trung tâm VTTek (đơn vị của Viettel phụ trách việc xây dựng sản phẩm vOCS) đã có biện pháp kịp thời.
Không còn vận hành hệ thống tính cước cho 8 triệu đầu số, “gia đình” VTTek dường như gắn bó hơn bao giờ hết. “Tôi đã cố gắng ‘mắng’ để anh em nhìn ra cái sai” – Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc OCS cho biết.
Không chấp nhận thua cuộc, nhóm vOCS coi đây là thời điểm bước ngoặt. Đi kèm với đó, đội dự án cũng có những thay đổi lớn, nhiều người ra đi và nhiều thành viên mới gia nhập.
Team làm OCS phiên bản thứ 3 có 30 kỹ sư, trong đó 80% là 9x và một số thành viên vừa mới tốt nghiệp đại học.
Khi phát triển vOCS 3.0, những tân binh 9x được yêu cầu không đọc tài liệu cũ mà chỉ nghiên cứu tài liệu mới. “Nếu cứ đi vào lối mòn thì chỉ có thể làm được sản phẩm tốt hơn cái cũ chứ không thể có đột phá và tạo ra thay đổi lớn”, Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc OCS cho biết.
Team dự án với 80% thành viên là 9x coi việc phát triển vOCS 3.0 như một quá trình khởi nghiệp lại sau những thất bại của sản phẩm 1.0 và 2.0. Vị phó giám đốc phụ trách sản phẩm OCS tổng kết một câu kinh điển cho quá trình “khởi nghiệp lại”: “Đừng sợ thất bại. Thất bại thì làm lại!”.
Hơn 2 năm kể từ khi bị từ chối bởi chính những người Viettel, tháng 4/2017, hệ thống tính cước của đối tác đã được cắt chuyển thành công sang vOCS 3.0 với quy mô 90 triệu thuê bao do VTTEK nghiên cứu.
Thời gian thực hiện để chuyển đổi chỉ mất 4 tháng, giảm 2/3 so với việc triển khai của đối tác trước đây mà với quy mô hệ thống nhỏ hơn. Giấc mơ làm chủ “trái tim hệ thống viễn thông” của người Viettel đã trở thành hiện thực.
Trong đội dự án mới, Trần Văn Thuyết là một thành viên khá thú vị. Khi mới vào, 9x này còn vô cùng ngạc nhiên bởi “việc tính cước thì chỉ là nhân chia, cộng trừ mà một đống kỹ sư học hành đủ thứ, với máy móc hiện đại rồi tính cũng sai thì không hiểu được”.
Nhưng có lẽ, chính nhờ những suy nghĩ mới tinh và không lối mòn ấy, Thuyết tiến bộ rất nhanh, có nhiều đóng góp và hiện là Trưởng nhóm sản phẩm vOCS.
Lại Ngọc Huyền (sinh năm 1992) cũng là một thành viên đặc biệt khác của team 9x vOCS. Cô gái này vừa mới tốt nghiệp (thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội) đã được tham gia vào một dự án quan trọng và chứng tỏ được khả năng của mình…
Mỗi người Việt Nam có một gói cước riêng
vOCS 3.0 do các kỹ sư Viettel phát triển thành công có dung lượng 24 triệu đầu số/site, đây là hệ thống OCS lớn nhất thế giới (dung lượng lớn nhất từng triển khai thành công trước đó là 12 triệu đầu số/site).
Hiểu một cách đơn giản, “trái tim viễn thông” của Viettel chạy nhanh hơn của các đối tác nước ngoài, với khả năng xử lý những bài toán phức tạp thành đơn giản tốt hơn.
Phó giám đốc vOCS Phạm Tuấn Anh tiết lộ, với sản phẩm vOCS 3.0, Viettel đã có thể giải quyết bài toán chia sẻ tài khoản trong gia đình. Người dùng không cần mua thẻ nạp cho từng tài khoản thiết bị hay bức xúc với việc nhiều nhân viên tới thu tiền.
Tất cả các dịch vụ viễn thông sẽ được tính chung trong 1 tài khoản và chỉ cần trả tiền 1 lần. Nhưng quan trọng hơn, tất cả các chính sách, chiến lược kinh doanh sẽ được triển khai nhanh hơn trước rất nhiều do Viettel đã làm chủ hoàn toàn hệ thống tính cước.
Nguyễn Đức Hải (trái), Giám đốc OCS Viettel và Phạm Tuấn Anh (phải), Phó giám đốc OCS Viettel – những người đã trải qua thăng trầm cùng “trái tim nhà mạng” mang thương hiệu Việt. Ảnh: Nguyễn Hà.
Với sản phẩm này, Viettel đã tiết kiệm được khoảng 70 triệu USD chi phí đầu tư, chưa kể các phần vận hành sau này. Tuy nhiên, số tiền 70 triệu đó không phải là giá trị lớn nhất mà tập đoàn Việt Nam có được.
Hiện tại, Viettel đã triển khai hệ thống vOCS mới tại 6 quốc gia (trong đó có Việt Nam) và sẽ áp dụng tiếp ở các thị trường còn lại trên thế giới.
Một lãnh đạo cấp cao của tập đoàn này tiết lộ: vOCS 3.0 được làm từ đầu “với khả năng thiết kế cho mỗi người Việt Nam một gói cước” và hiện thực hóa giấc mơ “chăm sóc mỗi khách hàng của Viettel như một cá thể riêng biệt mà chúng tôi đặt ra khi mới cung cấp dịch vụ viễn thông”.
Ông này cho biết: “Khi tiến mạnh ra nước ngoài, hệ thống này sẽ là một sự khác biệt lớn trong chiến lược kinh doanh của Viettel so với hàng nghìn nhà mạng khác trên thế giới và nó được làm bởi những kỹ sư rất trẻ tuổi”.
Những ngày gần đây, đội dự án vOCS 3.0 của Viettel, đặc biệt là những kỹ 9x vừa đón một tin vui lớn: “đứa con” của họ vừa được vinh danh với giải Bạc IT World Award 2017. Thế nhưng, những kỹ sư này không quá say sưa với giải thưởng.
Họ có phút giây ngắn ngủi với lễ tôn vinh nội bộ (điều rất hiếm khi thực hiện tại Viettel), rồi làm tiếp tục với các bài toán mới của OCS, đặc biệt là với các gói cước và chính sách cho 4G.