1. Với Trần Thị Ngà, cô gái tốt nghiệp Đại học Hà Nội khoa tiếng Bồ Đào Nha trong ngày đầu nhận nhiệm vụ tại Chi nhánh Movitel Inhambane, một tỉnh miền Nam Mozambique, cách Thủ đô Maputo gần 500 km, mọi việc đều bỡ ngỡ và đầy khó khăn.
“Hôm nay, em sẽ đi thuê trạm với anh”, đó là nhiệm vụ đầu tiên mà anh giám đốc chi nhánh giao cho Ngà. Thế rồi, chuyện đi tuyến với Ngà dần trở nên quen thuộc. Trong nhóm nhân sự của Viettel tại Chi nhánh Movitel Inhambane, chỉ mình Ngà biết nói tiếng Bồ, các anh kỹ thuật viên đi tới đâu cô đều phải đi theo để làm nhiệm vụ phiên dịch.
Với việc khởi tạo những việc mới, tìm ra những không gian mới, Viettel lúc nào cũng là số 0.
Trong quá trình đi tuyến ấy, tất cả những kiến thức về kéo cáp trồng cột, các kỹ thuật viên đều dạy lại cho Ngà. Ngà thuộc các quy trình rất nhanh. Sau đó, Ngà lại hướng dẫn cho nhân công người Mozambique thực hiện. Chỉ sau một thời gian ngắn, Ngà đã thành thạo nhiều công việc tưởng chừng chỉ dành cho đàn ông và dân kỹ thuật mạng lưới.
Sau rồi quen dần, Ngà tự đi một mình, giám sát thực hiện của các đội kỹ thuật Mozambique. Tháng 11/2011, Ngà được Công ty bổ nhiệm làm Phó giám đốc Kinh doanh Chi nhánh Inhambane cũng là nữ phó giám đốc đầu tiên tại Công ty Movitel. Chặng đường phía trước còn khá dài, trở thành quản lý ở một lĩnh vực mới khi còn rất trẻ, đây chắc chắn sẽ là một thử thách mới đối với cô gái sinh năm 1988 này. Nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, khó khăn, thử thách thức sẽ là trường đào tạo tốt nhất của mỗi con người...
Viettel là nhà mạng “sinh sau đẻ muộn” tại Việt Nam, vì vậy, những nơi dễ, thuận lợi không còn nữa. Nhưng chính vì những ngày đầu như vậy, Viettel đã tự học được nhiều, đội ngũ trưởng thành nhanh chóng. Việc đối mặt với khó khăn đã trở thành thói quen của người Viettel và tạo thành sức mạnh của Tập đoàn. Người Viettel thành công được ở trong nước cũng như ở nước ngoài cũng vì có một đội ngũ quen làm những việc khó, chấp nhận việc khó, dám làm việc khó. Và trong gian khó, đội ngũ phải chung sức, chung lòng, cùng gánh vác, chia sẻ.
Gặp khó khăn buộc con người phải có những giải pháp mới, ý tưởng sáng tạo mới, hướng đi mới. Vì vậy, trong khó khăn, luôn có cơ hội.
2. Thế giới ngày càng phẳng hơn, nhờ sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và nỗ lực tháo bỏ dần những rào cản về thương mại, đầu tư giữa các quốc gia đang tạo cơ hội bình đẳng hơn với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên toàn cầu.
Hơn lúc nào hết, thách thức phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh, để đứng vững trên sân nhà và tìm kiếm cơ hội trên một sân chơi lớn hơn rõ ràng như lúc này. Nếu chúng ta không chinh phục thế giới, thế giới sẽ chinh phục Việt Nam.
Nhìn vào ngành bán lẻ của chúng ta sẽ thấy, Việt Nam được xếp hạng thứ 28 trong danh sách các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, nhưng gần như 50% thị trường này đang rơi vào tay các hãng bán lẻ nước ngoài và nguy cơ tiếp tục bị thâu tóm vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.
Năm 2006 đánh dấu bước chân đầu tiên của Viettel ra thế giới với việc đầu tư vào thị trường Campuchia
Nhận thức được điều đó, nên chưa đầy 2 năm từ khi bắt đầu cung cấp dịch vụ di động, 6 năm gia nhập thị trường viễn thông, lãnh đạo Viettel đã nhìn thấy thị trường viễn thông Việt Nam sẽ nhanh chóng đến điểm bão hòa. Viettel cũng nhìn thấy nguy cơ các công ty viễn thông nước ngoài đang thèm khát một thị trường đang phát triển với gần 100 triệu dân. Viettel còn nhìn thấy sự non nớt của chính mình khi đối đầu với những hãng viễn thông hàng đầu thế giới. Để chủ động đối phó với tất cả những nguy cơ ấy, Viettel đã bắt đầu thử sức mình ở thị trường nước ngoài cách đây 10 năm.
Năm 2006, Viettel đã nhận giấy phép đầu tiên tại thị trường Campuchia, một thị trường đã có tới 6, 7 hãng viễn thông cả nội địa và quốc tế có mặt. Tháng 2/2009, Viettel mới chính thức khai trương dịch vụ tại đây. Thế nhưng, chỉ hơn 2 năm sau, Metfone, thương hiệu của Viettel tại Campuchia đã vươn lên vị trí số 1 cả về doanh số và số lượng khách hàng.
Thị trường tiếp theo của Viettel là Lào. Nếu như tại Campuchia, Viettel đầu tư 100% vốn, thì ở Lào, Viettel góp 49% để vực dậy một công ty viễn thông cũng của quân đội nước này. Sau 2 năm khai trương Unitel, thương hiệu của Viettel đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông số 1 tại "đất nước Triệu voi".
Haiti là thị trường đánh dấu bước chân của Viettel ra khỏi thị trường Đông Nam Á. Viettel đến với Haiti khi đất nước này vừa trải qua một trận động đất lớn nhất trong lịch sử 500 năm. Thủ đô Port-au-Prince gần như đã đổ nát hoàn toàn.
Vốn định hợp tác với một công ty viễn thông lâu năm của Haiti, nhưng sau trận động đất, mọi hạ tầng, cơ sở gần như là con số 0, ngoại trừ tòa nhà trụ sở ở Thủ đô đủ để tá túc. Nhưng Viettel vẫn quyết định tới Haiti, dựng lên một hạ tầng viễn thông với hệ thống đường trục cáp quang lớn nhất đất nước này.
Tại Tanzania, chỉ 9 tháng sau ngày khai trương thương hiệu Halotel (tháng 10/2013), Viettel đã có 2 triệu khách hàng
Mozambique, Cameroon Burundi, Tanzania, Peru, Timor Leste, Myanmar là những cái tên tiếp theo in dấu chân người Viettel. Đến nay, trong số 10 thị trường Viettel đầu tư (tại châu Á, Phi, Mỹ), quá nửa trong số đó Viettel đã nắm giữ vị trí số 1. Số còn lại đều là những thị trường mới khai trương, nhưng đều có sự tăng trưởng ấn tượng.
Tanzania khai trương tháng 10/2013, sau 9 tháng kinh doanh đã có 2 triệu khách hàng, một con số mà ngay như ở Việt Nam, Viettel cũng không làm được, dù là nhân tố tạo ra sự bùng nổ viễn thông ở thị trường này.
Gia nhập thị trường Burundi, nước cộng hòa thuộc vùng Trung Phi xa xôi vào tháng 4/2015, chỉ sau 6 tháng, Lumitel – thương hiệu của Viettel tại thị trường này chính thức trở thành số 1, làm nên kỳ tích trong lịch sử ngành viễn thông toàn cầu.
Ngày nay, không chỉ là tập đoàn viễn thông và công nghệ thông tin lớn nhất ở Việt Nam, Viettel nằm trong danh sách 30 công ty viễn thông lớn nhất thế giới; một trong 15 công ty viễn thông đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới.
3. Cách thức thành công ngày hôm nay sẽ không còn phù hợp với ngày mai. Không phải những gì đã tồn tại lâu thì đều đúng. Thậm chí, cách thức của thành công cũ có thể dẫn tới thất bại của công việc mới, vì thị trường thay đổi liên tục, nhu cầu của con người cũng thay đổi liên tục.
Hơn nữa, đằng sau những thành công sẽ có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Khi thành công, chúng ta thường luôn cho rằng mình đúng, do đó, rất khó thay đổi, ít chịu lắng nghe người khác. Vì thế, sau mỗi thành công, điều cần nhất là chúng ta phải quên đi cách làm cũ, cách nghĩ cũ và không hài lòng với những gì mình đã có.
Quên đi thành công ngày hôm nay là bắt đầu một vạch xuất phát mới để có thành công tiếp theo. Năm 2006, khi đang bắt đầu gặt hái những thành công ở thị trường trong nước, thì Viettel quyết định đi ra nước ngoài. Thị trường đầu tiên là Campuchia.
Lúc đó, Viettel cũng gần như bắt đầu từ số 0 vì tiếng không biết, văn hóa của họ cũng chưa biết, quy trình, quy định của đất nước Campuchia cũng phải tìm hiểu từ đầu. Năm 2013, khi bắt đầu khẳng định được chiến lược và con đường đi của mình ở thị trường nước ngoài, Viettel lại khởi tạo một "cuộc chơi mới" là công nghệ thông tin. Bây giờ, Viettel đang thực hiện ước mơ sản xuất thiết bị viễn thông.
Sau 2 năm khai trương Unitel, thương hiệu của Viettel đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông số 1 tại đất nước Triệu voi
Với việc khởi tạo những việc mới, tìm ra những không gian mới, Viettel lúc nào cũng là số 0.
Thế giới 6 tỷ người không còn rào cản và khi mà Interrnet làm cho doanh nghiệp nhỏ tới mức chỉ cần 1 người, chúng ta không thể tồn tại nếu chúng ta không phải là tốt nhất. Nhưng tốt nhất không chỉ là tốt hơn những người khác, mà còn được hiểu là không giống người khác. Nếu chúng ta đi sau người khác mà lại muốn làm tốt hơn, giỏi hơn việc người khác đang làm thì là việc rất khó.
Rất hiếm người thành công theo hướng ấy. Nhưng nếu chúng ta vẫn nhìn việc ấy, nghề ấy mà nhận thức khác đi, làm khác đi một chút thì dễ hơn rất nhiều. Khi ta làm khác đi, tức là ta trở thành độc quyền trong một không gian mới, không phải “đánh nhau” với ai cả.
Câu chuyện của Viettel tại Peru là một ví dụ. Đây là thị trường đầu tiên có mức độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam mà Viettel đặt chân tới. Quốc gia này có GDP đạt 7.000 USD/người/năm, gấp gần 3 lần so với Việt Nam.
Telefonica và Claro, hai nhà mạng đứng số 2 và số 5 thế giới đã kinh doanh ở quốc gia này gần chục năm. Nhưng Viettel vẫn quyết tâm lựa chọn Peru để là liều thuốc thử năng lực của mình, từ đó tìm ra cách đặt chân vào thị trường châu Âu.
Tháng 10/2014, báo cáo của Bộ Giao thông và Truyền thông Peru cho thấy, nước này đang ở trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các trạm thu phát sóng và mạng lưới viễn thông. Các hãng viễn thông đều đã gặp nhiều trở ngại trong việc dựng trạm thu phát.
Trong khi đó, dù còn mới chân ướt chân ráo, nhưng Bitel là công ty đầu tiên và duy nhất ở thời điểm khai trương có dịch vụ bao phủ toàn lãnh thổ Peru, bao gồm cả Iquitos, thành phố gần như bị cô lập với phần còn lại của đất nước bởi rừng rậm và những con sông lớn bao quanh.
Chắc chắn Viettel không giàu vốn liếng, kiến thức, kinh nghiệm thương trường như Telefonica và Claro. Nhưng cũng chắc chắn rằng, Viettel khác họ trong cách nghĩ, cách làm. Và trong 9 tháng đầu năm 2016, tốc độ phát triển thuê bao của Bitel là 41%, cao hơn gấp 5 lần tốc độ phát triển chung của toàn ngành viễn thông Peru (8%).