Nhựa Pha Lê: Đối tác Mỹ chấp nhận trả tiền trước để có gạch SPC

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo Công ty cổ phần công nghệ Nhựa Pha Lê (mã PLP) cho biết, hiện thị trường Mỹ đang cần lượng hàng rất lớn.
Gạch SPC có ưu điểm lắp đặt đơn giản Gạch SPC có ưu điểm lắp đặt đơn giản

Đối tác MSI, nhà phân phối vật liệu trong Top 10 thị trường Mỹ, thậm chí chấp nhận trả tiền trước để Công ty cổ phần Hoàng Gia Pha Lê tăng công suất sản xuất sẵn gạch SPC lưu kho. Khi nhà nhập khẩu thuê được hãng tàu và có container là sẵn hàng để vận chuyển sang Mỹ.

Một yếu tố nữa khiến nhà nhập khẩu chịu chơi với gạch SPC của Hoàng Gia Pha Lê là do dịch Covid-19 bùng phát ở Bắc Giang nên nhà sản xuất gạch SPC lớn nhất thế giới là Tập đoàn Thiên Tân (Trung Quốc) có nhà máy đặt tại đây bị ảnh hưởng.

Hiện mỗi tháng nhà máy Đồng Nai xuất khẩu đạt giá trị khoảng 80 tỷ đồng, bằng khoảng 50% công suất nhà máy. Hoàng Gia Pha Lê đã có đơn hàng đến hết quý III năm nay, với riêng đối tác MSI đặt hàng.

Như vậy, tới đây khi vấn đề về thiếu hụt container được các nhà nhập khẩu xử lý, đồng thời các dây chuyền máy móc của Hoàng Gia Pha Lê vận hành ổn định, nhà máy chạy đủ công suất, thì doanh thu cả năm của Hoàng Gia Pha Lê ước đạt 1.800 tỷ đồng.

Theo chia sẻ của ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch PLP tại đại hội đồng cổ đông của Công ty hồi tháng 4/2021, biên lợi nhuận của lĩnh vực sản xuất gạch nhựa SPC đạt 7%, như vậy lợi nhuận của Hoàng Gia Pha Lê có thể đạt 126 tỷ đồng. Lợi ích của Pha Lê tại liên doanh là 51% hứa hẹn tiềm năng tăng trưởng mạnh của Công ty.

Cũng bởi tiềm năng lớn của lĩnh vực vật liệu xây dựng này, Pha Lê và các đối tác đang tập trung đẩy mạnh đầu tư nhà máy Hải Phòng. Cho đến nay, nhà máy đã hoàn thiện việc lắp đặt nhà xưởng.

Với 2 nhà máy, công suất sản xuất gạch SPC của Pha Lê và các đối tác sẽ đạt 26 triệu m2 ván sàn/năm. Hoàng Gia Pha Lê sẽ lọt vào Top 5 nhà sản xuất ván sàn SPC lớn nhất thế giới, thị trường cạnh tranh chính là toàn cầu.

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục