Chiến lược ngược chiều của Nhựa Pha Lê

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giữ tiến độ đầu tư các nhà máy, tuyển dụng thêm 400 nhân sự trong năm 2020 và dự kiến thêm 500 lao động trong năm 2021, chiến lược của Nhựa Pha Lê và các đối tác khiến thị trường không khỏi tò mò.
Bên cạnh 12 dây chuyền ở Đồng Nai, một nhà máy mới ở Hải Phòng đã được tiến hành xây dựng. Bên cạnh 12 dây chuyền ở Đồng Nai, một nhà máy mới ở Hải Phòng đã được tiến hành xây dựng.

Cho đến nay, nhà máy gạch nhựa SPC tại Đồng Nai do liên doanh Hoàng Gia Pha Lê (Công ty cổ phần Công nghệ nhựa Pha Lê, mã chứng khoán PLP, sở hữu 50% vốn) đã chạy hết công suất 4 dây chuyền lắp đặt. Hoàng Gia Pha Lê cũng đã ký hợp đồng đối tác với Tập đoàn MSI (Mỹ) để gia tăng lượng hàng xuất khẩu sang thị trường vật liệu xây dựng lớn nhất thế giới.

Đơn hàng xuất khẩu tháng 12/2020 trị giá 50 tỷ đồng. MSI là nhà phân phối vật liệu trong Top 10 thị trường Mỹ. Doanh số của tập đoàn này đạt hơn 1 tỷ USD hàng năm với hơn 30 trung tâm phân phối trên khắp Mỹ và Canada.

Các dây chuyền tiếp theo đã được Công ty lắp đặt và dự kiến hoàn thiện vào cuối tháng 3 năm nay. Như vậy, nhà máy Đồng Nai với vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng, công suất 12 triệu m2 sàn gạch nhựa SPC mỗi năm đã được đầu tư theo đúng kế hoạch và đang ở các bước chuẩn bị để sẵn sàng điều kiện chạy hết công suất.

Bên cạnh 12 dây chuyền ở Đồng Nai, một nhà máy mới ở Hải Phòng đã được tiến hành xây dựng. Nhà máy có tổng vốn đầu tư 650 tỷ đồng, với 14 dây chuyền công suất lớn, tổng sản lượng theo thiết kế là 14 triệu m2/năm, tập trung vào sản phẩm cao cấp hơn.

Ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch PLP chia sẻ, dịch bệnh và các tác động tiêu cực của nó khiến lượng cầu tại Mỹ không tăng nhanh và tăng cao như trước dịch, trong khi lượng cung ổn định, khiến giá bán của gạch SPC giữ ổn định.

“Hiệu quả trong sản xuất - kinh doanh không đạt mức tuyệt đối nhưng chúng tôi vẫn đạt được doanh thu lớn, đảm bảo việc làm cho người lao động, giảm chi phí tài chính, tập trung cho việc đào tạo, chuyển giao công nghệ để nhân sự chắc tay nghề”, ông Phương nói.

Khi PLP và đối tác tập trung nguồn lực đầu tư các nhà máy gần nửa năm trước, những tin tức và niềm hy vọng về vắc-xin chưa lạc quan như bây giờ, song họ tính toán và chấp nhận đầu tư, thậm chí tính cả bài toán kéo dài giai đoạn chạy kiểm thử để ổn định máy móc, tay nghề công nhân, hoàn thiện hệ thống quản trị hiện đại để sẵn sàng khả năng kết nối với các nhà phân phối vật liệu lớn tại Mỹ khi dịch bệnh được kiểm soát.

Theo các thỏa thuận đã ký kết, hai tập đoàn phân phối vật liệu lớn của Mỹ đã cử chuyên gia tới nhà máy Đồng Nai để kiểm định đợt 1, đợt 2 sẽ được tiến hành cuối năm nay, mở đường cho việc ký kết các hợp đồng lớn.

“Không chỉ đầu tư lớn cho hệ thống máy móc nhà xưởng nguồn nhân lực, các nhà sản xuất Việt Nam còn phải đầu tư lớn cho các hệ thống quản trị hiện đại trong doanh nghiệp, để có thể giúp truy xuất, kiểm tra dữ liệu và kết nối tốt với khách hàng”, ông Phương cho biết.

Với quy mô công suất 26 triệu m2 ván sàn/năm, Hoàng Gia Pha Lê sẽ lọt vào Top 5 nhà sản xuất ván sàn lớn nhất thế giới, thị trường cạnh tranh chính là toàn cầu.

Khát vọng gia nhập nhóm nhà sản xuất gạch nhựa SPC hàng đầu trên thế giới, có mặt ở những thị trường lớn nhất, khó tính nhất, cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài sừng sỏ... của PLP đã thu hút được nhiều nhân sự cấp cao về đầu quân.

Ông Phương kể, có những giám đốc nhà máy, ông đã mời suốt 3 năm nay, năm nào cũng cầu hiền nhưng phải đến nay họ mới đồng ý gia nhập đội ngũ PLP, chấp nhận mức lương chỉ bằng 2/3 mức lương ở tập đoàn cũ. Lý do là cho đến nay, quy mô nhà máy, quy mô doanh nghiệp mới tăng đạt đến mức đáp ứng trình độ quản lý của họ.

“Trong thời điểm đại dịch như hiện nay, chi phí cho nhân sự cấp cao vẫn tăng, bởi giờ đây họ có cơ hội làm việc toàn cầu, không hẳn chỉ ở mỗi Việt Nam. Họ đến với mình chỉ khi họ tin vào logic đầu tư, tin tưởng và cùng chung tay với mình để thực hiện giấc mơ lớn”, ông Phương chia sẻ.

Hà Vy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục