Nhựa Pha Lê (PLP) chia thưởng 60% bằng cổ phiếu

(ĐTCK) HĐQT Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê (mã PLP - sàn HOSE) vừa công bố các tài liệu Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2020. Trong đó, đáng chú ý là kế hoạch chia thưởng 60% cũng như kế hoạch tăng trưởng doanh thu tới 70%.
Nhựa Pha Lê (PLP) chia thưởng 60% bằng cổ phiếu

Việc chia cổ phiếu thưởng được thực hiện từ thặng dư vốn cổ phần, nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019. Tỷ lệ thực hiện quyền là 10:6 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu tương ứng sẽ được hưởng 1 quyền mua, cứ 10 quyền mua được nhận thêm 6 cổ phiếu mới), số lượng phát hành dự kiến là 15 triệu cổ phần.

Bên cạnh việc chia thưởng cổ phiếu, PLP sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với số lượng dự kiến tối đa là 20 triệu cổ phiếu, với giá 10.000 đồng/cổ phần.

Như vậy, dự kiến PLP sẽ nâng vốn điều lệ từ 250 tỷ đông lên 600 tỷ đồng, trong đó số tiền thu được từ phát hành sẽ được Công ty đầu tư vào hệ thống các công ty trong chiến lược phát triển dài hạn bao gồm Công ty cổ phần Khoáng sản Minh Cầm, Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Tân Việt An, đặc biệt là đầu tư vào Công ty cổ phần Hoàng Gia Pha Lê.

Hoàng Gia Pha Lê có vốn điều lệ 70 tỷ đồng, PLP hiện sở hữu 44% vốn điều lệ. Đây là đơn vị đầu tư cho dự án xây dựng Nhà máy sản xuất ván sàn gạch nhựa SPC tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 - Đồng Nai với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng, nhà máy có công suất 8,7 triệu m2/năm dự kiến khánh thành vào đầu quý III/2020.

PLP đặt kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu thuần đạt 1.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 53 tỷ đồng, tăng lần lượt 70% và 8% so với mức thực hiện năm 2019, chưa bao gồm kế hoạch doanh thu và lợi nhuận hợp nhất từ SPC.

Hiện nay, sản phẩm Filler Masterbatch của PLP sản xuất chủ yếu để phục vụ cho ngành sản xuất bao bì và ép khuôn. Đây là một trong những ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn trong ngành nhựa, với quy mô thị trường năm 2019 vào khoảng 4,7 triệu tấn. Tốc độ tăng trưởng của thị trường được dự báo đạt 4,38%/năm trong giai đoạn 2016-2021.

Nhu cầu của hạt phụ gia cho ngành bao bì tăng chủ yếu được thúc đẩy từ tốc độ tăng trưởng trong ngành công nghiệp đóng gói tại châu Á Thái Bình Dương và Bắc Mỹ, với những ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều sản phẩm đóng gói như ngành thực phẩm, thương mại điện tử, ngành dược và chăm sóc y tế…

Trên thị trường, cổ phiếu PLP giao dịch khởi sắc và ghi nhận phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp khi chốt phiên sáng 23/6 tại mức giá 13.500 đồng/CP, tăng 6,7% với khối lượng khớp lệnh 1,58 triệu đơn vị. Chỉ tính từ đầu tháng 6 đến nay, giá cổ phiếu PLP đã tăng hơn 60%.

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục