Ngành công nghiệp nhựa dù còn non trẻ so với các ngành công nghiệp lâu đời khác như cơ khí, điện - điện tử, hoá chất, dệt may... nhưng đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Trong giai đoạn từ 2010 đến nay, đây là một trong những ngành công nghiệp có tăng trưởng cao nhất Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 12% - 15%/năm.
Với tốc độ phát triển nhanh, ngành nhựa đang được coi là một ngành năng động trong nền kinh tế Việt Nam.
Theo quy hoạch phát triển ngành nhựa đến 2025, Chính phủ định hướng phát triển ngành nhựa thành ngành công nghiệp tiên tiến, sản xuất được các sản phẩm chất lượng cao, đa dạng mẫu mã, chủng loại, có tính cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường, đáp ứng được nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu.
Trong bối cảnh này, doanh nghiệp ngành nhựa nói chung và Nhựa Hà Nội nói riêng có dư địa lớn để tăng trưởng, nhất là khi Nhựa Hà Nội đang sở hữu thương hiệu mạnh với bề dày kinh nghiệm.
Đáng chú ý, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển khi ngành công nghiệp ô tô được chú trọng đầu tư.
Cạnh tranh thị phần sẽ là động lực để các doanh nghiệp sản xuất ô tô đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Dự kiến tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm ô tô sẽ hướng tới đạt trên 40% trong giai đoạn 5 năm tới. Đây là cơ hội để NHH tăng trưởng và đa dạng hóa tệp khách hàng.
Sự dịch chuyển của các doanh nghiệp điện tử sang Việt Nam do chiến tranh thương mại cũng là điểm sáng để NHH phát triển mảng linh kiện điện tử.
Chưa kể, thị trường dao, thìa, dĩa hiện có giá trị lên tới 2,4 tỷ USD, ước đạt tăng trưởng 1,7%/năm cùng với tỷ lệ chuyển đổi sang sản phẩm tự hủy từ 30% - 40% là tiền đề hấp dẫn cho mảng sản xuất kinh doanh các sản phẩm nhựa gia dụng tự hủy của NHH.
Thực tế, sức mạnh của doanh nghiệp là yếu tố căn bản quyết định khả năng nắm bắt cơ hội và thu về kết quả tích cực.
Theo đó, tình hình tài chính vững mạnh của NHH là yếu tố khiến nhà đầu tư yên tâm. Khách hàng của NHH phần lớn là các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đầu tư vào Việt Nam (Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam, Panasonic System Network, Panasonic Appliance Hưng Yên, Piaggio, VMEP, Sanko…).
Do vậy, dòng tiền hoạt động kinh doanh của công ty được duy trì ổn định, các chỉ số hiệu quả hoạt động kinh doanh như ROA, ROE đều ở mức trên 10%.
Với đặc thù khách hàng chủ yếu là các doanh nghiệp FDI nên NHH có vòng quay tiền mặt khá nhanh và liên tục được cải thiện. Năm 2018 số ngày luân chuyển tiền mặt là 44 ngày, giảm 5 ngày so với 2017.
Công ty không có các khoản trích lập nợ xấu đối với phải thu. Các chỉ số thể hiện hiệu quả hoạt động cũng như sức khỏe tài chính đều ở mức ổn định, ROE, ROA năm 2018 lần lượt ở mức 16,3% và 10,3%.
Vay nợ của Công ty ở mức khá thấp (chỉ khoảng 46 tỷ đồng, tương đương 8,8% tổng tài sản).
Trong giai đoạn 2016 - 2018, doanh thu của NHH tăng trưởng khá tốt với mức CAGR (tốc độ tăng trưởng kép hàng năm) vào khoảng 6%, tăng trưởng chủ yếu đến từ hoạt động gia công các sản phẩm ô tô, xe máy.
Nhóm khách hàng linh kiện ô tô, xe máy chiếm tỷ trọng trung bình đạt trên 65%.
Một số chỉ tiêu hoạt động của NHH.
Lợi nhuận biên giảm vào năm 2018 khi NHH tiến hành mở rộng đầu tư, tái cấu trúc sản phẩm và nhà xưởng, cơ cấu nhân sự sau khi trở thành thành viên của Tập đoàn An Phát Holdings.
9 tháng đầu năm 2019, NHH đạt doanh thu thuần 864,5 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 39,7 tỷ đồng (tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái).
Năm 2019, Ban lãnh đạo NHH ước đạt 1.030 tỷ đồng doanh thu và 67 tỷ đồng nhuận sau thuế.
Giá trị thị trường của NHH hiện giao dịch ở mức 51.000 đồng/cổ phiếu. Theo SBSI, đây là mức giá khá thấp so với tiềm năng tăng trưởng và giá trị nội tại của NHH. Giá trị định giá của NHH ước đạt 80.020 đồng/cổ phiếu, tương đương tiềm năng tăng giá 57% so với mức giá thị trường hiện tại.