Nhu cầu suy yếu, sản lượng và đơn đặt hàng mới giảm mạnh hơn

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 4/2023 tiếp tục giảm tháng thứ 2 liên tiếp, xuống mức 46,7 điểm, do nhu cầu suy yếu, theo báo cáo mới nhất của S&P Global.
Nhu cầu suy yếu, sản lượng và đơn đặt hàng mới giảm mạnh hơn

Báo cáo mới nhất của S&P Global cho thấy Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI, Purchasing Managers' Index) ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 4/2023 chỉ đạt 46,7 điểm, giảm so với mức 47,7 điểm trong tháng 3/2023.

Chỉ số cho thấy các điều kiện kinh doanh giảm lần thứ năm trong sáu tháng qua, và lần giảm này là mạnh nhất trong năm tính đến thời điểm này.

"Ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm khi nhu cầu khách hàng vẫn yếu. Cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm tháng thứ hai liên tiếp, doanh nghiệp đã giảm tương ứng việc làm và hoạt động mua hàng", bản cáo cáo nêu.

PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global.
PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global.

Những khó khăn trong việc thu hút đơn đặt hàng mới thể hiện ở tình trạng cả tổng số lượng đơn đặt mới và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong tháng 4/2023 tiếp tục giảm.

Trong đó, tốc độ giảm của tổng số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 4/2023 đã nhanh hơn so với hồi tháng 3/2023; số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu giảm với tốc độ chậm hơn. Bên cạnh đó, tồn kho hàng thành phẩm trong tháng 4/2023 đã tăng lên với mức độ lớn nhất trong 2 năm trở lại đây.

Tốc độ giảm tổng số lượng đơn đặt hàng mới đã nhanh hơn so với kỳ khảo sát trước, tồn kho hàng thành phẩm tăng. Các nhà sản xuất tiếp tục giảm số lượng nhân viên, xuất phát từ cả tình trạng nghỉ việc không có người thay thế và việc cắt giảm việc làm do giảm khối lượng công việc.

Thực tế, các doanh nghiệp cũng giảm mua hàng hóa đầu vào trong tháng 4, và đây là lần giảm thứ hai liên tiếp.

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy đơn hàng tháng 4 vẫn khó, khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng đã giảm 7,3% so với tháng 3/2023 đạt 27,54 tỷ USD. Lũy kế 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 108,5 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ 2022 (tương đương mức giảm 14,5 tỷ USD).

Khan hiếm đơn hàng xuất khẩu, nên cả 5 nhóm hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD của nước ta đều ghi nhận mức sụt giảm từ 5,9 - 19,3% so với cùng kỳ.

Điện thoại và linh kiện giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 17,425 tỷ USD; Điện tử, máy tính và linh kiện 16,134 tỷ USD, giảm 8,9%; Máy móc thiết bị, dụng cụ PT khác 13 tỷ USD, giảm 5,9%; hàng dệt may 9,571 tỷ USD, giảm 19,3%; giày dép 6,13 tỷ USD, giảm 16,3%.

Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nhận định: “Ngành sản xuất của Việt Nam đang đi qua một giai đoạn trì trệ khi các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn đặt hàng mới, tâm lý kinh doanh đã giảm phần nào khi số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm trong những tháng gần đây".

Động thái của các nhà sản xuất đã bắt đầu hạ giá bán hàng để cố gắng kích thích nhu cầu, với kỳ vọng sản lượng và nhu cầu sẽ tăng trong thời gian tới.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục