Theo dấu PMI giảm tốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam chia sẻ góc nhìn về việc chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 11/2022 xuống dưới ngưỡng trung tính. 
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam. TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam.

Thưa ông, chỉ số PMI của Việt Nam tháng 11/2022 chỉ đạt 47,4 điểm nói lên điều gì?

Việc chỉ số PMI tháng 11 rớt xuống dưới ngưỡng trung tính 50 điểm đã kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 13 tháng liên tiếp của chỉ số này.

Điều này phản ánh mấy nội dung đáng chú ý sau đây: Thứ nhất, đơn đặt hàng của các nhà sản xuất Việt Nam suy giảm, từ đó các nhà sản xuất dự báo các tháng tới tốc độ sản xuất sẽ bị chậm lại; thứ hai, đơn hàng của các nhà nhập khẩu hàng từ Việt Nam cũng suy giảm, thể hiện nhu cầu của thế giới đối với hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ giảm trong ít nhất là vài tháng tới.

Từ đó, dẫn đến các vấn đề tiếp theo là sản xuất và sản lượng của Việt Nam trong một số lĩnh vực dự báo cũng sẽ bị thu hẹp, kéo theo hàng tồn kho ở cả dạng nguyên vật liệu lẫn hàng hoá thành phẩm sẽ suy giảm, thời gian giao hàng kéo dài hơn, doanh nghiệp sẽ buộc phải giảm giờ làm của người lao động, thậm chí sa thải nhân công nếu như tình hình không được cải thiện.

Thực trạng này bắt nguồn từ những nguyên nhân nào?

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, một số quốc gia đang đối diện với nguy cơ suy thoái, chỉ số PMI đã giảm trên toàn cầu và kéo dài một thời gian. PMI của Việt Nam đến giờ mới bị giảm cho thấy kinh tế Việt Nam bắt đầu cảm nhận được sự chậm lại của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Sự suy giảm của PMI trong những tháng vừa qua có nguyên nhân phần lớn từ yếu tố ngoại cảnh. Còn ở trong nước, các chỉ số vĩ mô vẫn tốt và đảm bảo hỗ trợ cho sản xuất.

Thời gian qua, mặc dù xảy ra một số bất ổn trên thị trường vốn và thị trường bất động sản nhưng những bất ổn này không liên quan nhiều đến lĩnh vực sản xuất. Sự đứt gãy thanh khoản mặc dù có tác động nhất định nhưng không phải yếu tố lớn nhất và trực tiếp nhất tác động đến sản xuất.

Trái lại, năng lực sản xuất của Việt Nam vẫn được duy trì nhờ năng lực thích ứng và xoay chuyển linh hoạt của các doanh nghiệp, thể hiện ở chỗ khi đơn hàng quay lại sau giãn cách, nền sản xuất hấp thụ và đáp ứng được luôn.

Theo ông, để chỉ số PMI cải thiện, cần những điều kiện gì?

PMI có được cải thiện hay không chủ yếu trông chờ vào sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu. Ngoài ra, để cải thiện chỉ số này, Việt Nam cần chú trọng thị trường nội địa, đồng thời mở rộng các thị trường xuất khẩu mới, hay nói cách khác là đa dạng hoá thị trường cho sản xuất.

Cụ thể, để khắc phục sự giảm tốc của những thị trường xuất khẩu truyền thống thì cần thúc đẩy mở rộng các thị trường của các hiệp định thương mại mới ký kết. Từ khi hiệp định CTPPP có hiệu lực, chúng ta đã xuất khẩu mạnh sang một số thị trường mới như Canada, Peru, Mexico, Chi lê.

Hay đối với thị trường EVFTA, xuất khẩu của một số mặt hàng như sắt thép, cơ khí, điện tử vào thị trường này tăng từ 200 - 700% trong vòng 2 năm. Các nỗ lực đa dạng hóa thị trường sẽ hỗ trợ cho nền sản xuất và giảm bớt độ xóc của những biến động có tính chu kỳ hay có tính nhất thời về đơn đặt hàng mới, sản lượng, thời gian giao hàng, tồn kho và việc làm như thể hiện qua chỉ số PMI hiện nay.

Chúng ta cần có biện pháp nâng cao sức mua và thu nhập khả dụng của người dân, để về lâu dài thị trường trong nước trở thành thị trường trụ cột. Thị trường trong nước hiện đã mang lại 220 tỷ USD, gần tiệm cận mức hơn 336 tỷ USD của thị trường xuất khẩu (năm 2021), do đó cũng cần được chú trọng.

Dưới góc độ đầu tư nói chung và đầu tư chứng khoán nói riêng, theo ông, cần sử dụng PMI như một chỉ báo ra sao?

Đây là chỉ số có ý nghĩa giúp các doanh nghiệp nắm bắt thị trường và đưa ra các quyết định về việc tổ chức sản xuất trong hiện tại và cho thời gian trước mắt. Các doanh nghiệp trong các quyết định đầu tư của mình thường chú trọng tới các chỉ số mang tính trung và dài hạn hơn, ví dụ như dự báo về nhu cầu đối với hàng hóa, dịch vụ đối với sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp mình, triển vọng tăng trưởng kinh tế trong và ngoài nước, khả năng sinh lời từ các hoạt động đầu tư với tầm nhìn trung và dài hạn.

Các nhà đầu tư nước ngoài hay các doanh nghiệp sản xuất trong nước sản xuất lớn như Hoà Phát, Thaco, Vĩnh Hoàn, Masan… chắc chắn cũng tham khảo sự lên xuống của các chỉ số PMI nhưng không coi sự sụt giảm của chỉ số này trong một vài tháng là yếu tố quan trọng làm thay đổi quyết định đầu tư trung và dài hạn của họ. Đây cũng một hàm ý có nhiều ý nghĩa cho nhà đầu tư đối với các doanh nghiệp này.

Hiện tại, bất chấp những khó khăn và thách thức, kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo có triển vọng tăng trưởng tích cực trong trung và dài hạn. Những khó khăn và thách thức của kinh tế toàn cầu rồi cũng sẽ qua đi. Nhà đầu tư có tầm nhìn sẽ căn cứ vào đó để đầu tư, thay vì chỉ nhìn vào một chỉ số mang tính dự báo ngắn hạn.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục