Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn (Thông tư 02) sẽ hết hiệu lực. Nhìn lại quá trình triển khai thông tư này thời gian qua, bà có bình luận gì?
Thông tư 02 là một công cụ hỗ trợ được Ngân hàng Nhà nước ban hành nhằm giảm gánh nặng tài chính cho người vay gặp khó khăn thông qua việc cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Chúng tôi đánh giá việc ghi nhận nợ xấu chậm hơn sẽ làm giảm tính minh bạch về chất lượng danh mục cho vay của ngân hàng, dẫn tới trích lập dự phòng không đủ và ghi nhận rủi ro tài sản cao hơn khi Thông tư hết hiệu lực.
Có thể nói, người đi vay hưởng lợi nhiều nhất từ Thông tư 02 nhờ nhận được sự hỗ trợ từ các ngân hàng thông qua việc hoãn và giãn lịch trả nợ, từ đó có thêm thời gian để tái cấu trúc hoạt động và khôi phục dòng tiền. Nhìn chung, Thông tư 02 thúc đẩy sự hồi phục của hoạt động kinh doanh và đầu tư, nhờ đó, hỗ trợ các nỗ lực phục hồi kinh tế theo mục tiêu của các cơ quan quản lý.
|
Bà Phan Thị Vân Anh, Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp, VIS Rating |
Thông tư 02 không tác động tích cực lên hồ sơ tín nhiệm của các ngân hàng, vì việc giữ nguyên nhóm nợ chỉ cho phép các ngân hàng tránh ghi nhận nợ xấu nếu dòng tiền kinh doanh của người đi vay thực sự được cải thiện trong tương lai.
Điều quan trọng là cách các ngân hàng theo dõi và quản lý hoạt động của người vay sau khi tái cơ cấu nợ. Một số ngân hàng được chúng tôi xếp hạng tín nhiệm đã chủ động theo dõi chặt chẽ các hoạt động kinh doanh của khách hàng và chủ động hợp tác cùng người đi vay để quản lý dòng tiền trả nợ.
Dù việc ghi nhận nợ xấu chậm hơn nhờ Thông tư 02 nhưng bức tranh nợ xấu của các ngân hàng vẫn đang có xu hướng xấu hơn khi chất lượng tài sản suy giảm liên tục trong 4 quý vừa qua. Bà có quan ngại về điều này?
Rủi ro tài sản đã dần ổn định trong 9 tháng đầu năm 2024. Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tỷ lệ nợ có vấn đề toàn ngành, bao gồm nợ xấu, trái phiếu VAMC và nợ tái cơ cấu vẫn đi ngang so với năm ngoái, ở mức 6,9% và cao hơn đáng kể so với tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 4,56%.
Tốc độ hình thành nợ quá hạn cho thấy xu hướng tích cực khi giảm dần theo quý - từ 2,6% trong quý I/2024 xuống 1,2% trong quý III/2024 - nhờ môi trường hoạt động kinh doanh được cải thiện.
Các ngân hàng lớn ghi nhận tốc độ phát sinh các khoản nợ quá hạn mới chậm lại, nhờ sự cải thiện của một khoản nợ xấu lớn (CTG) cũng như siết chặt tiêu chuẩn cấp tín dụng, đặc biệt đối với các khoản vay tiêu dùng mới (VPB).
Mặt khác, các khoản nợ quá hạn vẫn tiếp tục tăng tại các ngân hàng tập trung vào khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (PGB, SGB, VIB, OCB, LPB).
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/8/2024, dư nợ các khoản vay được cơ cấu lại chiếm 0,9% tổng dư nợ tín dụng - giảm từ mức 1,2% vào cuối năm ngoái. Trong đó, quy mô nợ tái cơ cấu giảm đáng kể ở hầu hết các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối và một số ngân hàng lớn (TCB, ACB) và các ngân hàng quy mô vừa (HDB, VIB).
Tuy nhiên, chúng tôi cũng đánh giá nợ tái cơ cấu sẽ gia tăng đáng kể ở một vài ngân hàng lớn, đặc biệt là các ngân hàng có nợ tái cơ cấu liên quan đến các chủ đầu tư bất động sản có vấn đề và có thể tiếp tục gặp khó khăn về tài chính.
Trong cả năm 2024, chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ nợ có vấn đề toàn ngành sẽ ổn định khi các ngân hàng hoàn tất việc xóa nợ trong quý IV.
Thông tư 02 phần nào đã “đậy” lại nợ xấu ở một số ngân hàng, nhưng chủ động trích lập dự phòng của các ngân hàng dường như chưa tương xứng?
Đúng vậy, qua những buổi họp thông báo kết quả hoạt động kinh doanh quý III/2024 của các ngân hàng, chúng tôi quan sát thấy một số ngân hàng vẫn chưa trích lập dự phòng đầy đủ cho nợ tái cơ cấu.
Nguyên nhân là do Thông tư 02 cho phép hoãn trích lập dự phòng 50% cho đến hết năm 2024. Ngoài ra, một số ngân hàng tư nhân lớn ghi nhận tăng nợ tái cơ cấu sẽ phải đối mặt với rủi ro chi phí dự phòng tăng mạnh trong các tháng cuối năm và ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng.
|
Tỷ lệ nợ có vấn đề phản ánh tốt hơn chất lượng tài sản toàn ngành. Nợ có vấn đề bao gồm nợ xấu, trái phiếu VAMC và nợ tái cơ cấu - Nguồn: NHNN, Vietnam Investors Service. |
Nhìn chung, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) của các ngân hàng vẫn yếu và đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây: vào khoảng 83% tại cuối quý III/2024, giảm từ mức 96% của năm 2023, do tỷ lệ nợ có vấn đề tăng. Trong đó, các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ có rủi ro cao nhất.
Phần lớn các ngân hàng vừa và nhỏ tiếp tục có tỷ lệ LLCR ở dưới mức trung bình ngành, giảm xuống còn 25% và 57% vào quý III/2024. Các ngân hàng này thường có danh mục cho vay tập trung hơn và khách hàng dễ bị tổn thương hơn trước những biến động của nền kinh tế và rủi ro cụ thể của từng ngành.
Ngược lại, các ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối tiếp tục chứng minh khả năng phục hồi trước những thách thức này, duy trì bộ đệm dự phòng cao nhất ngành ở mức 150% trong quý III/2024. Các nhà băng trong nhóm này có được bộ đệm mạnh mẽ là nhờ chất lượng tài sản luôn duy trì ổn định thông qua hoạt động cho vay thận trọng và danh mục cho vay đa dạng hơn.
Trong bối cảnh chưa đầy một tháng nữa Thông tư 02 sẽ hết hiệu lực mà tình hình nợ xấu của các ngân hàng vẫn diễn biến phức tạp, theo bà, có nên tiếp tục gia hạn thông tư này?
Theo quan sát của chúng tôi, tốc độ hình thành nợ có vấn đề mới đang chậm lại ở các ngân hàng và điều này cho thấy khả năng trả nợ của người đi vay đang dần cải thiện.
|
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu vẫn ở mức yếu |
Với chất lượng tài sản ổn định và quy mô các khoản vay được tái cơ cấu trên tổng dư nợ tín dụng ở mức khiêm tốn, nhu cầu về các biện pháp gia hạn nợ sẽ ít hơn. Trong trường hợp Thông tư 02 không được gia hạn, chúng tôi cho rằng sẽ không có tác động đáng kể nào đến khả năng trả nợ của người đi vay.
Như đã đề cập trước đó, chi phí tín dụng sẽ tăng đối với một số ít ngân hàng có các khoản vay được tái cơ cấu tăng đáng kể tại những người đi vay vẫn còn khó khăn và các ngân hàng này sẽ phải chủ động xử lý và thu hồi nợ xấu.