Nhu cầu đầu tư tài chính tiếp tục mở rộng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những năm gần đây, cùng với sự hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, với mức tăng GDP bình quân hàng năm trên 6%, cao hàng đầu thế giới. Thị trường tài chính, nơi hội tụ rất nhiều kênh đầu tư hiện đại và đầy tiềm năng đã thu hút nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào một cách mạnh mẽ.
Nhu cầu đầu tư tài chính tiếp tục mở rộng

Bùng nổ theo đà tăng trưởng của nền kinh tế

Báo cáo của Knight Frank ước tính, giai đoạn 2020 - 2025, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ gia tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới. Còn McKinsey ước tính, có khoảng 37 triệu người tiêu dùng Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2030.

Trước năm 2010, kinh tế Việt Nam còn khó khăn, thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp, đa phần người dân kiếm tiền chỉ đủ trang trải cho các nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Tuy vậy, những năm gần đây, cùng với sự hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, với mức tăng GDP bình quân hàng năm trên 6%, cao hàng đầu thế giới.

Dự báo đến năm 2030, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và Top đầu thế giới. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam trong năm 2023 dự kiến đạt trên 4.000 USD/người/năm, vượt qua mức thu nhập thấp và trở thành nước có thu nhập trung bình. Số người có thu nhập cao và dôi dư tiền đang tăng rất nhanh. Vì thế, nhu cầu đầu tư để sinh lời cho đồng vốn nhàn rỗi của người dân ngày càng lớn.

Ảnh tác giả

Thu nhập của người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện, nguồn tiền dôi dư tăng nhanh, nhu cầu đầu tư theo đó ngày càng lớn.

Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị AzFin

Bên cạnh đó, ngay cả giới siêu giàu trước đây chỉ biết đến kênh đầu tư bất động sản như là kênh duy nhất thì hiện nay họ cũng có nhu cầu tìm kiếm thêm những kênh đầu tư mới, cho tỷ suất sinh lời cao cũng như đa dạng hóa danh mục tài sản. Nhờ vậy, thị trường tài chính, nơi hội tụ rất nhiều kênh đầu tư hiện đại và đầy tiềm năng đã thu hút nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào một cách mạnh mẽ.

Nhu cầu đầu tư vào các sản phẩm tài chính đang lớn bao giờ hết. Đơn cử, thị trường chứng khoán đón nhận tới 4,1 triệu tài khoản mở mới trong 2 năm 2021 - 2022, cao hơn 1,5 lần số tài khoản nhà đầu tư mở trong suốt 20 năm trước đó cộng lại. Thanh khoản thị trường đạt trung bình trên 1 tỷ USD/phiên trong giai đoạn 2021-2022, cao gấp 8 lần so với trung bình 10 năm trước đó. Tương tự, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng thu hút được nhiều nhà đầu tư cá nhân trước khi xảy ra khủng hoảng tại thị trường này vào cuối năm 2022.

Điểm yếu quản trị tài chính của người Việt

Nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư rất lớn của người dân, thị trường tài chính liên tục xuất hiện những sản phẩm mới. Tuy vậy, chất lượng của các sản phẩm tài chính còn nhiều vấn đề. Trái phiếu rác, trái phiếu kém chất lượng được phát hành tràn lan, dẫn đến cuộc khủng hoảng của thị trường trái phiếu vào cuối năm 2022, làm cho không ít nhà đầu tư thua lỗ, thậm chí mất trắng khoản tiền tích luỹ cả đời của mình. Tác động này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm nữa. Bên cạnh đó, vấn nạn tư vấn sai sự thật nhằm bán bảo hiểm, các “đội lái” cổ phiếu hoành hành, lừa đảo đầu tư tiền ảo (crypto) cũng làm cho niềm tin của người dân vào thị trường tài chính bị giảm sút nhất định.

Tuy vậy, đã có những tín hiệu tích cực từ các cơ quan quản lý khi ban hành các quy định pháp luật mới chặt chẽ hơn cũng như xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm, nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trên thị trường tài chính, tạo môi trường đầu tư an toàn, hiệu quả và bền vững hơn cho người dân Việt Nam.

Thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường có tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân tham gia cao nhất thế giới. Nhà đầu tư cá nhân đóng góp tới 90% thanh khoản của thị trường chứng khoán, khiến rủi ro của thị trường cao hơn, do nhà đầu tư cá nhân thường bị chi phối bởi tâm lý đám đông.

Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu đến từ việc giáo dục kiến thức về tài chính cá nhân và đầu tư tài chính còn hạn chế, các kiến thức lan toả trên các kênh mạng xã hội đa phần thiếu chính xác và thiên lệch theo hướng đầu cơ, thay vì đầu tư. Điều này khiến nhà đầu tư thiếu trầm trọng những kiến thức tài chính nền tảng cần thiết, thậm chí hiểu sai lệch về thị trường tài chính, dẫn đến khoảng 80 - 95% nhà đầu tư thua lỗ.

Bên cạnh đó, người Việt Nam nói riêng và người châu Á nói chung thường không tin tưởng giao tiền của mình cho người khác quản lý. Họ thường tự mình tìm hiểu đầu tư, thay vì tìm chuyên gia tư vấn, tìm quỹ đầu tư chuyên nghiệp như người dân tại các nước phương Tây, vì thế, các quỹ đầu tư khó phát triển.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán của Việt Nam còn non trẻ, các quỹ đầu tư thực sự hiệu quả và uy tín chưa nhiều. Việc thành lập các công ty quản lý quỹ đầu tư rất khó khăn khi từ năm 2010 đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cơ bản ngừng cấp giấy phép thành lập các công ty quản lý quỹ, từ đó không có nhiều lựa chọn cho nhà đầu tư.

Khi nền kinh tế rơi vào khó khăn, khủng hoảng niềm tin trên thị trường chứng khoán, khủng hoảng vỡ nợ trái phiếu chất lượng thấp và thị trường bất động sản đóng băng vào cuối năm 2022 đã phơi bày nhiều điểm yếu về mặt quản trị tài chính của người dân Việt Nam nói chung và các nhà đầu tư chứng khoán nói riêng.

Thứ nhất, nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính rất cao, khi khó khăn xảy ra khiến nhiều người mất khả năng thanh toán do tài sản giảm giá và mất thanh khoản, từ đó dẫn đến vỡ nợ không ít.

Thứ hai, phân bổ tài sản rất rủi ro, bỏ tất cả trứng vào một giỏ, như bỏ toàn bộ tài sản vào bất động sản, hay bỏ tất cả vào cổ phiếu hoặc trái phiếu. Khi kênh đầu tư gặp khó, nhà đầu tư không kịp xoay xở, dẫn tới thua lỗ lớn, mất vốn, hoặc kẹt thanh khoản, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống gia đình.

Hiểu biết và kỷ luật, nền tảng đầu tư hiệu quả

Bài học rút ra đối với mỗi người dân là cần trang bị cho mình và người thân kiến thức về tài chính và xây dựng tháp tài sản hiệu quả.

Trang bị kiến thức về tài chính cá nhân toàn diện hiệu quả với 5 khía cạnh được AzFin đưa ra tham khảo: (1) Kiếm tiền hạnh phúc; (2) Tiết kiệm kỷ luật; (3) Chi tiêu thông thái; (4) Bảo vệ thông minh và (5) Đầu tư hiệu quả.

AzFin cũng khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân xây dựng tháp tài sản bền vững và hiệu quả: Tầng 1, lớp tài sản cơ bản nhất và cũng là lớp tài sản vô hình, gồm năng lực bản thân, các mối quan hệ và sức khoẻ tốt; Tầng 2, lớp tài sản phòng vệ như bảo hiểm, vàng, bất động sản để ở; Tầng 3, lớp tài sản thu nhập ổn định, bao gồm lương, thưởng, tiết kiệm hoặc trái phiếu; Tầng 4, tài sản tăng trưởng, giúp gia tăng nguồn thu nhập thụ động như tích sản cổ phiếu và đầu tư bất động sản đất nền. Sau khi xây dựng đủ 4 lớp tài sản trên, có thể xây thêm lớp tài sản thứ 5 nhằm có cơ hội gia tăng tài sản đột biến, đó là lớp mạo hiểm với các tài sản như crypto, cổ phiếu penny…

Mỗi cá nhân cũng cần xây dựng kế hoạch, chiến lược và thực hiện bài bản, kỷ luật để từng bước hướng đến mục tiêu tự do tài chính. Bên cạnh đó, cũng cần nhờ các chuyên gia trong lĩnh vực này để nhận được sự hỗ trợ và tư vấn một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.

Đặng Trần Phục
Chủ tịch Hội đồng quản trị AzFin

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ