Nhu cầu dầu của Trung Quốc sụt giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trung Quốc đang phải đối mặt với cú sốc nhu cầu dầu lớn nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch khi quốc gia này đang nỗ lực nhằm chế ngự đợt bùng phát biến thể Omicron.
Nhu cầu dầu của Trung Quốc sụt giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2020

Theo những người có hiểu biết sâu rộng về ngành năng lượng của Trung Quốc, nhu cầu về xăng, dầu diesel và nhiên liệu hàng không của nước này trong tháng 4 dự kiến ​​sẽ giảm 20% so với một năm trước đó. Điều đó tương đương với mức tiêu thụ dầu thô giảm 1,2 triệu thùng/ngày và là cú đánh lớn nhất về nhu cầu kể từ khi thành phố Vũ Hán bị phong tỏa hơn hai năm trước.

Sự suy giảm tương đương với khoảng 9% nhu cầu dầu hàng ngày của Trung Quốc khi so sánh với mức trung bình năm 2021. Các nhà điều hành dầu mỏ Trung Quốc cho biết, xăng sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất, trong khi nhiên liệu máy bay đang giảm xuống mức nền vốn đã thấp. Mặc dù nhu cầu đối với dầu diesel từ ngành vận tải đường bộ đã giảm xuống, nhưng các ngành nông nghiệp và công nghiệp lại nhận được yếu tố hỗ trợ.

Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - đã phải vật lộn để kiềm chế đợt bùng phát mới nhất dẫn đến hàng loạt vụ phong toả trên khắp cả nước, đáng chú ý nhất là ở trung tâm tài chính Thượng Hải. Việc nước này này theo đuổi chiến lược Zero Covid đã dẫn đến một mạng lưới các quy tắc cách ly làm hạn chế tính di động và sản lượng công nghiệp, làm rối loạn chuỗi cung ứng và làm ảnh hưởng đến mức tiêu thụ nhiên liệu.

Các nhà kinh tế được Bloomberg thăm dò ý kiến ​​đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của họ đối với Trung Quốc do sự bùng phát trở lại của virus, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuần này cho biết: “Chúng ta vẫn chưa bước ra khỏi cái bóng của đại dịch kéo dài một thế kỷ”.

Trung Quốc đã thành công trong việc ngăn chặn các đợt bùng phát virus lẻ tẻ kể từ Vũ Hán nhưng biến thể Omicron rất dễ lây lan khiến việc dập tắt nhanh chóng trở nên khó khăn hơn. Trung Quốc đang tăng gấp đôi cách tiếp cận với chiến lược Zero Covid, trong khi các quốc gia khác đang mở cửa và sống chung với virus.

Các nhà điều hành dầu mỏ Trung Quốc cho biết, nhu cầu xăng dầu ở miền đông Trung Quốc đã giảm khoảng 40% trong tháng 4 này, chủ yếu là do việc phong toả ở Thượng Hải.

Các đợt phong toả đang gây áp lực lên các nhà máy lọc dầu nước này. Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (Sinopec) cùng với các nhà máy lọc dầu độc lập ở Sơn Đông đã buộc phải cắt giảm tốc độ vận hành khi lượng tiêu thụ hạ nhiệt. Điều đó dẫn đến sự gia tăng các kho dự trữ nhiên liệu và động thái vận động chính phủ cấp thêm hạn ngạch để vận chuyển nhiều sản phẩm hơn ra thị trường nước ngoài.

Trong khi cuộc chiến chống lại virus của Trung Quốc đã có một số tác động đến giá dầu tương lai, giá dầu Brent phần lớn vẫn giữ trên 100 USD/thùng kể từ cuối tháng 2. Morgan Stanley cho biết, đợt bùng phát là thách thức trong ngắn hạn và thâm hụt nguồn cung lớn hơn dự kiến ​​từ Nga và Iran sẽ vẫn là yếu thúc đẩy giá dầu tăng cao.

Morgan Stanley đã nâng ước tính giá dầu trong quý III lên mức 130 USD/thùng và dự đoán thâm hụt nguồn cung khoảng 1 triệu thùng/ngày sẽ kéo dài trong suốt năm nay.

Mặt khác, các nhà chức trách Trung Quốc đã cam kết giữ ổn định chuỗi cung ứng và công nghiệp bằng cách loại bỏ những trở ngại trong lĩnh vực hậu cần. Tiêu thụ nhiên liệu đường bộ ở miền đông Trung Quốc dự kiến ​​sẽ dần phục hồi vào đầu tháng 5, với một số dữ liệu cho thấy đã có sự cải thiện.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục