Nhộn nhạo kinh doanh vận tải và bến xe ô tô liên tỉnh

Vẫn còn nhiều khiếm khuyết trong công tác điều hành, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải ô tô và bến xe ô tô khách tại Cà Mau, Trà Vinh, Khánh Hòa, Yên Bái và Lai Châu.
Nhộn nhạo kinh doanh vận tải và bến xe ô tô liên tỉnh

Vi phạm nhiều

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa hoàn tất Kết luận thanh tra số 12763/KL - GTVT về việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe ô tô khách tại các tỉnh kể trên.

Trong số các địa phương nằm trong đợt thanh tra chuyên ngành về vận tải đường bộ do Bộ GTVT triển khai từ ngày 10/9/2018 - 18/10/2018, Khánh Hòa là tỉnh có số lượng đơn vị kinh doanh vận tải lớn nhất (2.573 đơn vị), số lượng phương tiện được cấp phù hiệu nhiều nhất (9.884 xe, trong đó có 264 xe tuyến cố định, 1.552 xe hợp đồng, 98 buýt, 1.297 xe taxi…) và cũng có nhiều bến xe nhất (6 bến).

Được biết, đối với các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Bộ GTVT đã tiến hành thanh tra các nội dung: điều kiện pháp lý để hoạt động kinh doanh; nơi đỗ xe; phương tiện và quản lý phương tiện; quản lý, sử dụng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe; thiết bị giám sát hành trình; phương án kinh doanh, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải; công tác theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông; xây dựng và thực hiện quy trình đảm bảo an toàn giao thông; lệnh vận chuyển, giấy vận tải; trung tâm điều hành và trang thiết bị phục vụ điều hành taxi; đăng ký biểu trưng đơn vị taxi; thực hiện hợp đồng vận chuyển; kê khai, niêm yết giá cước và các nội dung theo quy định.

“Nội soi” Kết luận thanh tra số 12763 có thể nhận thấy, lỗi phổ biến nhất trong lĩnh vực này nằm ở khâu quản lý, sử dụng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe.

Cụ thể, Thanh tra Bộ GTVT phát hiện có tới 8 đơn vị chưa tiến hành khám sức khỏe định kỳ cho lái xe theo quy định tại điểm b, khoản 3, Nghị định số 86/2014/NĐ - CP về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó Cà Mau có 3 đơn vị, Trà Vinh có 2 đơn vị, Lai Châu có 3 đơn vị. Điều đáng lo ngại là, có 3 đơn vị sử dụng lái xe không đủ sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế gồm Công ty CP Sun Taxi; Chi nhánh Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Khánh Hòa) và Chi nhánh Công ty TNHH MTV Thanh Thủy (Lai Châu). 

Trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trên hệ thống dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Thanh tra Bộ GTVT phát hiện có 30 đơn vị với 716 lái xe vi phạm về thời gian lái xe liên tục từ 10% số ngày hoạt động trong một tháng.

“Nhiều đơn vị kinh doanh vận tải được thanh tra còn có nhiều vi phạm ở một số các khâu như quản lý phương tiện, lái xe; quản lý hoạt động kinh doanh vận tải qua thiết bị giám sát hành trình… trong khi đây là những khâu quyết định đến an toàn giao thông khi lái xe vận hành trên đường”, ông Lê Thanh Hà, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết. 

Sở GTVT cũng mắc lỗi

Một trong những điểm sáng được Thanh tra Bộ GTVT  ghi nhận là công tác quản lý bến xe khách, điểm đỗ tại 5 tỉnh: Cà Mau, Trà Vinh, Khánh Hòa, Yên Bái và Lai Châu. Ngoại trừ Bến xe phía Bắc Nha Trang (Khánh Hòa) không đảm bảo diện tích tối thiểu, các bến xe cơ bản đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về bến xe khách và loại bến xe được Sở GTVT công bố.

Điều đáng nói là, không chỉ các doanh nghiệp vận tải để xảy ra sai sót, bản thân các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông tại địa phương cũng mắc khá nhiều lỗi. 

Cụ thể, Thanh tra Bộ GTVT phát hiện Sở GTVT Lai Châu chưa xây dựng, công bố đưa vào khai thác 17/32 điểm đón trả khách tuyến cố định; Sở GTVT Cà Mau chưa xây dựng, công bố đưa vào khai thác 28/62 điểm đón trả khách tuyến cố định.

Đặc biệt, các Sở GTVT: Trà Vinh, Khánh Hòa, Yên Bái thậm chí còn chưa hề xây dựng, công bố đưa vào khai thác các điểm đón trả khách tuyến cố định trên địa bàn theo Thông tư số 63/2014/TT - BGTVT về tổ chức quản lý vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe ô tô. 

Trong công tác tổ chức quản lý hoạt động vận tải qua thiết bị giám sát hành trình, Sở GTVT Khánh Hòa xử lý vi phạm nhiều trường hợp của đơn vị kinh doanh vận tải được phát hiện qua thiết bị giám sát chưa phù hợp quy định tại Điều 21, Thông tư số 10/2015/TT - GTVT về xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô. 

Sở GTVT Cà Mau có 175 phương tiện, Sở GTVT Trà Vinh có 281 phương tiện và Sở GTVT Yên Bái có 4 phương tiện được Sở cấp phù hiệu, nhưng không nằm trong danh sách phương tiện do Sở quản lý trên hệ thống quản lý dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Được biết, cùng với việc yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước về vận tải tại địa phương tổ chức rút kinh nghiệm về các tồn tại được phát hiện, Bộ GTVT yêu cầu 5 Sở GTVT chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT xử phạt vi phạm hành chính đối với các lỗi vi phạm của các đơn vị vận tải.

“Các đơn vị phải báo cáo kết quả thực hiện Kết luận Thanh tra về Bộ GTVT trước ngày 15/12/2018”, Chánh thanh tra Bộ GTVT yêu cầu.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục