Nhờn chính sách

(ĐTCK-online) Có thể nói, nhiều ngân hàng đã tỏ ra "nhờn" với các chính sách của cơ quan quản lý. Hiện tượng này có nguyên nhân một phần do chính các lần "nhờn chính sách" từng xảy ra.
Các ngân hàng nhỏ liên tục "sáng tạo" ra các cách thức lách lãi suất mới (Ảnh minh họa: Internet) Các ngân hàng nhỏ liên tục "sáng tạo" ra các cách thức lách lãi suất mới (Ảnh minh họa: Internet)

Tháng 3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện hàng loạt biện pháp cùng lúc nhằm định hướng hoạt động ngân hàng để kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng, trong đó có những biện pháp nhắm thẳng vào các chiêu lách luật mà nhiều ngân hàng từng áp dụng như thu phí cho vay, trả phí nhận gửi.… Tuy nhiên, thị trường ngân hàng lại xuất hiện các sản phẩm lách luật mới, chẳng hạn như nâng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên khoảng 10%/năm, "Tiền gửi bảo đảm bằng USD" - thực chất là một biến tướng của việc nâng lãi suất huy động VND, khiến NHNN lại phải… nghiên cứu quy định mới.

Có thể nói, nhiều ngân hàng đã tỏ ra "nhờn" với các chính sách của cơ quan quản lý. Hiện tượng này có nguyên nhân một phần do chính các lần "nhờn chính sách" từng xảy ra.

Sở dĩ một số ngân hàng nhỏ liên tục "sáng tạo" ra các cách thức lách lãi suất mới vì các ngân hàng này luôn có nhu cầu huy động tiền gửi, nhiều lúc khá gấp gáp để bù đắp thanh khoản. Quy mô nhỏ, công nghệ yếu chính là những yếu tố khiến các ngân hàng nhỏ chỉ có thể "sống" dựa vào tín dụng, một hoạt động cần đến tiền huy động hơn là vốn chủ sở hữu. Vì thế, nhóm này luôn rất nhạy cảm với các động thái thắt chặt cung tiền của NHNN cũng như các đợt chuyển hướng đầu tư của người gửi tiền.

"Hệ thống ngân hàng của chúng tôi vừa thừa vừa thiếu: thừa số lượng ngân hàng và thiếu ngân hàng lớn, mạnh", đại diện NHNN đã nói như vậy với các nhà đầu tư nước ngoài tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cách đây 2 năm. Nhận thức này đã có từ trước đó, dẫn đến yêu cầu cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và đã được thể chế hóa thành Nghị định 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006 của Chính phủ. Nghị định này quy định: đến hết năm 2010, mọi ngân hàng phải có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, dù có lộ trình dài tới 4 năm, nhiều ngân hàng vẫn không làm được, buộc Chính phủ phải giãn thêm 1 năm.

Các ngân hàng không hoàn thành kịp lộ trình tăng vốn lấy lý do là thị trường chứng khoán không thuận lợi. Đó là một thực tế, nhưng các ngân hàng này còn có một cách khác để đáp ứng quy định của Nghị định 141, song không làm, là tiến hành sáp nhập (không hiểu vì sao?!).

Giờ đây, trước hiện tượng lách lãi suất của một số ngân hàng, nhiều chuyên gia tài chính đã đề cập trở lại giải pháp tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, điều mà Nghị định 141 nói trên nhắm đến. Còn 7 tháng nữa để các ngân hàng chưa đạt vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng hoàn thành lộ trình tăng vốn bắt buộc (!) đã nới lỏng. Đây cũng là khoảng thời gian được dự đoán là ngành ngân hàng sẽ phải đối diện với sự quyết liệt của NHNN nhằm hạn chế tăng trưởng tín dụng bởi áp lực lạm phát vẫn rất lớn dưới tác động của lạm phát thế giới (đặc biệt là Trung Quốc), nhập siêu (chủ yếu từ Trung Quốc) và việc điều chỉnh giá điện, xăng...

Áp lực lạm phát cũng gây nên kỳ vọng lạm phát và khiến lãi suất yêu cầu của tiền gửi cao hơn. Khi đó, nếu NHNN khống chế trần lãi suất, ngân hàng thương mại nhỏ sẽ tiếp tục phải xoay sở các chiêu lách để cân đối thanh khoản, trừ khi các ngân hàng này đã tiến hành tái cơ cấu để hoạt động không còn lệ thuộc vào chỉ một hoạt động là nhận gửi - cho vay.

Quang Huy
Quang Huy

Tin cùng chuyên mục