Vàng thau lẫn lộn
Sau khi Báo Đầu tư Bất động sản thông tin về tình trạng loạn nhãn hiệu Nhôm Việt Pháp, đã có nhiều doanh nghiệp cùng tên phản hồi về tình trạng này.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Bất động sản, ông Vũ Văn Phụ, Giám đốc Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp - Nhà máy nhôm Việt Pháp cho biết, công ty ông đăng ký kinh doanh 2009, đã đăng ký nhãn hiệu và sản phẩm sản xuất ra thị trường đã khẳng định được thương hiệu. Tuy nhiên, không hiểu vì sao sau đó có hàng chục doanh nghiệp có chữ “nhôm Việt Pháp” lại ra đời, mà vẫn được pháp luật công nhận.
“Năm 2009, tôi là người đầu tiên ở thị trường nhôm Việt Nam đăng ký xây dựng thương hiệu ‘nhôm Việt Pháp’. Chúng tôi xây dựng thương hiệu trong 3 năm, thì đến năm 2011 bắt đầu lác đác mọc lên các công ty cũng gắn thương hiệu ‘nhôm Việt Pháp’ và sau đó là hàng loạt công ty có thương hiệu này ra đời. Họ thiết kế logo, màu nền giống hệt của chúng tôi, mà công ty thì không thể đăng ký hết được các màu đó trên thị trường, khiến khách hàng nhầm lẫn. Chúng tôi chỉ còn cách đưa ra các khuyến cáo, thông tin nhận diện sản phẩm của mình cho khách hàng”, ông Phụ nói.
Về sản phẩm, theo ông Phụ, việc lựa chọn thương hiệu nhôm Việt Pháp nào là do người tiêu dùng quyết định. Tuy nhiên, khách hàng nên lựa chọn sản phẩm của các công ty có tên tuổi, uy tín trên thị trường, những nhà máy đã sản xuất lâu năm, có trách nhiệm.
Thế nhưng, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, thì đây là câu chuyện không dễ với người tiêu dùng, bởi trên thị trường hiện nay thương hiệu “nhôm Việt Pháp” nào cũng khẳng định sản phẩm của mình là chất lượng nhất và đều đưa ra khuyến cáo cho người tiêu dùng về cách nhận biết nhôm Việt Pháp "xịn".
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp Aluwin có địa chỉ ở Hà Nội giới thiệu trên website của mình rằng, khi nhắc đến nhôm, thì “nhôm Việt Pháp” chính là cái tên được ưa chuộng nhất. Không chỉ nổi trội về chất lượng sản phẩm, mà mẫu mã đa dạng, cộng thêm giá thành hợp lý nên nhôm Việt Pháp luôn là cái tên mà các nhà đầu tư xây dựng tin tưởng.
Nhiều nhà máy “nhôm Việt Pháp” đưa ra cảnh báo và cách nhận diện sản phẩm “xịn” của mình
Cũng theo đơn vị này, tất cả sản phẩm của công ty được sản xuất trên dây chuyền với công nghệ tiên tiến và tiêu chuẩn hàng đầu của châu Âu tạo thành các cấu kiện hoàn chỉnh, có chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, có nhiều màu sắc trang nhã, đẹp mắt, hiện đại, kết cấu vững chắc, độ bền rất cao và rất kinh tế trong sử dụng…
“Tùy vào mục đích nhu cầu và thiết kế từng loại cửa mà chúng ta sẽ chọn loại nhôm phù hợp. Tuy nhiên, hiện trên thị trường Việt Nam, nhôm giả kém chất lượng được gắn mác ‘nhôm Việt Pháp’ và trà trộn trên thị trường. Vậy làm thế nào để phân biệt được nhôm Việt Pháp chính hãng? Đối với nhôm Việt Pháp chính hãng luôn có thông số tem, chữ in rõ ràng, đó là điểm để chúng ta nhận biết được nhôm Việt Pháp chính hãng tại Việt Nam. Nhôm Việt Pháp không tiêu chuẩn cũng có tem màu đỏ bên ngoài, nhưng với hàng chính hãng, khi bóc tem vẫn có chữ in chìm của nhà máy”, đơn vị này nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, nhiều đơn vị phân phối nhôm lâu năm cũng cho biết, người tiêu dùng rất khó nhận biết đâu là nhôm Việt Pháp thật. Vì hiện tại không có một tiêu chuẩn nào cho thương hiệu “nhôm Việt Pháp” và nhiều doanh nghiệp lợi dụng điều này để “lập lờ đánh lận con đen”.
Về phía doanh nghiệp, ông Phụ cho biết, việc kiểm định chất lượng, thương hiệu sản phẩm là của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp rất khó để phán quyết việc này, dù biết một số thương hiệu “có vấn đề”.
“Có những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, nhưng có những doanh nghiệp làm ăn chộp giật, họ làm ra sản phẩm có kiểu dáng, mẫu mã giống hệt mình, bán với giá rẻ hơn và dĩ nhiên là tiền nào của đấy. Điều này làm phá nát hết cả hệ thống”, ông Phụ nhấn mạnh.
Khách hàng phải làm gì?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Trần Văn Phong, đại diện Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Xây dựng Việt Phong, đơn vị chuyên phân phối sản phẩm về nhôm cho biết, cửa nhôm Việt Pháp hiện được bán nhiều trên thị trường và được nhiều người lựa chọn, nhưng mỗi sản phẩm nhôm Việt Pháp khác nhau thì có chất lượng, giá cả cũng khác nhau, thậm chí có cả những sản phẩm trôi nổi, nhái thương hiệu. Để tránh mua phải hàng kém chất lượng, khách hàng nên mua hàng có tem nhãn, có địa chỉ xuất xứ rõ ràng.
Trên mỗi mẫu cửa nhôm chính hãng đều được dán tem nhãn chất lượng đi kèm. Đây là dấu hiệu cho thấy dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao, được cơ quan chức năng chứng nhận. Ngoài ra, những con tem đó còn là nơi lưu trữ thông tin về đơn vị sản xuất, trong trường hợp có vấn đề, khách hàng có thể trích xuất nguồn gốc để đảm bảo quyền lợi của mình. Tuy nhiên, do tâm lý ham rẻ, nhiều người tiêu dùng không mấy khi chú ý đến các chi tiết này, nên mua phải sản phẩm nhái, có chất lượng kém.
Ngoài ra, với việc thị trường có nhiều thương hiệu nhôm Việt Pháp, khách hàng cũng cần lưu ý mua sản phẩm đồng bộ của một hãng, vì nếu không để ý, thì khi mua về gặp vấn đề trong lắp đặt do phụ kiện không tương thích.
Theo ông Phong, thông thường mẫu cửa nhôm Việt Pháp sẽ đi kèm với một bộ phụ kiện inox. Tất cả các chi tiết này đều được các hãng sản xuất tương thích với nhau. Do đó, trước khi mua sản phẩm cửa nhôm, khách hàng nên tìm hiểu kỹ, tham khảo ý kiến của các tư vấn viên bán hàng và tốt nhất nên tìm đến các đơn vị phân phối chuyên nghiệp, uy tín.
Ngoài chất lượng sản phẩm và vấn đề tương thích về sản phẩm, phụ kiện, khách hàng cũng nên chú ý tới chính sách bảo hành của nhà sản xuất, bởi mỗi doanh nghiệp có chính sách bảo hành riêng biệt, trong đó có các quy định, điều khoản có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của khách hàng, thậm chí không được bảo hành.
Để tránh rơi vào tình trạng nêu trên, người tiêu dùng nhất định phải tìm hiểu kỹ lưỡng các điều khoản bảo hành. Nếu có vấn đề chưa rõ nên trực tiếp hỏi lại người tư vấn. Đồng thời, chỉ chấp nhận thanh toán khi đã nắm được điều kiện bảo hành của nhà sản xuất.
Ông Phong cho biết thêm, trên thị trường, hệ nhôm Việt Pháp là khác và nhôm đăng ký bản quyền nhà máy nhôm Việt Pháp là khác. Thực ra, đây chỉ là cái tên gọi, vì tất cả các sản phẩm, doanh nghiệp, thương hiệu đều có giấy chứng nhận ISO đều được kiểm định. Còn thương hiệu “nhôm Việt Pháp” chỉ là đăng ký bản quyền.
“Cùng một loại nhôm, nhưng tên gọi khác nhau, khách hàng yêu cầu loại nào thì làm loại đấy, như câu chuyện kính cường lực chẳng hạn, một doanh nghiệp nhập một sản phẩm kính cường lực từ đơn vị nào đó về gia công lại thì mang thương hiệu của mình. Tóm lại, nó chỉ là một cái tên gọi mà thôi”, ông Phong nói.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com