Chỉ số “trượt chân” ở vùng kháng cự
Tuần giao dịch thứ 2 của năm 2024 kết thúc với việc VN-Index “trượt chân” ở vùng kháng cự 1.160 - 1.170 điểm. Theo đó, chỉ số đóng cửa tại 1.154,70 điểm, ghi nhận không tăng so với cuối tuần giao dịch trước đó. Tuy xuyên suốt tuần tăng điểm mạnh nhờ sự vượt trội bất ngờ của nhóm ngân hàng, nhưng áp lực chốt lời gia tăng trên diện rộng gần như đã xóa hết nỗ lực kéo tăng của chỉ số chung.
Thanh khoản là một điểm sáng khi giá trị giao dịch duy trì ở mức cao, bình quân trên 17.000 tỷ đồng/phiên, cao hơn nhiều so với các tuần giao dịch trước đó và kể cả năm 2023.
Sự vượt trội của thanh khoản không đến từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài khi khối này bán ròng gần 800 tỷ đồng, trải đều ở nhiều mã và nhóm ngành. Thanh khoản gia tăng nhờ lực cầu từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước và khối tự doanh công ty chứng khoán, tập trung vào nhóm ngành ngân hàng. Vì vậy, nhóm cổ phiếu này với sự quan tâm lớn của dòng tiền đã có mức tăng giá tích cực, không ít mã tăng từ 5 - 7% như MBB, TCB, ACB…
Do dòng tiền thiếu sự quan tâm đến các nhóm ngành khác, kể cả các nhóm có độ nhạy tốt với thị trường như chứng khoán hay thép, nên đa số nhóm ngành có diễn biến điều chỉnh, khiến VN-Index trong trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng”. Tuy chỉ số có nhiều phiên tăng hơn giảm, nhưng nhà đầu tư lại thấy hiệu suất đầu tư không thể vượt trội thị trường nếu thiếu cổ phiếu ngân hàng trong danh mục.
Tuần này, VN-Index dự kiến sẽ đối mặt với áp lực chốt lời gia tăng khi nhiều mã cổ phiếu trụ ngành ngân hàng đang tiến đến vùng kháng cự mạnh là đỉnh ngắn hạn cũ, khiến chỉ số chung có thể điều chỉnh. Trong bối cảnh cần thời gian để dòng tiền quan tâm trở lại nhóm vốn hóa vừa đã chiết khấu khá tốt trong 2 tuần vừa qua, diễn biến đi ngang từ 1.130 - 1.160 điểm của VN-Index có thể xảy ra.
Ngành thép: Chờ đợi phục hồi
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép xây dựng tính đến tháng 11/2023 đạt 7,7 triệu tấn, trong đó giai đoạn từ tháng 8 trở đi chứng kiến sự phục hồi nhu cầu theo từng tháng. Chúng tôi ước tính, tiêu thụ thép xây dựng cả năm 2023 thấp hơn khoảng 11% so với năm 2022, nhưng nhu cầu cải thiện trong những tháng gần đây là một cơ sở để kỳ vọng ngành thép tiếp tục phục hồi, nhất là khi Chính phủ có dự định đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đến năm 2025 trong chiến lược hoàn thiện mạng lưới hạ tầng. Mảng bất động sản mặc dù chỉ mới phục hồi ở phân khúc nhà ở tầm trung nhưng vẫn chiếm một phần nhất định trong sự phục hồi của nhu cầu.
Còn theo ước tính từ VSA, trong năm 2023, tổng sản lượng thép thô đạt 17,87 triệu tấn, giảm 9%; sản phẩm thép đạt 26,56 triệu tấn, giảm 8,33% so với năm 2022.
Giá thép trong nước đã có nhiều đợt giảm, đến tháng 9/2023 mới bắt đầu tăng trở lại. Chúng tôi cho rằng, giá thép tăng do chi phí đầu vào của các doanh nghiệp tăng bởi các thông tin tác động từ thị trường Trung Quốc, trong khi động lực từ phía cầu chưa xuất hiện. Theo ước tính của chúng tôi, biên lợi nhuận gộp của ngành thép đang được duy trì ở ngưỡng thấp, từ 7 - 8% đối với các doanh nghiệp nhỏ và 11 - 12% đối với các công ty đầu ngành. Mức lợi nhuận này còn cách khá xa so với giai đoạn tốt nhất của ngành thép (22% trong năm 2021).
Năm 2024, VSA dự báo, tổng lượng sản xuất và tiêu thụ thép có thể đạt lần lượt là 29 triệu tấn và 21,67 triệu tấn, tăng tương ứng 6,7% và 7,4% so với năm 2023. Động lực chính là khả năng tăng tốc giải ngân đầu tư công và sự phục hồi của ngành bất động sản. Cụ thể, ngành bất động sản sau một năm ảm đạm đã cho thấy một số điểm sáng, khi giao dịch căn hộ chung cư trong quý III/2023 dù bằng 73% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng tăng 24,7% so với quý liền trước. Các dự án được tái khởi động và hoàn thành trong dịp cuối năm 2023 cũng tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Chúng tôi kỳ vọng vào sự phục hồi của các doanh nghiệp thép trong năm 2024, mặc dù mức tăng có khả năng không mạnh khi nhu cầu có thể quay lại trễ.