Nhóm “full room” bật tăng

(ĐTCK) Dòng tiền có sự dịch chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, nổi bật nhất là nhóm nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu 100% tăng giá mạnh, xác lập các mức đỉnh mới.
Nhóm “full room” bật tăng

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang khiến giới đầu tư trú ẩn vào kênh đầu tư vàng, lượng vốn tiếp tục rút ra khỏi thị trường mới nổi và dịch chuyển sang các thị trường trái phiếu dài hạn, dòng tiền cũng có sự dịch chuyển từ các quỹ chủ động sang các quỹ bị động như các quỹ chỉ số ETF. Ðiều này phản ánh giới đầu tư đang tìm mọi phương thức an toàn để phòng ngừa các rủi ro biến động mạnh của thị trường.

Ðiểm tích cực là Mỹ đã có phần nhượng bộ trong cuộc thương chiến, mong muốn đạt thỏa thuận đàm phán, nhưng điều này cũng không hỗ trợ kéo dài cho thị trường cổ phiếu trong tuần qua khi chỉ số Dow Jones quay trở lại kiểm định mức đáy cũ, do giới đầu tư tiếp tục lo ngại về mầm mống suy thoái kinh tế.

Mức chênh lệch lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và 2 năm tiếp tục giảm mạnh và khá sát mức đáy năm 2007. Trong quá khứ, mức chênh lệch này khi giảm dưới mức 0 cho thấy khả năng xuất hiện đợt suy thoái là khá cao và đã từng xảy ra hai lần trong lịch sử năm 2000 và năm 2007, thị trường cổ phiếu lao dốc trong hai đợt khủng hoảng này.

Do đó, lo ngại trên là dễ hiểu, nhưng với tình hình hiện nay, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp và tình hình đòn bẩy vẫn trong giới hạn an toàn, cho thấy mầm mống suy thoái chỉ mới ở mức cảnh báo và khó có thể xảy ra trong năm 2019.

Chỉ số Dow Jones đã quay trở lại vùng đáy cũ và chúng tôi đánh giá rủi ro ngắn hạn trên chỉ số này đang có chiều hướng giảm dần, cho thấy khả năng chỉ số này sẽ bước vào đợt hồi phục trong tuần giao dịch mới, nhưng xu hướng dài hơn có thể duy trì diễn biến giảm.

Thị trường cổ phiếu châu Á cũng đã chứng kiến động thái rút vốn mạnh, đặc biệt thị trường chứng khoán Việt Nam bị khối ngoại bán ròng hơn 2.150 tỷ đồng trên cả ba sàn trong nửa đầu tháng 8/2019, lượng bán ròng này phần lớn thực hiện thông qua phương thức giao dịch khớp lệnh và tập trung phần vào các mã VJC, HPG, chứng chỉ quỹ E1VFVN30…   

Hoạt động ủy thác đầu tư được quản lý chặt chẽ bởi Bộ Tài chính và UBCK.

Ngược với quý I/2019, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 đã bị khối ngoại bán ròng hơn 300 tỷ đồng trong tháng 8/2019 cho thấy khối ngoại đang thận trọng với diễn biến hiện tại của thị trường và đây cũng là xu hướng chung của dòng tiền thế giới trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, cũng ngược với xu hướng bán ròng của khối ngoại, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 đã xác lập xu hướng tăng giá trong tuần qua, với thanh khoản cải thiện dần.

Thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động tiêu cực bởi thị trường thế giới trong tuần qua, nhưng mức độ tiêu cực không ảnh hưởng trên diện rộng và chỉ phản ánh ở một vài nhóm vốn hóa lớn.

Ðiểm tích cực là dòng tiền có sự dịch chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, nổi bật nhất là nhóm “full room” khối ngoại (nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu 100%) tăng giá mạnh, xác lập các mức đỉnh mới.

Ngoài kết quả kinh doanh khả quan trong quý II/2019, việc thành lập các quỹ ETF cho nhóm cổ phiếu này là động lực thúc đẩy đà tăng giá cổ phiếu và đây là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia, thay vì chờ đợi lộ trình tăng room ngoại.

ETF là sản phẩm rất phát triển ở các thị trường châu Á khác và đây cũng là kênh hút vốn mạnh trong những năm gần đây, cho nên việc thành lập các quỹ ETF vào các nhóm cổ phiếu “full room” ngoại và nhóm cổ phiếu tài chính sẽ là động lực cho thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút dòng vốn nước ngoài trong thời gian tới. Ngoài ra, điều này sẽ giúp gia tăng tính thanh khoản của thị trường khi dòng vốn ETF luân chuyển rất nhanh so với các quỹ đầu tư khác.

Mặc dù, thị trường chung khó có thể xác lập xu hướng tăng ngắn hạn trở lại, nhưng chúng tôi cho rằng, các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư ở từng nhóm cổ phiếu và nên theo dõi động thái của dòng tiền ngắn hạn ở từng nhóm cổ phiếu.

Bài viết được cung cấp bởi CTCK Yuanta Vietnam và chỉ có giá trị tham khảo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục