Nhóm cổ phiếu dạy thêm ngoài giờ tại Trung Quốc giảm mạnh nhất trên thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu của các công ty dạy thêm ngoài giờ của Trung Quốc từng tăng mạnh mẽ lại là những cổ phiếu hoạt động kém nhất thế giới trong năm nay trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đưa ra những chính sách nhằm giảm bớt khối lượng bài tập và chi phí cho học sinh.
Nhóm cổ phiếu dạy thêm ngoài giờ tại Trung Quốc giảm mạnh nhất trên thế giới

Chứng chỉ lưu ký tại Mỹ (ADR) của Gaotu Techedu đã giảm 73% trong năm nay và là cổ phiếu giảm nhiều nhất trên Chỉ số largecap và midcap được theo dõi bởi Bloomberg.

Kế đó là TAL Education Group đứng ở vị trí thứ 4 với mức sụt giảm 67% trong khi New Oriental Education & Technology Group giảm 56% nằm ở vị trí thứ 10.

Diễn biến giá chứng chỉ lưu ký tại Mỹ của một số công ty

Diễn biến giá chứng chỉ lưu ký tại Mỹ của một số công ty

Chỉ riêng ba cổ phiếu đó đã làm mất giá trị thị trường hơn 50 tỷ USD, điều này cho thấy đà tăng của cổ phiếu có thể đảo ngược nhanh chóng nếu một lĩnh vực lọt vào tầm ngắm của các nhà chức trách Trung Quốc. Các công ty dạy thêm ngoài giờ đã phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn, tiền phạt và giới hạn về thời gian và phí kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ trích "sự phát triển rối loạn" của ngành giáo dục tư nhân vào tháng 5.

Đây là nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm giảm chi phí giáo dục cho các gia đình và chấn chỉnh hoạt động dạy thêm ngoài giờ đang tràn lan ở quốc gia này.

Theo Nikkei Asia ngày 1/6 dẫn nguồn tin từ Cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc, đã có 15 tổ chức giáo dục trực tuyến dạy học thêm ngoài bị phạt giờ với tổng số tiền 36,5 triệu nhân dân tệ (5,7 triệu USD) vì đã quảng cáo sai sự thật, gian lận mức học phí.

Một quan chức tại Cục Quản lý Thị trường Nhà nước Trung Quốc cho biết, sau khi điều tra, họ phát hiện một số công ty đã làm giả bằng cấp giáo viên, giả mạo đánh giá người dùng và phóng đại hiệu quả của các lớp dạy thêm.

Một số công ty cũng tung ra các sự kiện khuyến mại hấp dẫn, kích thích mọi người đăng ký mua khóa học. Tuy nhiên, những hình thức khuyến mãi đó dễ gây hiểu lầm. Theo đó, các công ty giáo dục sẽ tăng giá khóa học lên mức cao ngất ngưởng và sau đó tung chương trình khuyến mãi giảm giá sâu để thúc đẩy doanh số bán hàng.

Các cơ quan quản lý thị trường ở hai thành phố lớn đông đúc Thượng Hải và Quảng Đông cũng phạt một số tổ chức dạy thêm ngoài giờ khác, với mức phạt tổng cộng 24 triệu nhân dân tệ vì những vi phạm tương tự.

Nỗ lực quản lý cũng phản ánh sự phản đối tương tự của chính phủ đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, đây cũng là một nhóm cổ phiếu đã bị sụt giảm giá cổ phiếu gần đây sau khi tăng vọt lên mức định giá cao.

Mặt khác, có thông tin cho rằng Trung Quốc đang chuẩn bị công bố các quy định thậm chí còn khắt khe hơn đối với lĩnh vực dạy thêm ngoài giờ.

Jessica Tea, chuyên gia đầu tư cổ phiếu Trung Quốc tại BNP Paribas Asset Management Asia cho biết: “Tình huống xấu nhất mà các nhà quản lý sẽ làm là cấm dạy kèm từ lớp 1 tới lớp 12 trong những ngày cuối tuần, các kỳ nghỉ đông và hè dường như có nhiều khả năng xảy ra hơn”. Đây là một động thái có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng và lợi nhuận của ngành trong hai năm tới.

Các quy định sâu rộng cũng đã tác động đến thị trường sơ cấp khi VIPKid và Huohua Siwei được Tencent Holdings hậu thuẫn cũng từ bỏ kế hoạch IPO tại Mỹ. Trong khi đó, các nhà phân tích đều hạ đánh giá các cổ phiếu niêm yết trong lĩnh vực này. Credit Suisse Group AG và Morgan Stanley hạ quan điểm về TAL Education và New Oriental Education trong tháng 6 này.

Các nhà phân tích của JPMorgan đã khuyến nghị nên tránh các cổ phiếu dạy thêm ngoài giờ cho đến khi các quan chức đưa ra định hướng rõ ràng hơn. Các nhà phân tích đã viết trong một báo cáo vào tuần trước và lưu ý khả năng ngày càng tăng của việc ban hành chính sách trong tháng.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục