Nho Quế: Dữ dội và bình yên trên miền hoa đá

“Hùng quan” Mã Pì Lèng và dòng Nho Quế xanh như ngọc gặp nhau tại con đường Hạnh Phúc trên cao nguyên đá Đồng Văn. Sông Nho Quế khi thì dữ dội, lúc lại dịu êm như bày tỏ tình yêu chan chứa, sâu lắng với thiên nhiên sơn cước mạn đông bắc.
Nho Quế: Dữ dội và bình yên trên miền hoa đá
“Cặp đôi” huyền thoại của miền hoa đá
Cùng với Mã Pì Lèng hiểm trở, sông Nho Quế đã trở thành huyền thoại, đi vào thơ ca và là một trong những biểu tượng của Hà Giang. Nho Quế là một trong những con sông đẹp nhất miền hoa đá Hà Giang. Từ trên cao nhìn xuống, dòng Nho Quế như sợi chỉ xanh lung linh bắc xuống từ trời, ẩn hiện giữa núi rừng đại ngàn đông bắc.
Nho Quế: Dữ dội và bình yên trên miền hoa đá ảnh 1

 Dòng sông Nho Quế xanh mơ màng giữa những dãy núi đá xám xịt. Ảnh: Vo Van Trương Anh

Bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) cao 1.800m, sông Nho Quế chảy theo hướng tây bắc – đông nam, qua núi rừng hoang vu hiểm trở, đổ vào xã Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) để vào nước ta. Sông tiếp tục xuôi dòng qua hẻm núi Tu Sản, dọc theo Mã Pí Lèng, khi đến Mèo Vạc thì tách làm 2 nhánh và chảy sang địa phận Cao Bằng, cuối cùng nhập vào sông Gâm tại ngã ba Nà Mát.

Hầu hết thời gian trong năm, nước sông Nho Quế có màu xanh ngọc lục bảo tuyệt đẹp, ánh lên giữa những chân núi đá xám lạnh, bên cạnh những mảng xanh thẫm trong không gian hùng vĩ của rừng già, đá núi và mây trời.

Nho Quế: Dữ dội và bình yên trên miền hoa đá ảnh 2

Khung cảnh tráng lệ nhìn từ đèo Mã Pì Lèng. Ảnh: Nguyensuong91 

Đã đến Hà Giang, nếu đến thăm sông Nho Quế, người ta sẽ muốn chinh phục đèo Mã Pì Lèng và ngược lại, vượt đèo để ngắm cảnh kỳ vĩ của dòng sông xanh thơ mộng. Nho Quế - Mã Pì Lèng giống “cặp đôi” tuyệt cảnh của Hà Giang, bởi thiếu một trong hai thì vẻ đẹp không còn trọn vẹn.

Đoạn đèo Mã Pì Lèng bên hẻm núi Tu Sản, dòng sông Nho Quế hiện lên với vẻ đẹp ngoạn mục nhất. Không còn những ghềnh thác tung bọt trắng xóa, gầm gừ mà dịu dàng và êm đềm đến lạ.

Từ đỉnh đèo Mã Pì Lèng - nơi được mệnh danh là “mây đạp dưới chân, trời đụng trán” nhìn xuống, dòng Nho Quế vừa bình yên lại vừa hoang dại, bí ẩn. Giữa không gian mát lạnh của gió núi, bạn sẽ thu vào tận cùng vẻ hùng vĩ của núi non, sông nước. Và thấy dòng sông Nho Quế khi thì giống sợi chỉ thanh thiên mảnh mai của trời len lỏi qua những vách đá tai mèo dựng đứng, lúc lại giống con rồng đang uốn mình trườn qua đá núi, mây ngàn.

Sự hòa trộn giữa kỳ vĩ của đèo Mã Pì Lèng với Nho Quế duyên dáng đã tạo nên vẻ đẹp vừa thơ mộng vừa hùng tráng của Hà Giang.

Nho Quế dữ dội và bình yên

Nho Quế: Dữ dội và bình yên trên miền hoa đá ảnh 3

 Sông Nho Quế chảy qua những ghềnh đá, tung bọt trắng xóa, tạo nên cảnh tượng như chốn bồng lai. Ảnh: Midori Q

Trong suốt 192km chiều dài, sông Nho Quế đã “gửi mình” 46km tại Việt Nam. Đến Việt Nam, sông Nho Quế chạy qua những nhiều lớp đá tai mèo lởm chởm như bãi chông tua tủa có thể chọc thủng bầu trời. Nhờ dòng chảy mạnh, Nho Quế đã tạo nên vô số thác ghềnh trắng xóa giữa những thung lũng, hẻm vực ẩn hiện trong những đám mây bảng lảng, khiến Hà Giang vừa hùng vĩ vừa mơ màng.

Ẩn trong làn nước xanh ngọc quyến rũ là một câu chuyện lỳ kì về sự ra đời của sông Nho Quế. Chuyện rằng, khi quả núi vẫn còn nguyên vẹn, nước từ trên núi chảy xuống bị ứ lại nhiều. Bên này núi, nước ngày càng dâng cao, còn sườn bên kia quả núi vì chưa có sông, đất lúc nào cũng nứt toác, khô cằn, cỏ cây trơ trụi.

Một ngày nọ, thần Sông có lời đề nghị thần Núi nằm dịch qua một bên để dòng nước thoát ra, không bị ứ đọng và tưới mát cho những vùng khô hạn. Nhưng thần Núi cứ nằm im, giả vờ không nghe thấy. Thần Sông bèn thưa với Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng ra lệnh cho thần Núi tránh sang một bên nhưng không hiểu vì lý do gì, thần Núi vẫn tiếp tục giả vờ ngủ. Núi cứ ngủ mãi, ngủ từ đông sang hè, rồi từ hè sang đông.

Nho Quế: Dữ dội và bình yên trên miền hoa đá ảnh 4

 Sông Nho Quế xẻ qua đá núi, chia cắt đèo Mã Pì Lèng và dãy Săm Pun hùng vĩ. Ảnh: Tuan Nguyen

Thế rồi vào một đêm mưa gió, thần Sét rút gươm rạch cắt màn đêm. Sau tiếng nổ vang vọng rung chuyển cả đất trời, thần Núi vỡ đôi. Nước bên này núi tuôn xối xả. Dòng nước đi tới đâu, cỏ cây được hồi sinh xanh tốt tới đó. Qua một đêm, bên sườn núi khô cằn đã phủ kín một màu xanh mượt mà. Từ đó, nước cứ xuyên qua đá núi sừng sững, chảy mãi, tụ hội thành dòng Nho Quế, chia đôi đèo Mã Pì Lèng với dãy núi Săm Pun.

Theo con đường Hạnh Phúc chạy song song với dòng sông Nho Quế, bạn sẽ khám phá được vẻ đẹp vừa hoang dại, vừa mãnh liệt nhưng cũng đầy dịu dàng của dòng sông màu ngọc này. Qua những khúc cua tay áo cùng loạt ghềnh đá tai mèo lởm chởm, dòng sông cũng trở nên hiền hòa hơn. Không còn tiếng nước gào thét, tiếng gió rít khi lùa qua các vách đá, chỉ còn một dòng chảy êm đềm đẩy những con thuyền độc mộc xuôi trên dòng Nho Quế xanh biếc, mượt mà.

Nho Quế: Dữ dội và bình yên trên miền hoa đá ảnh 5

Dưới chân núi, dòng Nho Quế hiền hòa đẹp như tranh vẽ. Ảnh: Khoa Linh 

Qua bao thế kỷ, sông Nho Quế vẫn mang màu xanh của mình tô điểm cho mảnh đất cao nguyên nơi địa đầu Tổ quốc. Dòng chảy lặng lẽ tạo nên dáng vẻ đất nước, trở thành nguồn sống của con người và vạn vật đôi bờ.

Đèo Mã Pì Lèng dài 20km, là một phần của con đường Hạnh Phúc dẫn lên cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là công sức của những thanh niên trong đội Cảm Tử khi mở đèo. Họ đã phải treo mình trên vách đá ròng rã trong 11 tháng trời, dùng tay không đục, bổ, khắc từng phiến đá núi rắn câng, nhét thuốc nổ để mở dần đường công phụ rộng chừng 40cm cho công nhân có chỗ đi lại, làm đường sau này.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã từng viết về đèo Mã Pì Lèng: “Trong lịch sử làm đường của Việt Nam, có lẽ đó là con đường thi công hoàn toàn bằng sức người gian khổ nhất; vượt qua cao nguyên cao nhất; chiếm số ngày công lao động nhiều nhất; thời gian lâu nhất; và cũng bi tráng nhất”.

Đặng Huy
timeoutvietnam.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục