Toàn cảnh Núi Cấm - một trong những địa danh nổi tiếng của du lịch Hà Giang. Ảnh: cungphuot.info
Với vẻ đẹp được thiên nhiên ưu ái, lại nằm ngay thị xã “Cấm Sơn”, núi Cấm Sơn như một kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ thu hút rất nhiều khách du lịch từ mọi miền Tổ quốc. Ngọn núi được ví như con sư tử có dáng oai vệ, chạy dài theo dốc Mã Tim với địa hình hiểm trở khiến cho du khách muốn chinh phục và khám phá.
Trên đỉnh núi có một hang sâu thẳng đứng như “giếng trời”. Theo truyền thuyết, khoảng những năm 1870 – 1875, địa hạt Hà Giang có đội quân cờ vàng của Hoàng Sùng Anh kéo đến để cướp bóc, bị đội quân của đồng bào các dân tộc là “quân cờ trắng” đánh trả quyết liệt, bao vây, truy kích. Năm 1875, quân cờ vàng của Hoàng Sùng Anh bị co cụm, chạy lên núi Cấm để cố thủ. Lương thực cạn kiệt dần, xung quanh núi Cấm lại bị bao vây chặt chẽ, biết không thể thoát, cả tướng lẫn quân cờ vàng nhảy xuống hang sâu trên núi tự tử.
Sau cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, đã có bao con người phải đổ máu, hi sinh ở nơi này. Để tỏ lòng thương xót và sự bao dung, nhân ái, nhân dân địa phương đã lập ngôi miếu nhỏ, cầu nguyện cho những linh hồn bất hạnh được siêu thoát. Núi Cấm Sơn cũng vì thế mà trở thành nơi linh thiêng huyền bí hơn.
Ngày nay, núi Cấm đã được xây dựng tháp truyền hình lớn và một số thiết chế văn hóa du lịch. Các con đường cũng được xây dựng, mở rộng hơn để du khách tới đây khám phá sự hùng vĩ của núi Cấm Sơn.
2. Dinh vua Mèo
Ảnh: Internet
Nằm cách Thị xã Hà Giang 145 km về phía Tây Bắc, cách Trung tâm huyện Đồng Văn 24 km về phía Tây Nam. Sau con đường nằm bên hàng cây sa mộc cao vút, chiếc cổng đá bề thế của dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức ở Sà Phìn (Đồng Văn – Hà Giang) hiện ra trên đỉnh đồi. Vương Chính Đức là người đứng đầu dòng họ Vương của người Mông ở Hà Giang 1 thế kỷ trước đã được nhà nước xếp hạng du tích năm 1993.
Đầu thế kỷ XX, Vương Chính Đức được phong làm Bang Tá đã xây dựng khu nhà của mình thành một dinh cơ phú cường và độc đáo để ở và làm việc. Khu nhà được xây dựng theo kiến trúc cổ Trung Hoa (cuối thời Thanh), tổng thể khu chia ba phần chính: Khu tiền dinh, trung dinh và hậu dinh, gồm bốn nhà ngang, sáu nhà dọc, hai tầng với 64 phòng với diện tích sử dụng là 1120 m2. Bao bọc khu nhà là hệ thống tường đá dày từ 0,6 - 0,9 m; cao 2,5 - 3m. Là di tích hiếm có ở vùng miền núi phía Bắc của một dòng họ người Mông ở Hà Giang, với kiến trúc đẹp, những bức phù điêu trạm trổ trên đá được trang trí cầu kỳ, tỉ mỉ các khung cửa sổ bằng gỗ được trạm trổ khá tinh xảo, mái nhà được lợp bằng ngói máng. Công trình khu nhà dòng họ Nhà Vương là công trình nghệ thuật - Một di sản văn hoá. Với cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời, không khí mát dịu, có núi cao đồng rộng thuận lợi cho khách đến tham quan khi du lịch Hà Giang.
3. Phố cổ Đồng Văn
Phố cổ Đồng Văn. Ảnh: Internet
Là một trong những điểm du lịch chính của Hà Giang, Phố cổ Đồng Văn nằm ở thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Khu vực trung tâm thị trấn Đồng Văn xưa thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Vân, tỉnh Tuyên Quang và có lịch sử phát triển về kiến trúc, văn hóa hàng trăm năm.
Những năm 1880, khi chiếm đóng khu vực này, người Pháp đã có những quy hoạch và để lại những điểm nhấn quan trọng về quy hoạch và kiến trúc, đặc biệt là chợ Đồng Văn xây bằng đá trong những năm 1920 gần như còn nguyên vẹn đến ngày nay. Sự giao thoa tinh tế, độc đáo của kiến trúc Việt – Hoa được xây dựng trong khoảng từ những năm 1925 – 1928, khu chợ Đồng Văn như một nét vẽ đẹp và ấn tượng trong lòng cao nguyên.
Chợ Đồng Văn. Ảnh: Internet
Chợ Đồng Văn không chỉ là nơi giao thương của đồng bào các dân tộc trong vùng. Vào các phiên chợ, những thiếu nữ Mông hoặc Pu Péo, Lô Lô,… lại xúng xính trong các bộ trang phục truyền thống đến kết bạn, mua sắm và trao đổi hàng hóa.
Với nét đặc trưng vốn có và vẻ đẹp trong nền văn hóa truyền thống đa sắc màu cũng như kiến trúc của người dân phố cổ Đồng Văn đã tạo nên điểm nhấn ấn tượng và độc đáo trên vùng Công viên địa chất – Cao nguyên đá Đồng Văn.
4. Bãi đá cổ Nấm Dẩn
Bãi đá cổ Nấm Dần. Ảnh: Internet
Bãi đá cổ Nấm Dần thuộc xã Nấm Dần, Xín Mần là một trong những di tích nổi tiếng của du lịch Hà Giang. Nơi đây được công nhận là di sản quốc gia, thu hút hàng trăm lượt khách tới khám phá hàng năm.
Nhìn từ xa, du khách có thể thấy những khối đá nhiều hình thù kỳ lạ. Đá lớn có khoảng 7 phiến và 2 phiến cực lớn trên đó có khắc vẽ khoảng 80 hình và khoảng 80 lỗ vũm với độ trũng trung bình 5 – 6cm, sâu 1-2 cm. Các hình vẽ và lỗ vũm được các nhà khảo cổ học cho rằng được tạo ra bằng cách dùng đục sắt và búa tác động vào đá. Niên đại của các hình vẽ được cho rằng trên 1.000 năm.
Khi chỉ đơn thuần là một di tích, một điểm đến cho khách du lịch, bãi đá cổ Nấm Dẩn được xem như một nơi thiêng liêng để thờ cúng thần linh, tổ tiên hay nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn.
5. Căng Bắc Mê
Ảnh: Internet
Di tích lịch sử Căng Bắc Mê được người Pháp xây dựng ở xã Yên Cường nhằm kiểm soát toàn bộ tuyến giao thông nối 3 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Tuyên Quang. Căng được xây dựng gồm hệ thống nhà giam, vọng gác, nhà thông tin của thực dân Pháp. Trước kia, đây là đồn binh của thực dân Pháp. Năm 1938, khi phong trào cách mạng ở Việt Nam phát triển lên đỉnh cao mới thì nơi này thành địa điểm giam giữ cán bộ cách mạng, chúng chuyển một số tù nhân chính trị từ Sơn La, Hoả Lò, Phú Thọ…lên đây giam giữ.
Ảnh: Internet
Tới cuối năm 1942, lo sợ phong trào cách mạng đang lan rộng ở các tỉnh biên giới và đấu tranh của anh em tù chính trị trong Căng, sợ sự ảnh hưởng của anh em tù nhân đến bà con quanh vùng, thực dân Pháp đã phải giải tán Căng Bắc Mê.
6. Đèo Mã Pì Lèng
Đèo Mã Pì Lèng đã trở thành địa danh quen thuộc khi nhắc tới du lịch Hà Giang. Ảnh: Internet
Đèo Mã Pì Lèng (còn có âm đọc là Mã Pí Lèng, Mã Pỉ Lèng, Mả Pì Lèng) thuộc tỉnh Hà Giang là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km vượt đỉnh Mã Pí Lèng, một đỉnh núi có độ cao khoảng 1.200m thuộc Cao nguyên Đồng Văn, nằm trên con đường mang tên Con đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc.
Con đường dài khoảng 200 km này được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc làm trong 6 năm (1959-1965) với trên 2 triệu ngày công lao động. Trong đó, riêng đoạn đèo vượt Mã Pì Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng. Mã Pì Lèng được du khách gọi một cách không chính thống là một trong “tứ đại đỉnh đèo” tại vùng núi phía Bắc Việt Nam, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin.
Mã Pí Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia vào năm 2009. Theo đó, danh lam thắng cảnh Mã Pí Lèng bao gồm: đèo Mã Pí Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan; khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam; hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.