
Sáng 8/7, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025. Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, những tháng đầu năm 2025, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, chịu tác động mới nhiều yếu tố, từ chính sách thuế quan thay đổi nhanh chóng đến căng thẳng địa chính trị tăng. Rủi ro tiềm ẩn trên thị trường tài chính, tiền tệ thế giới tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất trong nước cũng như việc thực hiện mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị quốc tế diễn biến khó lường, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ hoạt động thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; tỷ giá VND diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường.
Lý giải thêm về việc VND trong 6 tháng đầu năm tiếp tục mất giá 2,7-2,8% so với USD mặc dù chỉ số DXY giảm hơn 10% từ đầu năm đến nay, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ VND cho biết, để duy trì sức mạnh đồng tiền thì trước hết đồng tiền đó phải có sức hấp dẫn, thể hiện ở lãi suất.
Tuy nhiên thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các chính sách điều hành nhằm duy trì mặt bằng lãi suất thấp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Mặt bằng lãi suất liên tục giảm từ cuối năm 2022 đến nay, tính riêng từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay bình quân đã giảm thêm 0,6%/năm.
"Để có lãi suất thấp thì phải có sự đánh đổi nhất định, trong đó có sự đánh đổi về tỷ giá", ông Phạm Chí Quang cho hay.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ, thời gian qua, để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giúp các tổ chức tín dụng tiếp cận được lãi suất thấp, Ngân hàng Nhà nước đã duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Điều này dẫn tới chênh lệch lãi suất VNĐ và USD ở trạng thái âm, từ đó kích thích cầu đầu cơ, nắm giữ ngoại tệ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây áp lực cho tỷ giá.
Mặc dù nhìn cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn ổn định, cán cân thương mại vẫn thặng dư nhưng dòng tiền chuyển đổi rất nhanh do dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán liên tục rút vốn từ năm 2024 đến nay, gây sức ép lớn lên thị trường ngoại hối.
Về diễn biến vàng, lãi suất, tỷ giá thời gian tới, ông Phạm Chí Quang cho biết sẽ chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố của thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ. Do có độ mở lớn (xuất khẩu/GDP của Việt Nam có thời điểm lên tới trên 200%) nên chính sách thuế của Mỹ thời gian tới sẽ tác động lớn đến không chỉ dòng vốn đầu tư, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam mà còn tác động mạnh tới các đối tác lớn của Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Quang cho rằng hành động của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tới đây cũng ảnh hưởng lớn đến lãi suất, tỷ giá. Từ đầu năm đến nay, Fed đã trì hoãn giảm lãi suất 2 lần do chính sách thuế của chính quyền Trump. Mặc dù lạm phát các nước Châu Âu, Nhật Bản có xu hướng giảm nhưng lạm phát ở Mỹ lại rất bấp bênh. Trong khi đó chính sách điều hành lãi suất của Ngân hàng Trung Ương Mỹ là dựa trên các số liệu, đặc biệt là dữ liệu việc làm.Trong khi dữ liệu này lại đang có rất nhiều ẩn số.
Đối với giá vàng, Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết trong những tháng đầu năm giá vàng thế giới biến động liên tục và phá vỡ kỷ lục, theo đó giá vàng trong nước diễn biến cùng chiều với thế giới. Nhờ các giải pháp đồng bộ, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cơ bản được kiểm soát trong biên độ phù hợp, khoảng 5 triệu đồng/lượng. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng.