NHNN lần thứ 6 liên tiếp đứng đầu các bộ, ngành về cải cách hành chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ năm 2018, NHNN đã tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 80 trên tổng số 257 điều kiện kinh doanh các lĩnh vực hoạt động ngân hàng (đạt 31%).
NHNN lần thứ 6 liên tiếp đứng đầu các bộ, ngành về cải cách hành chính

Chia sẻ trên được NHNN đưa ra tại Hội nghị trực tuyến Công bố chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020 và chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các Bộ, Cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương diễn ra ngày 24/6.

Trong đó, công tác kiểm soát quy định thủ tục hành chính thường xuyên được chú trọng; giải quyết thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn ISO, đáp ứng yêu cầu công khai minh bạch, đúng hạn. Theo kết quả khảo sát sự hài lòng của tổ chức/cá nhân về kết quả giải quyết thủ tục hành chính, chỉ số hài lòng hàng năm đều đạt trên 98%.

NHNN đã sắp xếp, điều chỉnh cơ cấu tổ chức các đơn vị, đảm bảo nguyên tắc một đơn vị làm nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một đơn vị chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; đẩy mạnh phân cấp hợp lý cho các đơn vị; sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng cục, chi cục, vụ, phòng.

Trong giai đoạn 2011 - 2020 NHNN được giao tăng từ 35 lên 37 nhiệm vụ, tuy nhiên, NHNN vẫn cắt giảm toàn bộ cấp phòng tại 2 đơn vị cấp Vụ (Vụ Thi đua - Khen thưởng và Vụ Truyền thông), giảm 74 đơn vị Phòng trong toàn hệ thống, tỷ lệ giảm trên 16%. Đã cắt giảm từ 11 xuống còn 8 đầu mối trực thuộc; giảm 18 đơn vị cấp phòng của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Về chính sách tinh giản biên chế, với số lượng đơn vị đầu mối tại trung ương và địa phương khá lớn (89 đầu mối) nhưng NHNN đã quản lý biên chế chặt chẽ và tổ chức tinh giảm được 385 chỉ tiêu biên chế đúng định hướng của Chính phủ.

NHNN đã kịp thời ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy định về chi tiêu nội bộ, định mức sử dụng, quản lý tài sản.... là cơ sở để nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị trong việc mua sắm, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị, đảm bảo tiết kiệm, đúng quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu công việc. Giao quyền tự chủ về tài chính đối với 7/7 đơn vị sự nghiệp công lập góp phần giảm chi phí hành chính từ ngân sách nhà nước.

Được biết, tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), NHNN đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp để mở rộng, nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng. Kết quả, CIC đã kết nối với toàn bộ các TCTD và gần 1.200 Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô), trên 50 tổ chức kinh tế và một số bộ, ngành để phong phú thêm nguồn thông tin.

Nhờ những nỗ lực trong việc thu thập và cung cấp thông tin tín dụng, kết quả theo báo cáo Môi trường Kinh doanh của WB, giai đoạn 2016 - 2020, độ phủ thông tin tín dụng công của Việt Nam tăng từ 41,5% năm 2016 lên 59,4% năm 2020, điểm chiều sâu thông tin tín dụng tăng từ 7 lên 8/8 điểm, đạt điểm tối đa trong thang điểm đánh giá một hệ thống thông tin tín dụng toàn diện.

Hệ thống các TCTD tích cực vào cuộc đã triển khai nhiều giải pháp để đổi mới công tác quản trị, điều hành, chuyển đổi mô hình tổ chức, thu gọn các bộ phận trung gian hướng tới mục tiêu lấy khách hàng làm trung tâm; tập trung tối đa nguồn lực nhân sự cho bộ phận kinh doanh, giảm thiểu chi phí hoạt động. Cùng với đó là nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm phi tín dụng điện tử có khả năng giao dịch thông qua các phương tiện điện tử, an toàn, bảo mật cao.

Về thanh toán các dịch vụ thiết yếu của người dân như thanh toán hóa đơn điện, nước, bảo hiểm, vé máy bay, khách sạn... hầu hết các ngân hàng đã hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ để tích hợp trong dịch vụ ngân hàng điện tử, tạo thuận tiện cho khách hàng, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Một số ngân hàng đã chủ động phối hợp với các Bộ, chính quyền địa phương triển khai thành công giải pháp thanh toán trực tuyến trên cổng Dịch vụ công các tỉnh/thành phố.

Liên quan đến các hoạt động nội bộ, các TCTD đã có nhiều cải tiến, đổi mới quy trình cho vay để đơn giản hóa thủ tục cho khách hàng vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay; cải tiến các quy trình nội bộ, loại bỏ các thủ tục, giấy tờ trùng thừa, tối ưu hóa thời gian xử lý công việc nội bộ. Công khai trên trang tin điện tử ngân hàng toàn bộ các quy trình, thủ tục cung cấp dịch vụ, biểu phí, lãi suất.

Cũng tại Hội nghị, NHNN cho biết, trong suốt 10 năm qua, công tác cải cách hành chính của ngành Ngân hàng luôn thể hiện sự quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, từ nhận đến hành động, thông qua việc chỉ đạo triển khai đồng bộ các lĩnh vực cải cách hành chính.

NHNN đã mạnh mẽ quyết đoán các chương trình cải cách hành chính trong từng giai đoạn 5 năm, hoạch định lộ trình áp dụng chi tiết, cụ thể hàng năm và thường xuyên bổ sung các nhiệm vụ cải cách mới với mục tiêu cao hơn.

Cải cách hành chính đã tạo sự chuyển biến vượt bậc trong toàn ngành Ngân hàng, cả về nhận thức, hành động và đã đạt được những kết quả tích cực trên cả 6 lĩnh vực cải cách hành chính nhà nước.

Các TCTD mặc dù là doanh nghiệp nhưng có tính chất phục vụ cũng được cải tiến, cắt giảm các thủ tục, ứng dụng công nghệ số và dịch vụ trực tuyến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong các giao dịch về dịch vụ tiền tệ, tín dụng, thanh toán....

Nhờ những kết quả cải cách thực chất, đã hình thành phương thức làm việc khoa học, nâng cao năng suất, chất lượng công việc, hiệu quả điều hành, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước; tiết giảm chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính, góp phần tạo niềm tin vững chắc giữa ngân hàng, doanh nghiệp, người dân; góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế đất nước.

Trong 7 năm xếp hạng chỉ số Par inex của Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần trong Top 3 và liên tiếp 6 năm gần đây xếp vị trí dẫn đầu trong số các Bộ, cơ quan Trung ương.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục