Nguy cơ nợ xấu tăng
Báo cáo tài chính của các ngân hàng niêm yết cho thấy, tổng giá trị nợ xấu đạt 91.244 tỷ đồng vào ngày 31/3/2021, tăng 3.948 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cũng tăng nhẹ 0,02 điểm phần trăm, lên mức 1,41%.
Trong số các ngân hàng đang niêm yết, 17 ngân hàng có sự gia tăng tỷ lệ nợ xấu với mức tăng trưởng trung bình từ 0,05 đến 0,1%. Đáng chú ý là ngân hàng ACB, Vietcombank và HDBank có mức tăng lần lượt là 0,32, 0,26 và 0,19%.
VPBank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất, với 3,5% (tính cả nợ xấu của công ty tài chính trực thuộc FE Credit), tăng 0,05 điểm phần trăm so với cuối năm trước.
Thực tế, câu chuyện này đã được giới chuyên gia dự báo từ trước. Hồi cuối năm 2020, ông Jacques Morriset, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận xét, nợ xấu của Việt Nam năm 2021 sẽ tăng.
Lý giải cho nhận định này, chuyên gia của WB cho biết, mức nợ xấu Việt Nam hiện nay đang ở ngưỡng rất cao, tỷ lệ dư nợ/GDP lên đến 130%, là một trong những mức cao nhất thế giới, nguyên nhân đầu tiên đến ngay từ quy mô tín dụng, với việc rất nhiều khoản vay nợ tập trung vào một số lĩnh vực và một số bên vay có thể làm trầm trọng hóa thêm rủi ro.
Nguy cơ nằm ở mối quan hệ tín dụng của những ngân hàng cho vay với những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 như du lịch, hàng không, bất động sản
Ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam
“Nguy cơ nằm ở mối quan hệ tín dụng của những ngân hàng cho vay với những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 như du lịch, hàng không, bất động sản”, ông Jacques Morisset nhấn mạnh.
Từ phía ngân hàng, ACB dù đang có nợ xấu dưới mức 1% nhưng tại đại hội cổ đông thường niên 2021, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng cũng thừa nhận sự quan ngại về rủi ro nợ xấu do nguy cơ dịch Covid-19 tái đi tái lại.
Được biết, dư nợ cho vay với khách hàng trong ngành du lịch và khách sạn (những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19) tại ACB là 9.000 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc trích lập dự phòng liên quan đến khách hàng trong lĩnh vực này buộc phải tăng lên để đảm bảo an toàn cho hoạt động của ACB về sau.
Cùng chung lo lắng này, bà Phạm Thị Trung Hà, Phó tổng giám đốc Ngân hàng MB nêu quan điểm, dịch vụ lưu trú dự báo sẽ khó khăn kéo dài do thị trường du lịch vẫn chưa mở cửa cho du khách quốc tế, nên kể cả cơ cấu thời gian trả nợ thêm 12 tháng thì doanh nghiệp chưa thể trả nợ và đương nhiên nợ xấu của ngân hàng sẽ “dềnh” lên.
Nợ xấu tăng, nhưng như TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích, Ngân hàng Nhà nước đã có những văn bản về đánh giá nhóm nợ cùng việc gia hạn nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khiến cho tình trạng nợ xấu của các ngân hàng chưa được đánh giá chính xác trên các báo cáo tài chính gần nhất.
Cụ thể, với việc ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN thay thế Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng được trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho những khoản nợ cơ cấu do ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong thời gian dài hơn. Lộ trình này kéo dài trong 3 năm, cụ thể, tỷ lệ trích lập sẽ phải đạt tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung, muộn nhất 31/12/2021 và tăng lên tối thiểu 60% và 100% lần lượt tại cuối năm 2022 và năm 2023.
“Đó là chưa kể, trong bối cảnh trong nước, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp sau khi bùng phát lần thứ 4 sẽ khiến số lượng các doanh nghiệp gặp khó khăn tăng lên, qua đó ảnh hưởng đến nhu cầu vay cũng như chất lượng tín dụng”, TS. Hiếu nhấn mạnh.
“Lợi nhuận năm 2021 của các ngân hàng chắc chắn bị ảnh hưởng”
Một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước nhận định: “Để tránh cú sốc lợi nhuận diễn ra tại thời điểm kết thúc thời hạn tái cơ cấu vào cuối năm 2023, các ngân hàng phải trích lập dự phòng căn cứ vào bản chất của các khoản nợ ngay từ bây giờ, nên lợi nhuận năm 2021 của các ngân hàng chắc chắn bị ảnh hưởng”.
Hệ thống ngân hàng đã khá lạc quan khi phục hồi tăng trưởng tín dụng trong quý I/2021 khi đạt mức 2,93%, tăng mạnh so với cùng kỳ (năm 2020 là 1,3%) nhờ sự phục hồi của nền kinh tế. Tín dụng toàn hệ thống đạt xấp xỉ 9,5 triệu tỷ đồng. Việc tín dụng toàn hệ thống phục hồi giúp nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng đã có sự cải thiện mạnh, cao nhất là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.
Nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao như MBB (8,0%), STB (6,3%), TCB (6,2%) và MSB là quán quân về tăng trưởng cho vay khách hàng với tốc độ tăng trưởng đạt 12,86%.
Bên cạnh đó, tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng niêm yết cho thấy tăng trưởng mạnh trong quý I/2021, với 109.765 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng chung là 28,4 so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu từ hoạt động dịch vụ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong quý I khi tăng 57,7% so với cùng kỳ, tiếp theo là hoạt động kinh doanh chứng khoán tăng 32,7%.
Biên lãi thuần mở rộng nhờ chi phí huy động giảm mạnh hơn lãi suất cho vay khách hàng. Theo đó, tổng tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng niêm yết đã tăng 1,22% trong 3 tháng đầu năm lên mức 6,86 triệu tỷ đồng, cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2020 là 0,18%. Trung bình lãi suất huy động kỳ hạn dài (12 tháng) vẫn được duy trì ở mặt bằng tương đối thấp, thấp nhất kể từ năm 2017 tới nay.
Cụ thể, mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 12 tháng ghi nhận trên thị trường hiện đang ở mức 6,9%/năm và trung bình ở mức 5,61%/năm giảm 20,14% so với cùng kỳ năm 2020.
Điểm đáng chú ý là chi phí hoạt động chỉ tăng 3%, tỷ lệ chi phí hoạt động/doanh thu hoạt động (CIR) giảm còn 33% từ mức 41% cùng kỳ năm trước. Hầu hết các ngân hàng đều tăng trích lập dự phòng, tuy nhiên, VietinBank, MB giảm mạnh trích lập dự phòng khiến tổng chi phí dự phòng toàn ngành đi ngang.
Đó là những yếu tố hỗ trợ kết quả kinh doanh quý I/2021 của các ngân hàng khởi sắc và lãnh đạo các ngân hàng tự tin công bố kế hoạch kinh doanh của năm 2021 tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua với những con số đẹp.
Tuy nhiên, sự lạc quan sẽ không kéo dài trước diễn biến phức tạp của đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4. Trong một diễn biến có liên quan, ông Frederic Neumann, Kinh tế trưởng khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á, HSBC cảnh báo: “Khi phương Tây mở cửa trở lại, phần lớn châu Á vẫn đang phải chật vật ứng phó với virus. Điều đó có thể khiến chúng ta phải đối mặt với khả năng nghẽn nguồn cung ngày càng tăng trong những tháng tới”.
Theo ông Frederic Neumann, trong toàn khu vực, điều này có thể gây trở ngại cho tăng trưởng đồng thời làm tăng lạm phát ở mọi nơi. Gián đoạn hoạt động tại nhà máy ở châu Á sẽ chỉ là vấn đề tạm thời, tương tự đối với áp lực giá cả. Tuy nhiên, khi các thách thức ở châu Á ngày càng gia tăng, các hiệu ứng gợn sóng có thể lan rộng và kéo dài trong một vài tháng.