NHNN khuyến khích trích lập 100% dự phòng cụ thể với nợ cơ cấu lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) NHNN vừa có văn bản gửi các TCTD yêu cầu các các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN, Công văn số 3029/NHNN-TTGSNH, Công văn số 4313/NHNN-TTGSNH, Công văn số 6370/NHNN-TTGSNH và các văn bản chỉ đạo có liên quan khác.
NHNN khuyến khích trích lập 100% dự phòng cụ thể với nợ cơ cấu lại

NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng cần xây dựng các kịch bản ứng phó trong trường hợp dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt hoạt động của nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng.

NHNN chỉ đạo các TCTD cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng. Trong đó, ngân hàng tập trung phân loại khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đánh giá khả năng trả nợ đầy đủ của khách hàng để đảm bảo việc hỗ trợ phù hợp với ảnh hưởng của dịch.

Các đơn vị trong hệ thống ưu tiên, tập trung cho vay đối với các ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích, phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế… nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh dần kiểm soát.

Đồng thời, TCTD kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hoặc chịu tác động lớn của dịch Covid-19, đặc biệt là dư nợ lĩnh vực bất động sản với mục đích tự sử dụng, nhằm hạn chế rủi ro phát sinh.

Đặc biệt, các ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích liên quan đến xây dựng, kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Các đơn vị cần duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 3% so với tổng dư nợ cho vay, đầu tư.

Đáng chú ý, NHNN khuyến khích các TCTD trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đối với các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung trong năm 2021.

Bên cạnh đó, ngân hàng tập trung và tăng cường nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu, đặc biệt đối với TCTD có kết quả kinh doanh ở mức cao trong khi chất lượng tín dụng chưa được cải thiện, nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu vẫn còn lớn.

NHNN cũng yêu cầu các nhà băng tập trung năng lực tài chính, cắt giảm tối đa chi phí hoạt động, tăng cường trích lập rủi ro.

Trong thời gian tới, khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu, hạn chế, không thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt để tăng vốn điều lệ, qua đó nâng cao năng lực tài chính và khả năng chống đỡ trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.

Các TCTD cũng cần rà soát, thực hiện dự thu lãi, thoái các khoản lãi dự thu theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của NHNN (gồm dự thu lãi đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01 và các văn bản sửa đổi, bổ sung), đảm bảo lợi nhuận phản ánh đúng thực trạng hoạt động kinh doanh của TCTD.

Ngoài ra, các TCTD giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ đối với doanh nghiệp và người dân, đồng thời thực hiện nghiêm và thường xuyên giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lãi suất, phí...

Để đảm bảo an toàn hệ thống, NHNN quyết tâm siết chặt trích lập dự phòng trong 3 năm tại Thông tư 14/2021/TT-NHNN vừa ban hành. Thực tế cho thấy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của hầu hết ngân hàng tăng trong nửa đầu năm và lên mức khá cao. Cụ thể, tại Vietcombank tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 352%, tăng đến 98% so với cùng kỳ, cao nhất ngành.

Techcombank, MB và ACB cũng là những ngân hàng đang theo đuổi chiến lược thận trọng với tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao lần lượt 259%; 237%; 208% đến cuối tháng 6/2021.

Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu cao như: PGBank tỷ lệ bao phủ nợ xấu đến cuối tháng 6/2021 là 33%, giảm 3% so cùng kỳ năm trước; tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Viet Capital Bank đến cuối quý II là 45%, giảm 7% so cùng kỳ; thậm chí VPBank tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ có 45%, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước...

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục