Nhìn lại "Gia Cát Dự" nhận định thị trường chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Thị tường tuần qua chứng kiến những phiên bán tháo diễn ra trên diện rộng, vượt ngoài dự đoán của các công ty chứng khoán. "Việc nhìn nhận thị trường có dừng giảm hay chưa khó xác định được vào lúc này” là câu nhận định có thể nói lên được sự khó khăn của các "Dự". Tuy nhiên, việc "copy" nhận định "thị trường sẽ tăng điểm" trong suốt tuần như MSBS thì khó có thể thông cảm.
Nhìn lại "Gia Cát Dự" nhận định thị trường chứng khoán tuần qua

Phiên giao dịch đầu tuần, thị trường lình xình quanh mốc 600 điểm trong phiên giao dịch sáng. Tuy nhiên, do lực bán bắt đầu gia tăng, trong khi bên mua thận trọng, VN-Index cuối cùng để mất mốc 600 điểm khi kết thúc phiên sáng, dù phần lớn thời gian dao động với sắc xanh. Trong phiên giao dịch chiều, sau nỗ lực test lại mốc 600 điểm bất thành, lệnh bán mạnh đã xuất hiện, đẩy các chỉ số giảm sâu và dù nỗ lực phục hồi sau đó, nhưng lực bán ở đợt ATC khiến các chỉ số đóng cửa với mức giảm mạnh.

Về phần các “Dự”, FPTS đã đúng với cái nhìn thận trọng của mình với nhận định, thị trường sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong những phiên tới. Không những thế, công ty này còn cảnh báo về khả năng xuất hiện tín hiệu đảo chiều khi chỉ số test đỉnh cũ bất thành.

Trong khi đó, nhận định của SHS có chính xác trong phiên sáng, tuy nhiên, đợt lao dốc trong phiên chiều đã khiến nhận định của SHS sai. Cũng có nhận định các chỉ số sẽ dao động trong biên độ hẹp, MBS cũng có phiên nhận định chưa thật chính xác trong phiên đầu tuần mới.

MSBS còn có nhận định sai hơn khi đặt cược vào sự lạc quan của thị trường với nhận định thị trường sẽ tăng điểm trong phiên đầu tuần với sự dẫn dắt của các mã bluechip, thậm chí, công ty này còn cho rằng VN-Index có khả năng chạm mốc 610 điểm trong tuần này.

SSI cũng mất điểm ngay phiên đầu tuần khi dự đoán: “khả năng vẫn tiếp tục xu hướng đi ngang trong ngắn hạn trước khi xuất hiện các nhân tố mới tạo động lực tăng chung cho thị trường”.

IVS không đưa ra nhận định cụ thể cho phiên đầu tuần, nhưng cho rằng, trong tuần này, khả năng sụt giảm về ngưỡng hỗ trợ thứ 2 là 575-580 điểm của VN-Index gần như khó xảy ra. Và sự đúng, sai của nhận định này thì tất cả nhà đầu tư… điều biết!

Trong khi đó, các BVSC, BSC, MBKE, VDSC, KIS cũng không đưa ra nhận định củ thể về diễn biến thị trường trong phiên đầu tuần, mà chỉ tập trung vào khuyến nghị chung chung về các mua, bán cổ phiếu.

Phiên giảm khá mạnh phiên chiều thứ Hai khiến thị trường bước vào phiên giao dịch thứ Ba (15/4) với nhiều lo lắng. Dù vậy, trong phiên giao dịch sáng, với việc nguồn cung giá thấp bị tiết giảm mạnh, VN-Index một lần nữa được âm thầm kéo lên để thử lại mốc 600 điểm. Nhưng khi chưa kịp chạm mốc tâm lý quan trọng này, lực bán đã được tung ra, đẩy VN-Index thoái lui. Sang phiên giao dịch chiều, kịch bản của phiên trước lặp lại, thậm chí lực bán còn mạnh hơn, VN-Index mất hơn 10 điểm và mốc hỗ trợ được xem là mạnh đầu tiên 590 điểm bị xuyên thủng. HNX-Index cũng lao mạnh hơn 2,6% và xuyên qua mốc hỗ trợ 85 điểm.

Với phiên đổ dốc bất ngờ này của thị trường, gần như các “Dự” đều dự đoán sai. Thậm chí MSBS còn cho rằng, thị trường sẽ hồi phục và tăng nhẹ. Đây là thất bại thứ 2 của MSBS trong tuần do những nhận định lạc quan của mình. BSC cũng có phiên đoán sai khi cho rằng, VN-Index sẽ vẫn tích lũy quanh mốc 600 điểm. MBKE dù nghi ngờ về khả năng thị trường đang bước vào một giai đoạn tiếp diễn trong xu hướng tăng, nhưng vẫn khuyến nghị nhà đầu tư vẫn có thể nắm giữ cổ phiếu. Trong khi đó, dù dự đoán thị trường sẽ giảm, nhưng  mức giảm của thị trường vượt quá dự đoán của IVS. Tương tự, SSI dù cũng cho rằng, khả năng kiểm vùng 593-595 trong phiên kế tiếp được tính tới, nhưng “Dự” này cũng không có điểm khi VN-Index lùi quá sâu, xuống 586 điểm.

Các công ty chứng khoán khác như BVSC, KIS, FPT, SHS, VCSC, VDSC chỉ nhận định chung chung rằng thị trường sẽ khó khởi sắc, hay sẽ có sự phân hóa, tăng giảm đan xen…

Sự hoảng sợ của nhà đầu tư tiếp nối sang ngày giao dịch tiếp theo (16/4) khi các chỉ số giảm mạnh ngay từ đầu phiên sáng và mốc hỗ trợ tiếp theo 580 điểm bị xuyên thủng và VN-Index đe dọa tiếp mốc hỗ trợ 575 điểm là mức đáy được xác lập từ đầu tháng 3. Dù vậy, đây có vẻ đây là mốc hỗ trợ tốt, nên giúp chỉ số đã bật trở lại. Sang phiên chiều, hành động chen nhau thoát thân lại diễn ra, khiến VN-Index có lúc mất tới hơn 20 điểm, trước khi hồi nhẹ trở lại nhờ lực cầu bắt đáy của khối ngoại. Dù vậy, thị trường tiếp tục chứng khiến phiên giảm sâu thứ 2 liên tiếp với mức giảm hơn 2% của cả 2 chỉ số và đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp trong tuần của thị trường.

Về vấn các “Dự”, MSBS có phiên đoán sai thứ 3 liên tiếp với sự bảo thủ của mình khi liên tục lặp đi lặp lại điệp khúc “thị trường sẽ tăng trở lại”. Cũng có cái nhìn lạc quan khi cho rằng, thị trường sẽ có phiên hồi phục kỹ thuật, SHS có phiên đoán trật thứ 2 trong tuần. Dù không đoán sai hoàn toàn như MSBS và SHS, nhưng MBS cũng không đúng khi cho rằng, khả năng giảm nhanh là không cao.

Trong khi đó, IVS tỏ ra “bí” khi cho rằng, “việc nhìn nhận thị trường có dừng giảm hay chưa khó xác định được vào lúc này”. Còn các “Dự” khác như BVSC, BSC, VDSC, KIS chỉ đưa ra nhận định là lực bán sẽ còn tiếp tục và khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế bắt đáy, đề phòng rủi ro T+.

SSI lại có nhận định nước đôi: “chỉ số sẽ hồi phục ở quanh mốc 579 -583 điểm, ngược lại nếu phá sâu xuống dưới mốc 575 điểm”.

Với 2 phiên giảm mạnh, tâm lý nhà đầu tư đều tỏ ra hoang mang và cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục lao dốc tiếp, nhất là áp lực giải chấp đang lớn dần với 5 phiên giảm liên tiếp của thị trường (2 phiên giảm cuối tuần trước đó). Tuy nhiên, trong lúc tâm lý thị trường lo sợ nhất, thì thị trường bất ngờ lại phục hồi. Trong phiên sáng 17/4, tăng vọt hơn 9 điểm, vượt qua mốc 580 điểm nhờ nguồn cung giá thấp bị tiết giảm sau 2 phiên tháo chạy, mặc dù vậy, lực mua cũng không lớn khiến thanh khoản ở mức thấp. Trong phiên giao dịch chiều, diễn biến thị trường ít tích cực hơn do sự thận trong quá mức của bên nắm giữ tiền mặt. Việc thị trường bất ngờ tăng điểm không giúp họ hưng phấn hơn, mà nhà đầu tư càng trở nên thận trọng hơn. Chính sự thận trọng của nhà đầu tư khiến đà tăng của thị trường bị hãm bớt trong phiên chiều. Phiên phục hồi với thanh khoản thấp này được nhận định chỉ là phiên phục hồi kỹ thuật.

Về phần các “Dự”, với việc chỉ chọn đúng 1 đáp án, cuối cùng MSBS cũng có phiên may mắn và đoán trúng trong phiên phục hồi này của thị trường. Trong khi đó, KIS tỏ ra khá xuất sắc khi nhận định thị trường sẽ có phiên phục hồi kỹ thuật. SHS cũng có phiên đoán trúng khi duy trì nhận định thị trường sẽ có phiên phục hồi kỹ thuật, nhưng SHS còn đánh giá, phiên phục hồi kỹ thuật sẽ không kéo dài (điều này đã được chứng minh trong phiên cuối tuần). MBS cũng đoán trúng phiên phục hồi kỹ thuật này của thị trường.

Không đưa ra nhận định rõ ràng cho phiên 17/4, FPTS chỉ đưa ra nhận định chung cho cả giai đoạn: “nhà đầu tư cần phải dự phòng cho một nhịp giảm sâu hơn trong ngắn hạn trước khi cung- cầu có thể hoàn toàn lấy lại sự cân bằng”. Dù nhận định này không chính xác trong phiên 17/4 và nhiều người cho rằng chỉ là “nhận định vuốt đuôi” với diễn biến 2 phiên trước của thị trường, nhưng nếu xem diễn biến phiên cuối tuần, nhà đầu tư có thể cho điểm đối với FPTS.

SSI cũng ghi điểm với nhận định: “Khả năng cầu bắt đáy sẽ tăng mạnh vào phiên kế tiếp và đà giảm có thể sẽ sớm chững lại tạo sóng phục hồi”.

Dù không xuất sắc, nhưng với nhận định VN-Index sẽ đứng vững tại mốc hỗ trợ 565 điểm, MBKE cũng không bị trừ điểm trong phiên phục hồi ngày 17/4.

Trong khi đó, BSC bị trừ điểm với nhận định đà giảm của thị trường sẽ được thu hẹp, SSI cũng không khá hơn với nhận định “rủi ro giảm tiếp của thị trường vào nửa đầu phiên vẫn còn”, nhưng công ty này cũng đã nhìn ra tín hiệu tích cực của thị trường, còn BVSC và VDSC chỉ đưa ra khuyến cáo thận trọng chung chung, đặc biệt là VDSC.

Trong phiên cuối tuần, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục đà hứng khởi của phiên trước đó để tiếp tục tăng điểm, dù mức tăng không lớn. Tuy nhiên, diễn biến thị trường không như kỳ vọng. Trong khi phiên sáng thị trường giảm do lực cầu yếu và hồi nhẹ trở lại khi chạm mốc hỗ trợ 570 điểm, thì sang phiên chiều, thị trường đã chứng kiến cơn hoảng loạn thực khi hoạt động bán tháo diễn ra trên diện rộng, kéo hàng trăm mã giảm sàn và 2 chỉ số cũng có phiên giảm mạnh nhất trong tuần. Mặc dù vậy, thanh khoản thị trường cũng không được cải thiện cho thấy, nhà đầu tư vẫn đang rất thận trọng.

Về phần các “Dự”, dường như các chuyên gia của MSBS không đánh giá nào khác ngoài việc điểm lại diễn biến thị trường và giữ nguyên cầu “ngày mai, thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm”. Tuy vậy, diễn biến thị trường không đơn giản như trò chơi nhắn tín có thưởng trên truyền hình là “chọn đáp án A hoặc B rồi gửi về số xxxxx”. Vì vậy, việc cùng lặp đi lặp lại một câu nhận định “sẽ tăng điểm” của MSBS chỉ giúp công ty này ghi điểm “ảo” ở giai đoạn thị trường thăng hoa, liên tục tăng trước đó.

Ngoài MSBS, phiên lao dốc bất ngờ cuối tuần cũng khiến đa số các “Dự” còn lại đoán sai. KIS với nhận định lặp lại “phục hồi kỹ thuật” cũng đã mất điểm trong phiên cuối tuần. IVS còn cho rằng 2 chỉ số sẽ tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ cũng xứng đáng bị trừ điểm. BSC cũng chịu chung cảnh ngộ với dự đoán thị trường sẽ tiếp tục phục hồi. Trong khi đó, BVSC lại cho rằng, đà giảm nếu có cũng không quá dốc như 2 phiên trước và dĩ nhiên nhận định này cũng không đúng.

FPTS có điểm với nhận định thị trường sẽ tiếp tục giằng co đi ngang và lùi dần về các mốc hỗ trợ sâu hơn, nhưng mất điểm khi dự đoán sẽ tiếp tục diễn ra hiện tượng tiết cung, bởi thực thế, lực bán tháo đã diễn ra mạnh và trên diện rộng trong phiên cuối tuần. SSI cũng duy trì nhận định tích cực và cũng chịu chung kết quả.

Còn để chắc chắn, SHS và MBKE dự đoán  biên độ dao động VN-Index lên tới tận gần 50 điểm, từ 565 - 610 điểm.

Tính chung trong tuần, MSBS xứng đáng là “Dự” tệ nhất không chỉ với 4 phiên đoán sai, mà còn là cách đưa ra nhận định gần như “copy” trong cả tuần. Mặt khác, trong nhận dịnh tuần rồi, MSBS còn đưa ra dự đoán VN-Index có khả năng chạm mốc 610 điểm.

Nhận định hay nhất trong tuần qua theo người viết có lẻ là nhận định: “việc nhìn nhận thị trường có dừng giảm hay chưa khó xác định được vào lúc này” của IVS. Nhận định này đã nói lên được sự khó khăn khi phân tích thị trường chứng khoán Việt Nam, bởi sự bất ngờ luôn diễn ra và đó chính là nét đẹp của thị trường.

TL

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục